Sau pha chuyển trảo mã tấn nhập nội, võ sư Hai Lẽn nhanh như cắt tung một cú chỏ lật phải đánh mạnh vào sống mũi tên đầu sỏ, làm hắn đổ máu, mặt sưng chù vù…
Theo võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì trong thập niên 1965-1975, ở Sài Gòn có một nữ võ sư rất nổi tiếng trong giới giang hồ của vùng đất cảng, tức quận 4. Đó là nữ võ sư Võ Thị Lẽn, mà người ta thường gọi là cô Hai Lẽn.
Võ sư Hồ Tường kể: “Cô Hai Lẽn nghe nói là người từ miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn khoảng năm 1965. Lúc đầu, cô Hai Lẽn đi bán trái cây dạo trên các con đường ở khu trung tâm Sài Gòn. Thế nhưng một ngày nọ, Cô Hai Lẽn đã đánh nhau với một viên cảnh sát ngay trên đường Hàm Nghi của quận 1 Sài Gòn do viên cảnh sát này đã bắt gánh hàng rong của cô.
Sự cố này khiến cô Hai Lẽn phải nghỉ bán hàng, ở nhà dạy võ cho mấy người từng chứng kiến cảnh cô Hai Lẽn đá tên cảnh sát té nhào trên đường Hàm Nghi tại khu vực Chợ Cũ. Từ đó, chòm xóm mới ngỡ ngàng vì không ngờ rằng một người phụ nữ tuổi ngoài 40 mà lại có trình độ võ thuật đáng nể như vậy”.
Tuy nhiên, không lâu sau, lại có mấy tên côn đồ đến kiếm chuyện với cô Hai Lẽn. Lúc đầu cô còn nói cho qua chuyện rằng cô nào có tài nghệ gì đâu, chỉ biết chút ít mà trao truyền lại cho mấy em buôn gánh, bán bưng thường bị ăn hiếp mà thôi.
Thấy cô hiền, tụi côn đồ ngày càng làm dữ. Hầu như ngày nào chúng cũng đến phá đám cô bằng cách hết chọc ghẹo đến hăm dọa các học trò của cô Hai Lẽn. Đến khi đó, cô Hai Lẽn mới nói chuyện thẳng thừng với tên đầu đảng nghe đâu cũng là một tên đầu trộm đuôi cướp sừng sỏ lúc đó tại khu vực cô cư ngụ.
Ảnh minh họa.
Cô Hai Lẽn giao ước rằng cô sẽ đánh tay đôi với tên đầu đảng, nếu thua cô không những phải nghỉ dạy võ và còn phải dọn đi nơi khác tức khắc. Ngược lại, nếu cô đánh bại tên đầu đảng thì chúng phải ngưng việc phá rối, để yên cho cô tiếp tục dạy võ. Tất nhiên bọn côn đồ đồng ý ngay, nhất là tên đầu sỏ. Bởi vì cô Hai Lẽn vừa là phụ nữ, tuổi đã ngoài 40, cao chừng 1.60 mét. Trong khi đó tên đầu sỏ chỉ mới 30, là đàn ông mạnh mẽ, cao khoảng 1.65 mét.
Thế rồi, trận đấu giữa cô Hai Lẽn và tên trùm sỏ đã diễn ra khá chóng vánh, bởi vì một bên đang khinh địch, còn một bên dù là phụ nữ, nhưng lại là bậc thầy võ.
Khi sáp trận, tên đầu sỏ chỉ có sức mạnh, chứ không có võ nghệ, cho nên hắn chỉ quơ quào khoe sức vóc của mình. Ngược lại, cô Hai Lẽn đã nhanh nhẹn áp sát bằng trảo mã tấn, tức loại thế thủ với chân trước nhón gót lên giống như móng chân ngựa chạm đất khi chạy, cho nên cô Hai Lẽn tấn thối, tránh qua phải, né qua trái vô cùng linh hoạt.
