Taekkyon là một môn truyền thống được công nhận như là hình thức đối kháng không thủ nguyên thủy của võ thuật Hàn Quốc.
Trước thế kỷ thứ 6, chỉ có giai cấp thống trị mới luyện tập Taekkyon và từ thế kỷ thứ 9 môn võ này bắt đầu trở nên phổ biến ngay cả với thường dân. Theo cuốn sách sử Hàn Quốc Koryusa viết vào thế kỷ 15, Taekkyon được khuyến khích rộng rãi và luyện tập bởi tất cả mọi người từ vua chúa cho giai cấp nông dân. Xu hướng này kéo dài cho đến đầu triều đại Chosun.
Nhưng khi xã hội chuyển hướng sang mô hình khuyến học, phát triển văn chương và xem nhẹ quân sự thì số lượng người tập Taekkyon cũng suy giảm. Đến thế kỷ 13, Taekkyon dần trở thành một trò chơi dân gian hơn là một hệ thống võ thuật.
Dưới ách đô hộ của Nhật Bản, Taekkyon hoàn toàn bị cấm và gần như biến mất. Nhờ có công sức của võ sư Song Duk-ki (1893-1987) ra sức bảo tồn nên môn võ này được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, sau khi Hàn Quốc giành được độc lập, Taekkyon vẫn chưa phổ biến bằng võ thuật Nhật Bản. Việc thành lập liên đoàn Taekwondo sau chiến tranh Triều Tiên và phổ cập cho dân góp phần làm Taekkyon thêm mờ nhạt.
Taekkyon bắt đầu thịnh hành trở lại vào đầu những năm 1980. Chính phủ Hàn Quốc đã công nhận môn võ này là Tài Sản Văn Hóa Phi Vật Thể số 76 vào ngày 01/06/1983 với những nỗ lực của võ sư Shin Han-seung (1982 – 1987) là môn đồ của Song Duk-ki. Sau khi hai đại sư qua đời, một môn đồ theo học họ từ năm 1984 là võ sư Lee Yong-bok đã thành lập viện Nghiên Cứu Taekkyon Cổ Truyền Hàn Quốc để giúp hồi sinh môn Taekkyon. Nhờ vào những đóng góp hết mình của ông, Taekkyon dần được biết đến nhiều hơn và thành quả là giải đấu Taekkyon đầu tiên đã được tổ chức tại sân vận động Kooduk ở Pusanvào ngày 30/06/1985.
Ngày 01/01/1991, Hiệp Hội Taekkyon Hàn Quốc được thành lập và trở thành một thành viên chính thức của Hội đồng Thể Thao Quốc Gia vào ngày 30/11/1998. Ngày 02/02/2001, Hiệp Hội Taekkyon Hàn Quốc chính thức bước vào Hội Đồng Thể Thao Hàn Quốc và môn Taekkyon (dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Taekkyon Hàn Quốc) đã được công nhận như một môn thể thao đặc biệt của Hội đồng. Ngày nay, Hiệp Hội Taekkyon Hàn Quốc có câu lạc bộ và trường học trên khắp Hàn Quốc, hỗ trợ hơn 160 tổ chức, 110 trường đại học và 120 câu lạc bộ dân sự và có khoảng 10 giải Vô Địch Taekkyon Toàn Quốc mỗi năm.
Kyolryon Taekkyon
Kyolryon Taekkyon còn được gọi là Kyolryontae. Đây là một trò chơi dân gian, trong đó dân làng thường được chia thành hai nhóm. Cho đến cuối triều đại Chosun, người dân Seoul tự chia thành 2 nhóm để chơi, phía tây gọi là Woodae và phía đông là Araedaei.Vào ngày Tano (ngày 15 của tháng âm lịch thứ 5), hai nhóm tụ tập tại bãi đất trống lúc hoàng hôn và bắt đầu chơi.
