Dùng môn “võ bùa” kỳ dị, võ sư Việt nhận cái kết đầy bất ngờ ở Sài Gòn

Dù luôn mang “bùa chú” mỗi khi thi đấu nhưng hầu như võ sư Nguyễn Văn Lành và các môn đệ lại chẳng bao giờ giành được chiến thắng trên võ đài.

MÔN “VÕ BÙA” MANG MÀU SẮC HOANG ĐƯỜNG

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì ở khu vực xóm Lao Động, nằm sâu trong một con hẻm trên đường Dương Công Trừng, thuộc ấp Nhứt Trí, xã Thạnh Mỹ Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay gọi là đường Ngô Tất Tố, thuộc phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), những năm 1965 – 1975 có một võ sư dạy Võ Việt Nam tên là Nguyễn Văn Lành, mà người ta thường gọi là Tư Lành.

Dùng môn “võ bùa” kỳ dị, võ sư Việt nhận cái kết đầy bất ngờ ở Sài Gòn

Võ sư Nguyễn Văn Lành là hội viên của Tổng Cuộc Quyền Thuật VNCH, từng đưa một số võ sĩ thượng đài thi đấu tại võ đài sân Tinh Võ vào những năm trước và sau 1970.

Thời đó, võ sư Nguyễn Văn Lành được mọi người biết đến bởi ông dạy võ kèm theo chơi bùa. Ông và các học trò của mình khi thượng đài thường mang dây cà tha (tên một loại dây bùa) với lời đồn rằng dù có bị trúng đòn cũng sẽ không có cảm giác đau. Do vậy, võ sư Nguyễn Văn Lành cũng thu hút được một số học trò đến tập luyện.

Võ sư Nguyễn Văn Lành là người gốc Tây Nam Bộ. Người ta nói rằng, ở miền Tây Nam Bộ, xưa nay có rất nhiều giai thoại kinh dị về các pháp sư Lục Lèo. Những giai thoại này đều cho rằng, các pháp sư Lục Lèo có khả năng biến thân thể thành “mình đồng da sắt”, đao thương bất nhập.

Giai thoại còn cho rằng những pháp sư Lục Lèo có thể dùng huyền thuật đưa đinh sắt, côn trùng vào cơ thể đối thủ. Đặc biệt, họ có thể sử dụng kinh chú Phật để đưa linh hồn người chết vào trú ngụ trong vật vô tri như nanh heo, móng cọp và trang sức (như dây cà tha).

Dùng môn “võ bùa” kỳ dị, võ sư Việt nhận cái kết đầy bất ngờ ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Dây cà tha – một loại “bùa chú” được các môn đệ của võ sư Nguyễn Văn Lành sử dụng mỗi khi thi đấu.

“Với họ, trong số các linh vật, họ đặc biệt ưa thích cà tha có tên là K’se Chonkes – một loại dây có cột những miếng chì dát mỏng dùng để cột ngang bụng. Pháp sư người Việt gọi là dây “Chốc”.

Họ cho rằng, chỉ những pháp sư đạt được đẳng cấp đại sư hoặc cao hơn nữa là Thượng đẳng sư mới làm chủ được loại cà tha K’se Chonkes. Nếu không mang đẳng cấp thượng thừa thì “con chốc” sẽ xua đuổi linh hồn vị pháp sư để làm chủ thân xác hoặc nó sẽ đi khắp nơi quậy phá người khác.

Để luyện dây “Chốc”, vị pháp sư vẽ một đạo bùa lên những miếng chì dát mỏng rồi trì chú tụng niệm suốt nhiều ngày liền để triệu hồi nhiều linh hồn người chết nhốt vào. Để sợi dây cà tha “sống”, vị pháp sư phải cho nó “uống” máu thường xuyên. Thường là máu gà.

Chính nhờ những giai thoại này mang màu sắc kỳ bí và hoang đường này khiến việc sử dụng bùa chú của võ sư Nguyễn Văn Lành càng trở nên thần bí, và võ đường của ông thu hút thêm sự quan tâm giới mộ điệu thời đó” – võ sư Hồ Tường cho biết.

