Argentina và bi kịch Quyền Anh: Nơi võ đài là… pháp trường

(VoThuat.vn) – Trong vỏn vẹn một tuần vào mùa Hè 2019, giới quyền Anh quốc tế chứng kiến hai cái chết liên tiếp của các võ sỹ khi thượng đài. Đầu tiên là trường hợp của Maxim Dadashev người Nga, sau đó đến bi kịch mang tên Hugo Alfredo “Dinamita” Santillan. Anh bỏ mạng chỉ vì cố kiếm tiền nuôi gia đình.

Cái chết vô ích

“Bố ơi, con đau đầu lắm, con thấy choáng váng”, Santillan nói với bố, cũng là HLV của anh. Một góc võ đài náo loạn giữa lúc các trọng tài công bố tỷ số phân định thắng thua, còn truyền hình vẫn chiếu trực tiếp như chưa hề biết tin.
argentina va bi kich quyen anh: noi vo dai la... phap truong hinh anh 1

Hugo Alfredo “Dinamita” Santillan.

Biết tin kết quả trận đấu là hòa, Santillan lập tức gục ngã. Anh vẫn tỉnh táo trên đường đến bệnh viện, nhưng tình hình ngày tồi tệ.

Trong trận đấu, Santillan trúng một cú đấm từ đối phương, khiến máu mũi chảy ròng ròng ở hiệp 4. Anh cứ nghĩ đó chỉ là một vết thương thông thường, cho đến lúc các bác sĩ kết luận tiên lượng xấu: xuất huyết não, suy thận cấp độ 3 và rối loạn tuần hoàn. Họ cứu sống Santillan khi tim anh ngừng đập lần thứ nhất, nhưng tất cả đều bó tay khi chuyện đó tiếp tục xảy ra.

Sau 4 ngày nằm viện, Santillan mãi mãi ra đi ở tuổi 23 với thành tích 19 thắng, 2 hòa, 6 thua. Tiền thưởng anh nhận được từ lần thượng đài mất mạng là 55.000 peso Argentina (khoảng 1.200 USD).

Nhưng riêng chi phí tổ chức tang lễ cho tay đấm xấu số đã tốn tới 45.000 peso. Anh ra đi để lại 3 đứa con nhỏ nheo nhóc mồ côi cha, không biết ngày mai sẽ lấy gì mà ăn.

Santillan không phải người hiếm hoi bỏ mạng. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, ước tính đã có trên dưới 500 võ sĩ hóa người thiên cổ sau khi thượng đài. Dù quyền Anh hiện đại đã cố gắng hạn chế tổn thương cho các võ sĩ: đeo đệm bảo vệ răng, găng tay được thiết kế nhỏ và nhẹ hơn, trận đấu kết thúc nhanh hơn… nhưng vẫn có những người chết.

argentina va bi kich quyen anh: noi vo dai la... phap truong hinh anh 2

Võ sỹ Santillan ra đi mãi mãi ở tuổi 23 khi cố thượng đài để kiếm tiền nuôi gia đình.

Nếu nhìn vào lịch trình thi đấu của Santillan, hẳn Mike Tyson cũng phải giật mình vì nó thiếu khoa học đến quái đản. Một tháng trước trận đấu định mệnh, Santillan thượng đài ở Đức gặp võ sĩ Artem Harutyunyan.

Santillan biết chắc mình sẽ thua, vì đối thủ hơn anh đến 3 hạng cân, nhưng anh buộc phải chiến đấu vì tiền. Trận thua đó giúp Santillan kiếm được hơn 200.000 peso, bằng 2 năm thi đấu trong nước.

“Tôi sẽ đánh cược đời mình. Tôi phải chiến đấu vì những đứa trẻ. Vì thế chỉ còn cách trở thành kẻ giết người, hoặc bị giết mà thôi”, Santillan chia sẻ trên mạng xã hội hồi tháng 6. Cuối cùng điều anh tiên đoán cũng thành sự thật.

Bi kịch của Santillan là hồi chuông cảnh báo cho rất nhiều võ sĩ Argentina khác, nhưng họ vẫn phải cố thượng đài để kiếm tiền. Sau mỗi trận đấu, họ nhận về số tiền rẻ mạt và có nguy cơ mất mạng.

Sống chết mặc bay

Giống nhiều đồng nghiệp đồng hương, Santillan chẳng có công đoàn hay tổ chức nào lên tiếng bảo vệ quyền lợi tối thiểu cho họ. Liên đoàn quyền Anh Argentina (FAB) chỉ là một nhóm ô hợp tổ chức thiếu chuyên nghiệp.

Nạn quản lý kém và tham nhũng tràn lan khiến họ mặc kệ các võ sỹ. Khi đó, những đơn vị tổ chức tham lam đẩy những người như Santilla lao vào chỗ chết khi thượng đài hết lần này đến lần khác.

Ví dụ tiêu biểu cho tệ quan liêu ở FAB là cách họ dung túng cho trận đấu khiến Santillan bỏ mạng. Sau khi thua Harutyunyan, Santillan bị cấm thi đấu ở châu Âu trong vòng 45 ngày.

