Tứ đại thần cung – danh tướng nhà Tây Sơn

Cung tên là một trong những loại vũ khí cổ xưa nhất trong lịch sử Việt Nam. Nếu như nỏ đã xuất hiện từ thời Hồng Bàng  trở đi (với câu chuyện nỏ thần An Dương Vương) thì tiền thân của nỏ là cung có lẽ đã song hành cùng người Việt cổ từ ít nhất khoảng 4000 năm trước đây.

Nguyễn Trãi nhận xét về các danh tướng Việt trong Bình Ngô đại cáo: “Hào kiệt đời nào cũng có”, vậy nên những danh tướng nổi tiếng với tài bắn cung hẳn cũng xuất hiện rất nhiều trong lịch sử Việt Nam. Trong quan niệm của người Việt (đặc biệt là từ thời nhà Lê), cung tên cũng là một trong “Thập bát ban binh khí” (18 loại vũ khí). Dẫu vậy, có lẽ triều đại Tây Sơn vẫn là thời điểm xuất hiện nhiều danh tướng xạ thủ nhất.

"Tiêu chuẩn" cho các võ tướng xưa thường là tinh thông võ nghệ, binh khí (trong đó có cung tên) và cưỡi ngựa.
“Tiêu chuẩn” cơ bản cho các võ tướng xưa thường là tinh thông võ nghệ, binh khí (trong đó có cung tên) và cưỡi ngựa.

Tứ đại danh tướng sau đây của nhà Tây Sơn không chỉ nổi tiếng với tài bắnn cung siêu đẳng mà tên tuổi họ còn được gắn liền với những cây cung được mệnh danh “thần thánh”. Những câu chuyện sau đây có thể mang chút phép cường điệu của sử học trung đại hoặc những câu chuyện truyền thuyết,  nhưng không thể phủ nhận rằng nhà Tây Sơn vẫn được xem như một trong những thời kỳ kỹ thuật chế tác và sử dụng binh khí Việt được phát triển rực rỡ nhất.

THIẾT QUAI CUNG – NGUYỄN QUANG HUY

Nguyễn Quang Huy gốc người Phú Yên, được sử sách miêu tả như một nhân vật nổi bật với khả năng tinh thông binh pháp và bản lĩnh võ nghệ cá nhân. Ông đặc biệt được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) quý trọng và tín cẩn giao cho chức Phòng ngự sứ tại trấn Bình Thuận

Nguyễn Quang Huy lui về Phú Yên sau khi Bình Thuận bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm. Năm Kỷ Mùi (1799), hay tin thành Quy Nhơn bị Phúc Ánh uy hiếp, Quang Huy kéo quân ra, trong một ngày mà hạ gục 25 viên tướng của Phúc Ánh. Giữa lúc đang tả xung hữu đột, chợt thấy Phúc Ánh đứng trên thành, Nguyễn Quang Huy vẫn bình tĩnh giương cung. Trúng tên ngã bất tỉnh, Phúc Ánh buộc phải rút hẳn về Gia Định.

Tương truyền, Nguyễn Quang Huy dùng cây Thiết Quai Cung trong suốt đời binh nghiệp của mình. Đó là một cây cung bằng thép (thiết quai) nên nặng gấp ba bốn lần cung thường, uy lực cũng đáng sợ gấp mấy lần như thế.

Cưỡi ngựa bắn cung - nét đẹp của văn hóa võ thuật - quân sự Á Đông.
Cưỡi ngựa bắn cung – nét đẹp của văn hóa võ thuật – quân sự Á Đông.

LA XUÂN KIỀU – VĨ MAO CUNG

La Xuân Kiều là một văn thần với vẻ ngoài thanh tao, nho nhã và giỏi thơ phú. Dù vậy, ông lại yêu thích cưỡi ngựa bắn cung và là một xạ thủ nổi tiếng suốt thời Tây Sơn.

Theo văn hóa Á Đông, binh khí phải xứng với cốt cách của chủ nhân, điều này đặc biệt đúng với trường hợp của La Xuân Kiều. Cây Vĩ Mao Cung của ông là một thanh trường cung thanh mảnh bằng gỗ quý, dây cung bện bằng lông đuôi ngựa (vĩ mao). Khi bắn tên, dây cung phát ra âm thanh du dương trong trẻo, nhưng với tài nghệ của Xuân Kiều thì âm thanh nho nhã ấy lại chính là tiếng tử thần gọi tên những kẻ bị ông ngắm bắn.

LÝ VĂN BƯU – KỲ NAM CUNG

Lý Văn Bưu là một trong những vị tướng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhà Tây Sơn. Ông có một cây cung quý, tương truyền được chế tác cùng gỗ Kỳ Nam (một loại gỗ tương tự như trầm hương) nên được gọi là Kỳ Nam cung. Khi treo trong phòng, mùi gỗ Kỳ Nam bay ra thơm ngát khắp nhà. Lúc chiến đấu, mùi Kỳ Nam cũng khiến ông phấn chấn tinh thần, lập nên nhiều kỳ tích giương cung bách phát bách trúng.

"Thần binh - Danh tướng", văn hóa Á Đông quan niệm vũ khí tốt phải xứng với tướng giỏi.
“Thần binh – Danh tướng”, văn hóa Á Đông quan niệm vũ khí tốt phải xứng với tướng giỏi.

Lúc còn đóng quân tại Ninh Thuận, Lý Văn Bưu từng dùng Kỳ Nam Cung bắn chết hổ dữ, trừ họa cho dân khắp vùng. Về sau, cây cung này cùng ông Nam chinh Bắc chiến với quân Xiêm và Mãn Thanh.

ĐẶNG XUÂN PHONG – LIÊN PHÁT CUNG

Đặng Xuân Phong tương truyền là người có tướng kỳ tài, khí thế hùng dũng hiên ngang nhưng dung mạo trung hậu chất phác, lại có tài cưỡi ngựa. Ông dùng một cây cung bằng thép, được đặc chế để thuận tiện bắn nhiều mũi tên liên tiếp.

Lúc mới dựng nhà Tây Sơn, tướng Bùi Thị Xuân đứng ở Kiên Mỹ, trông thấy Xuân Phong tay cầm côn đồng, lưng mang cung thép, cưỡi ngựa ô chạy trên triền núi gập ghềnh mà như đi trên bình địa. Lúc thấy đàn quạ bay qua, ông giương cung bắn 7 phát – 7 con quạ rơi xuống như lá rụng. Biết là người có tài, Bùi Thị Xuân bèn thăm hỏi gốc tích, mời về cùng nhà Tây Sơn lập đại sự.

VoThuat.vn