NHỮNG LẦN ĐẠI BẠI SAU KHI DÙNG “VÕ BÙA”

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì lời đồn về dây cà tha dữ dằn như vậy, thế nên tất cả võ sĩ vốn là học trò của võ sư Nguyễn Văn Lành, khi thượng đài đều được thầy đeo dây cà tha ngang eo với mục đích để vừa không biết đau khi bị trúng đòn lại có thể giành chiến thắng dễ dàng.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những giai thoại, bởi hầu như không có võ sĩ nào của võ đường Nguyễn Văn Lành giành được chiến thắng trên võ đài.

Thậm chí có võ sĩ của võ đường này thách đấu một đối thủ vốn là nhà vô địch với hy vọng sớm mang lại tên tuổi. Song rốt cục, võ sĩ là học trò của võ sư Nguyễn Văn Lành cũng đã bị hạ knock-out ngay từ đầu hiệp 1 trong một trận võ đài 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút.

Võ sư Hồ Tường kể lại: “Năm 1973 khi bắt đầu bước chân vào trường đại học, bản thân chúng tôi đã ở trọ trong một căn nhà ở khu xóm Lao Động để việc học được dễ dàng. Cuộc sống sinh viên quá chật vật, chúng tôi đã mở lớp dạy võ ngay tại nơi ở trọ, thu nhận khoảng một chục học viên trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhằm kiếm thêm tiền trang trải cho việc học hành, ăn ở lúc bấy giờ.

Lớp võ của chúng tôi mới hoạt động được khoảng 3 tháng thì xảy ra chuyện chẳng lành, vì một học trò nam của võ sư Nguyễn Văn Lành đã đến thách đấu với học trò của tôi. Lâu quá tôi không còn nhớ cụ thể bạn ấy tên gì, chỉ còn nhớ biệt danh của bạn ấy mà mọi người thường gọi là “Đắc Kỷ”.

Dĩ nhiên, chúng tôi không thể từ chối được, sau khi giải bày rằng học trò của tôi mới tập có 3 tháng, tôi đã chọn em Nguyễn Văn Hoàng, lúc đó khoảng 15, 16 tuổi thuộc loại học viên khá nhất của tôi ra đối địch với bạn học trò của võ sư Tư Lành.

Màn tỉ thí diễn ra đúng theo quy ước của một trận đấu đài: đấu 3 hiệp và mỗi hiệp 3 phút; chỉ đấm đá chứ không ôm, vật; đối thủ té tay chạm đất không đánh, đá bồi; không đánh vào vùng hạ bộ…

Dùng môn “võ bùa” kỳ dị, võ sư Việt nhận cái kết đầy bất ngờ ở Sài Gòn - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa).

Chúng tôi cũng khá ngạc nhiên về khả năng chịu đòn của Đắc Kỷ, bởi trong nhiều lúc áp đảo, em Hoàng của chúng tôi đã không ít lần giật mạnh hết gối phải đến gối trái vào vùng ngực, bụng của đối phương…đến nỗi đỏ rần nhưng Đắc Kỷ vẫn không bị hạ knock-out. Kết thúc trận đấu, chúng tôi bắt 2 đấu thủ ôm nhau để xí xóa những lúc bị trúng đòn…

Tuy nhiên, sau đó, các học trò của tôi cho tôi hay rằng Đắc Kỷ đã phải nằm bệt ở nhà cả nửa tháng và uống thuốc thang mỗi ngày để trị nội thương.

Sau khi cùng các học trò trải qua những thất bại, võ sư Nguyễn Văn Lành đã dọn nhà đi nơi khác và không còn dạy võ ở khu vực xóm Lao Động nữa.

Chuyện xảy ra cách nay cũng gần 50 năm rồi, nhưng nhân gần đây xuất hiện một số trận thách đấu võ thuật làm chúng tôi nhớ lại chuyện xưa…Đấu võ với nhau để học hỏi trong tinh thần cầu tiến lúc nào cũng cần thiết cả, nhưng đấu võ để loại bỏ hay hạ thấp người khác hay sử dụng võ bùa với hy vọng làm hại đối thủ thì không đó còn là thượng võ nữa!“.

Theo Pháp luật và Bạn đọc