Lúc đơn vị tổ chức đem điều này đến đặt vấn đề với FAB, họ ngó lơ với lý do “cấm ở châu Âu chứ có cấm ở Argentina đâu”. Hậu quả là Santillan tiếp tục thượng đài với một đối thủ nặng cân hơn mình.

argentina va bi kich quyen anh: noi vo dai la... phap truong hinh anh 3

Santillan được đưa đi cấp cứu nhưng không vượt qua định mệnh.

Về lý, FAB phải can thiệp, không cho trận đấu diễn ra, nhất là khi 2 lần thượng đài liên tiếp của Santillan chỉ cách nhau 35 ngày. Dù vậy họ lại ngó lơ, và đẩy trách nhiệm đó về phía HLV, cũng là bố của anh.

Rõ ràng cả Santillan lẫn bố đều không thể cưỡng lại ma lực của đồng tiền vì họ cần nó, thế nên cả hai cắn răng chấp nhận lao vào trận đấu.

Mọi người thường nghĩ võ sỹ nào cũng kiếm tiền dễ dàng như Mike Tyson hay Anthony Joshua, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Trung bình mỗi trận đấu được truyền hình trực tiếp, các võ sĩ Argentina chỉ kiếm được khoảng 50.000 peso.

Kể cả thượng đài 1 tháng 1 lần như Santillan, thu nhập của họ cũng chỉ ngang người lao động trung bình. Khủng hoảng kinh tế Argentina khiến việc làm trở nên cực kỳ khó kiếm, vậy nên các võ sĩ cũng phải liều mạng kiếm sống.

Trong tang lễ Santillan, cha của anh mừng rỡ rối rít cảm ơn đơn vị tổ chức vì “đã đối xử tốt với con trai tôi”. Họ nhận chi trả phí tổ chức tang lễ cho Santillan, khiến gia đình phải chịu ơn những kẻ ném anh vào chỗ chết.

Kiếm bộn tiền cũng ra đi trong tích tắc

Mike Tyson không phải võ sỹ duy nhất phá sản sau khi giải nghệ. Evander Holyfield, người từng bị anh cắn đứt tai đã kiếm được hơn 500 triệu USD suốt sự nghiệp, nhưng cuối cùng cũng chịu cảnh tay trắng. Hậu quả là bây giờ cả Tyson lẫn Holyfield phải mưu sinh bằng cách liên tục nhận lời tấu hài, mua vui trên truyền hình.

Một võ sỹ chuyên nghiệp đấm bao nhiêu trận mỗi năm?

Thông thường, số trận đấu tối đa trong một năm với các võ sỹ chuyên nghiệp là 4 trận. Sở dĩ như vậy là để đảm bảo sự an toàn cho từng võ sỹ. Riêng với những tay đấm thuộc hàng vô địch thế giới Floyd Mayweather chỉ thượng đài 1 hoặc 2 trận mỗi năm.

Một điều nữa cũng đáng lưu ý đó là với những võ sỹ có hạng cân càng nặng sẽ thượng đài càng ít, bởi phải mất nhiều thời gian hồi phục.

Chênh lệch về thu nhập trong giới quyền Anh

Theo kết quả công bố từ văn phòng thống kê lao động tại Mỹ, một tay đấm hạng xoàng chỉ được nhận 200 USD cho mỗi trận. Nếu thắng cả 12 trận trong năm, thu nhập của anh ta chỉ là 2.400 USD/năm. Đó là sự chênh lệch khủng khiếp với những tay đấm chuyên nghiệp với thu nhập trung bình 40.060 USD/năm. Đấy là chưa kể đến những tay đấm hàng đầu như Floyd Mayweather hay Manny Pacquiao bỏ túi hàng chục triệu USD mỗi năm.

Quyền Anh, môn thể thao nguy hiểm thứ 11

Mặc dù mang tiếng là môn thể thao đậm chất bạo lực, song hiếm ai biết quyền Anh chỉ đứng ở vị trí thứ 11 trong những môn thể thao nguy hiểm nhất thế giới. Đây là thống kê được theglobeandmail.com đưa ra dựa trên số liệu về tỷ lệ thương tích và tử vong. Xếp trên quyền Anh là một số môn thể thao như leo núi, đua xe máy, cưỡi ngựa, bóng bầu dục, thậm chí cả bơi lội.

Mỗi võ sỹ nhận từ 200 đến 400 cú đấm trong 1 trận

Theo thống kê từ tờ Daily Mail, mỗi tay đấm thường tung ra từ 530 đến 600 cú đấm trong 1 trận. Cá biệt có những võ sỹ tung ra hơn 1.000 cú. Với tỷ lệ đánh trúng từ 28 đến 40%, tính ra mỗi võ sỹ khi thượng đài sẽ phải hứng chịu từ từ 200 đến 400 cú đấm vào người.

Theo Bongdaplus