Rồi trong một pha nhập nội, cô hai Lẽn đã dùng cú chỏ lật phải đánh mạnh vào sống mũi tên đầu sỏ, làm cho máu chảy ra lai láng, mặt hắn sưng chù vù. Trận đấu phải dừng lại, tên đầu sỏ của bọn côn đồ vừa đưa một tay ôm mặt đầy máu, tay còn lại vừa ngăn không cho đàn em đang sấn tới định tấn công cô Hai Lẽn. Hắn nói: “Không được đánh! Về!”
Từ đó trở đi, việc dạy võ của cô Hai Lẽn trở nên thuận lợi. Chẳng những không bị tụi lưu manh phá đám, cô Hai Lẽn còn trở nên nổi tiếng hơn, khiến cho nhiều người tìm đến học cũng như gửi con em của họ đến nhận cô Hai Lẽn làm thầy.
“Cô Hai Lẽn quả là một người đam mê võ thuật, bởi hầu như kỳ võ đài nào ở Chợ Lớn hay Sài Gòn, chúng tôi cũng đều thấy cô Hai Lẽn đi xem. Cô Hai Lẽn đã thể hiện sự đam mê võ thuật của mình ngay trong lúc xem võ đài. Bất cứ trận đấu nào, nhất là trận đấu của các võ sĩ nổi tiếng, cô Hai Lẽn đều reo hò lớn tiếng ủng hộ.
Đặc biệt nhất là khi hai võ sĩ đấu nhau trên võ đài thì nhìn vào động tác của cô Hai Lẽn người ta có thể thấy ngay được nên tránh né hay phản đòn như thế nào. Bởi vì theo dõi cô thì người ta thấy khi một võ sĩ tung cú đá thì y như rằng cô Hai Lẽn, mặc dù đang ngồi ghế, nhưng cô cũng nghiêng mình để tránh cú đá.
Hay khi một võ sĩ vừa phản đòn làm cho đối thủ văng lùi ra sau một bước, thì người ta thấy cô Hai Lẽn sẽ đưa chân lên đá về phía trước, trúng ngay vào chiếc ghế của người ngồi trước mặt. Kết quả là cô Hai Lẽn đã phải nói lời xin lỗi. Theo thời gian, khách hâm mộ võ đài Sài Gòn đều biết đến cô, cho nên ít ai muốn ngồi gần cô để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Ham xem đấu võ đài như vậy, nhưng cô Hai Lẽn chủ trương chỉ dạy cho học trò tự vệ thôi, chứ không đào tạo võ sĩ thượng đài như nhiều võ sư khác” – võ sư Hồ Tường cho biết.
(Ảnh minh họa)
Cô Hai Lẽn thỉnh thoảng chỉ đưa học trò tham dự các đại hội thể dục thể thao cấp quận, cấp thành phố với các tiết mục diễn quyền, múa binh khí hay song luyện các tình huống tự vệ trong đời sống.
Tuy không đào tạo võ sĩ tham gia thi đấu võ đài, nhưng giới võ thuật ở Sài Gòn, nhất là giới giang hồ của “hòn ngọc Viễn Đông”, các tay anh chị tại quận 4, không ai là không biết cũng như có sự kiêng dè, kính nể đối với người phụ nữ giỏi võ đến từ miền Tây Nam Bộ.
“Khi cô Hai Lẽn dạy võ ở quận 4 thì ba tôi và tôi dạy võ ở quận 1, cách nhau 1 con rạch Bến Nghé và chiếc cầu Ông Lãnh bắc qua. Cho nên có biết nhau.
Cô Hai Lẽn sống tại hẻm Hiệp Thành. Đây là một hẻm sâu, gồm toàn dân tứ xứ nhập cư Sài Gòn. Nay hẻm này không còn do sau 1975 toàn quận 4 đã được giải tỏa, mở mang đường sá mới. Cho nên lâu lắm rồi không biết tin tức gì về cô. Nếu còn sống thì nay chắc cô cũng phải 90 tuổi” – võ sư Hồ Tường cho biết thêm.
(Bài viết được ghi theo lời kể của võ sư – tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM).
Theo Pháp luật và Bạn đọc