(VoThuat.vn) – Tin tức về chuyện một sĩ quan người Pháp bị cắt họng lập tức lan nhanh khắp Sài Gòn. Không ai ngờ võ sĩ trẻ Nguyễn Văn Ngọc đã dám làm chuyện động trời như vậy…
Theo võ sư – nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì cách đây nhiều thập kỷ, từ thập niên 1950 của thế kỷ trước, có một võ sĩ từng gây chấn động dư luận và giới võ lâm Sài Gòn theo cách không ai có thể tưởng tượng ra. Người này là võ sĩ Nguyễn Văn Ngọc.
“Võ sĩ Nguyễn Văn Ngọc (tên thật là Nguyễn Dự) sinh ra và lớn lên trên vùng đất võ Bình Định. Ông từng học hỏi những tinh hoa của môn võ quê hương từ nhiều bậc thầy lừng danh ở các làng võ nổi tiếng như: An Vinh, Thuận Truyền, An Thái…
Võ sĩ Nguyễn Văn Ngọc học quyền cước ở An Thái và An Vinh, rồi học roi ở Thuận Truyền giống hệt như những câu tục ngữ nói về võ của các địa phương này, như: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”…
Võ sĩ Nguyễn Văn Ngọc cũng đã thượng đài thi đấu được nhiều trận ngay trong những kỳ võ đài tổ chức tại Bình Định trong những năm sau 1945. Bằng phong cách tấn công dũng mãnh trên võ đài, Nguyễn Văn Ngọc là võ sĩ mà bất kỳ một đối thủ nào ở Bình Định cũng đều phải e dè.
Từ năm 1945, chiến sự nổi lên khắp nơi, các làng quê ở Bình Định xơ xác sau những trận càn quét của quân đội Pháp. Dân tình đói khổ, nhiều người đã lìa quê vào Sài Gòn kiếm sống, trong đó có chàng võ sĩ trẻ Nguyễn Văn Ngọc.
Cuộc sống đẩy đưa chàng võ sĩ trẻ xứ nẩu (ngụ ý chỉ xứ Bình Định) đến với nghề hớt tóc tại một tiệm hớt tóc nằm trên đường Catinat, con phố sang trọng bậc nhất ở Sài Gòn thời đó (có tên cũ là đường Tự Do, sau năm 1975 đổi tên thành đường Đồng Khởi).
Với vai trò một người thợ hớt tóc cực kỳ lành nghề, Nguyễn Kim Ngọc làm hài lòng rất nhiều khách hàng, đặc biệt là những sĩ quan trong quân đội viễn chinh Pháp.
Cũng theo võ sư Hồ Tường thì Sài Gòn những năm 1950 đã được xem là “hòn ngọc Viễn Đông”, từ chủ đến thợ tại những cửa hiệu trên đường Catianat đều là những người khá giả. Do vậy mà có lần những tên du côn cùng hàng chục đồng bọn từ khu vực chợ Cầu Muối cách đường Catinat khoảng 3 cây số đã kéo đến đến đòi tiền bảo kê ở tất cả các cửa hiệu trên đường này.
Hầu như cửa hiệu nào cũng khúm núm trao tiền cho đám côn đồ để được yên thân, sợ chúng phá rối công việc làm ăn của mình. Tuy nhiên, khi bọn chúng cả chục tên kéo đến tiệm hớt tóc đòi tiền thì chàng thợ trẻ Nguyễn Văn Ngọc đã ngăn không cho chủ tiệm đóng tiền và đích thân anh ta ra “thư hùng” với tên đầu đảng của nhóm giang hồ bảo kê.
Vốn là một người con của đất võ Bình Định, từng gặt hái nhiều chiến thắng trên võ đài, chàng trai Nguyễn Văn Ngọc đã hạ tên trùm sỏ một cách dễ dàng. Bọn đồng đảng định xúm lại đánh hội đồng Nguyễn Văn Ngọc, nhưng tên trùm sỏ đã can ngăn và từ đó, nhóm bảo kê không đến đòi tiền ở tiệm hớn tóc có anh thợ Nguyễn Văn Ngọc của xứ nẩu.
Tuy đường Catinat là con phố sang trọng số một của đất Sài Gòn, nhưng ngày này qua ngày nọ, ngươi thợ hớt tóc Nguyễn Văn Ngọc đã chứng kiến biết bao mảnh đời nghèo khổ, cơ cực kiếm sống đó đây trên con đường này.