Đầu tiên, trẻ em bắt cặp trước, nghi thức này thường được gọi là Aeki-Taekkyon, sau đó là đến người lớn. Trong số này, những người có kỹ thuật thấp sẽ đi trước và những người giỏi hơn sẽ theo sau. Người chiến thắng trong mỗi trận đấu có thể chọn bất kỳ một đối thủ mới nào. Như vậy, trận đấu sẽ càng lúc càng trở nên thú vị. Người chiến thắng chung cuộc được gọi là An-mageum Chang-sa, có nghĩa là người chơi giỏi nhất. Không có giải thưởng cho người thắng cuộc nhưng anh ta sẽ được tôn vinh như một vị anh hùng bởi cả hai đội.
Để giành chiến thắng, người chơi phải hạ đối thủ bằng cách ném hoặc đá vào đầu đối phương. Người chơi sẽ vỗ tay xuống đất để ra hiệu thua cuộc. Sàn đấu thường dựng bằng hai chiếc chiếu rơm. Người ta cũng có thể thi đấu trên sân cát hoặc trên cỏ. Trò chơi này đã bị cấm bởi cảnh sát Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa và sau đó biến mất.
Kyolryon Taekkyon được được hồi sinh bởi Lee Yong-bok (Chủ tịch Viện Nghiên Cứu Taekkyon Cổ Truyền Hàn QUốc) vào năm 1995 tại cung điện Kyongbok với một cuộc thi quy mô lớn và sau đó được tổ chức thường xuyên ngày Tano (ngày 15 của tháng 5 âm lịch).
Quy tắc của Taekkyon
Taekyyon thường được miêu tả là tương tự như Taekwondo, nhưng trong thực tế có rất nhiều sự khác biệt, không chỉ về vẻ ngoài mà còn trong các nguyên tắc kỹ thuật cũng như phương pháp chiến đấu.
Các động tác của Taekkyon lấy sức mạnh từ sự chuyển động nhịp nhàng và hài hòa của phần thân dưới và thân trên, tập trung vào các động tác co gối và sự dẻo dai của hông eo. Các đòn tấn công thường thọc vào mặt và cơ thể của đối thủ hoặc những đòn tấn công vào chân hất té họ. Ngoài ra còn có những kỹ thuật kéo, đẩy chân đối thủ để phòng thủ đồng thời triệt hạ đối thủ.
Trong những trận đấu Taekkyon, đấu sĩ thường đặt một chân lên trước đối phương và xoay chuyển mã liên tục để tránh những đòn tấn công chân. Quy tắc này tạo nên một loại bộ pháp độc đáo cho Taekkyon cũng là đặc điểm chính của môn này.
Chỉ cần động tác hoán chuyển nhỏ trong kỹ thuật Taekkyon cũng có thể dẫn đến những đòn đánh và ngọc cước rất hiểm vào những yếu huyệt trên cơ thể đối thủ. Tuy nhiên trong thi đấu giao hữu, việc tấn công vào những điểm yếu này hoàn toàn bị cấm. Teakkyon thực chiến được dạy riêng biệt với Teakkyon thể thao.
Taekkyon không lệ thuộc nhiều vào kỹ thuật phòng thủ. Khi bị tấn công, môn sinh hầu như không đỡ mà đáp trả lại bằng một đòn khác. Môn sinh được dạy khống chế cấp độ ra đòn theo phản xạ để tránh tổn thương bạn tập.
Lý thuyết này hình thành dựa trên đặc tính của văn hóa dân tộc Hàn Quốc, một sự kết hợp tính thiện chiến của các tộc người trên yên ngựa ở phương Bắc và tính hòa hiếu của những tộc người theo nông nghiệp ở phương Nam. Taekkyon ẩn chứa một triết lý sống đề cao sự phát triển hài hòa, góp phần cho hòa bình và thịnh vượng của nhân loại.
Vũ Bảo (ST)
Nguồn: Internet