Có lần, anh thấy một tên lính Pháp không chịu trả tiền đánh giày cho đứa bé vừa đánh giày cho ông ta mà leo lên xe nổ máy chạy luôn. Lần nọ, anh lại thấy một tên lính Pháp khác đánh một anh phu kéo xe vì dám cả gan níu áo đòi thêm tiền…
Võ sư Hồ Tường kể lại: “Nguyễn Văn Ngọc đặc biệt để ý đến một tên sĩ quan người Pháp nổi tiếng hống hách với những người cùng khổ kiếm sống trên con đường Catinat. Một ngày nọ, tên sĩ quan đã vào hớt tóc và công việc phục vụ vị khách đã được chủ tiệm giao cho Nguyễn Văn Ngọc bởi anh từng làm hài lòng rất nhiều vị khách Tây.
Giống như thói quen của mình thì Nguyễn Văn Ngọc thường nói chuyện mỗi khi cắt tóc. Anh nói đủ thứ chuyện bằng vốn tiếng Pháp khá tốt của mình. Tất cả diễn ra bình thường cho đến phần cạo râu thì tên sỹ quan yêu cầu Nguyễn Văn Ngọc im lặng để tránh những rủi ro trong khi sử dụng dao cạo.
Đang say sưa nói thì bị khách ra lệnh rồi còn chửi mắng, Nguyễn Văn Ngọc rất bực tức. Đột nhiên, Nguyễn Văn Ngọc nhớ lại rõ mồn một những cảnh tượng mà tên sĩ quan này đã từng chửi bới, hà hiếp, thậm chí đánh đập những người cùng khổ.
Nguyễn Văn Ngọc bỗng thấy căm oán tên sĩ người Pháp vô cùng, mà giờ đây hắn đang ngửa cổ để mình cạo râu. Trong giây phút đắn đo, Nguyễn Văn Ngọc đã đưa lưỡi dao cạo cắt ngang qua chiếc cổ họng của tên sĩ quan Pháp. Hắn vừa kịp kêu lên một tiếng rồi giẫy giụa, ngồi dựng người lại, máu chảy xối xả… Trong lúc đó, Nguyễn Văn Ngọc lập tức chạy trốn khỏi cửa hiệu và biến mất vào đám đông”.
Tin tức về chuyện một sĩ quan người Pháp bị cắt họng trong tiệm hớt tóc lan nhanh khắp thành phố Sài Gòn. Không ai ngờ anh thợ tài hoa Nguyễn Văn Ngọc đã dám làm chuyện động trời như vậy. Cũng sau sự cố này, Nguyễn Văn Ngọc phải lên đường trốn về quê hương Bình Định để tránh sự truy tìm, bắt bớ.
Mãi đến sau hiệp định Geneve năm 1954, quân Pháp rút hết về nước, người thợ hớt tóc và cũng là chàng võ sĩ trẻ năm xưa mới quay lại Sài Gòn. Lần này, anh vẫn sống với nghề hớt tóc, nhưng là hớt tóc bình dân ở miệt quận 4, một quận nghèo sát trung tâm thành phố. Song song với việc hớt tóc, người thợ Nguyễn Văn Ngọc còn mở võ đường dạy võ Bình Định ngay tại nhà rồi đào tạo ra nhiều võ sĩ thượng đài.
“Những năm sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Văn Ngọc đã là một võ sư. Ông thường đến thăm võ sư Hồ Văn Lành để chia sẻ vui buồn và hàn huyên tâm sự, trong đó có lần ông đã kể lại chuyện cắt cổ tên sĩ quan người Pháp. Võ sư Hồ Văn Lành nghe qua đã phẩm bình rằng: “Đúng là dân làng võ, hễ giữa đường thấy chuyện bất bình thì nhất quyết chẳng tha!”.
Cũng sau năm 1975 thì võ sư Nguyễn Văn Ngọc trở thành một cái tên nổi tiếng ở làng võ Bình Định. Ông tham gia viết nhiều cuốn sách để quảng bá những tinh hoa của võ Bình Định đến với giới mộ điệu” – võ sư Hồ Tường cho biết.
Một cuốn sách khác về võ Bình Định được viết bởi võ sư Nguyễn Văn Ngọc.
(Bài viết được ghi theo quá trình thu thập tư liệu và lời kể của võ sư Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM)
Theo Pháp Luật và Bạn Đọc