(VoThuat.info) Xuất phát năm 1959, khi một đoàn võ sư Taekwondo Hàn Quốc do ông Choi Hong Hi thực hiện một chuyến lưu diễn đến nhiều nước châu Á với mục đích quảng bá môn võ truyền thống của nước mình. Việt Nam là một trong những điểm đến của đoàn mà Sài Gòn là thành phố đón nhận sớm nhất. Vốn có tinh thần thượng võ, người dân Sài Gòn nhanh chóng đón nhận môn võ mới lạ này.
GIAI ĐOẠN KHỞI THỦY
Năm 1962, một nhóm võ sinh đầu tiên người Việt gồm 63 người theo học một khóa huấn luyện Taekwondo của võ sư 7 đẳng Nam Tae Hi cùng 3 võ sư 5 đẳng khác, đã đạt nền móng cho sự phát triển của môn Taekwondo từ đó cho đến nay. Sau khóa học kéo dài gần 1 năm, chỉ 9 võ sinh thể hiện được năng lực chuyên môn để được công nhận huyền đai đệ nhất 1 đẳng. Trong số những võ sinh người Việt Nam đầu tiên có có các ông Khúc Văn Bón và Nguyễn Long Vân, những người gắn bó với môn Taekwondo trọn cuộc đời. Hai ông chính là những người đã có công lớn trong việc gầy dựng và phát triển môn Taekwondo tại TPHCM sau ngày đất nước thống nhất.
Đất nước thống nhất sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nhưng tình hình an ninh chính trị ở miền Nam, đặc biệt là tại TPHCM, còn nhiều phức tạp nên hoạt động của mọi môn võ đều bị hạn chế trong những năm đầu tiên sau ngày giải phóng. Đến năm 1979, phong trào võ thuật tại TPHCM nói chung và Taekwondo nói riêng bắt đầu hồi sinh, một phần là để phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh phường xóm và cơ quan, một phần để tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, đặc biệt là giới sinh viên học sinh. Các ông Khúc Văn Bón, Nguyễn Long Vân, Nguyễn Quốc Tâm chính là những hạt nhân chủ yếu trong việc tạo sức sống mới cho phong trào Taekwondo.
Từ một CLB Taekwondo đầu tiên ở quận Bình Thạnh, hàng loạt CLB Taekwondo khác được thành lập khắp thành phố, kể cả những khu vực xa xôi ở các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn… bên cạnh các CLB trường học ở nội thành. Phong trào ngày càng phát triển mạnh, số CLB cũng như lượng võ sinh tập luyện ngày càng nhiều nên vào năm 1980, Sở TDTT TPHCM thành lập Ban chuyên môn Taekwondo để đưa hoạt động trong môn võ này đi vào nề nếp và phát triển đúng hướng. Các ông Khúc Văn Bón, Nguyễn Long Vân, Nguyễn Quốc Tâm, Lê Trung Liêm, Trần Công Lý… được tin tưởng đưa vào Ban chuyên môn. Đó chính là tiền đề thuận lợi cho việc thành lập Hội Taekwondo TPHCM (năm 1989) cũng như Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (năm 1996) sau này.
GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG
Không lâu sau khi được thành lập, cũng trong năm 1980, Ban chuyên môn Taekwondo đã phối hợp cùng Phòng TDTT quận Bình Thạnh tổ chức một giải đấu với sự tham dự của 96 VĐV thuộc các quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình và các võ sinh đến từ tỉnh Đồng Nai. Đó chính là giải đấu Taekwondo đầu tiên được tổ chức trên cả nước kể từ ngày đất nước thống nhất. Giải thành công tốt đẹp và tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều người. Và có thể nói, giải đấu này đã tạo ra phong trào tập luyện Taekwondo trong giới trẻ thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Nhiều tỉnh thành khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu… cũng bắt đầu xây dựng phong trào Taekwondo tại tỉnh nhà mà lực lượng HLV, hướng dẫn viên thường là những võ sư có đai đẳng từ trước ngày giải phóng.
Ngày 27/12/1989, giải Taekwondo Mở rộng Toàn quốc mang tính thể nghiệm được tổ chức tại Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng (TPHCM) với sự tham dự của 20 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố và ngành trên cả nước đáng được xem như một cột mốc quan trọng cho việc công nhận môn Taekwondo là môn thể thao chính thống tại Việt Nam. Kể từ năm 1989, giải Vô địch Taekwondo TPHCM được tổ chức hàng năm. Đến năm 1991, giải Vô địch Quốc gia Taekwondo đầu tiên được tổ chức. Hệ thống tổ chức giải của Taekwondo Việt Nam bắt đầu đi vào quy củ với sự phát triển đều đặn về cả lượng lẫn chất của các địa phương trong nước. Qua các giải đấu này, ngày càng xuất hiện những võ sĩ tài năng được tin tưởng là đủ khả năng chiến đấu ở các giải quốc tế.
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Từ đó Taekwondo Việt Nam bắt đầu giai đoạn hội nhập quốc tế với việc tham gia tổ chức Taekwondo quốc tế như Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF), Liên đoàn Taekwondo châu Á (ATU), Liên đoàn Taekwondo Đông Nam Á (SEATU). Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động giao lưu với những nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Phi.
Taekwondo Việt Nam chính thức có mặt trên đấu trường quốc tế từ năm 1991 nhân SEA Games 16 tổ chức tại Philippines. Ngay lần ra mắt đầu tiên này, Taekwondo Việt Nam đã tạo được ấn tượng sâu sắc khi đoạt 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. So với các nước đã phổ biến môn Taekwondo nhiều năm như Philippines, Thái Lan, Malaysia… thì thành tích này còn khiêm tốn nhưng những chiếc huy chương này đã thể hiện tiềm năng đầy hứa hẹn của Taekwondo Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Chiếc HCV duy nhất của Taekwondo Việt Nam tại kỳ SEA Games này chính là của Trần Quang Hạ, người 3 năm sau sẽ làm rạng danh Taekwondo trên đấu trường châu Á với chiếc HCV tại Asian Games Hiroshima 1994. Từ đó, Taekwondo Việt Nam luôn trở thành gương mặt đáng nể của các đối thủ tại các kỳ SEA Games với số lượng huy chương, kể cả huy chương vàng, luôn tăng lên theo từng kỳ.
Chiếc HCV do Trần Quang Hạ đoạt được tại kỳ Asian Games 21 tại Hiroshima năm 1994 rồi sau đó 4 năm là thành tích tương tự của Hồ Nhất Thống tại Asian Games 15 Bangkok năm 1998 càng thêm khẳng định sự lớn mạnh của Taekwondo Việt Nam trên các đấu trường châu lục. Tuy nhiên, đến khi Trần Hiếu Ngân đoạt chiếc huy chương bạc Olympic Sydney 2000 thì Taekwondo Việt Nam mới thật sự ngẩng cao đầu trên đấu trường thế giới. Chiếc HCV của Hoàng Hà Giang đoạt được tại giải VĐTG trẻ năm 2006, tổ chức tại TPHCM càng khiến làng Taekwondo thế giới thêm trân trọng sức vươn lên của Taekwondo Việt Nam.
Điều khiến các quan chức Taekwondo châu lục và thế giới xem trọng Taekwondo Việt Nam không chỉ là thành tích của VĐV mà còn là năng lực tổ chức các giải đấu. Chỉ trong 16 năm hình thành và phát triển, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều giải đấu chính thức thuộc các cấp độ Đông Nam Á, châu Á cũng như thế giới. Không chỉ nhiều lần nhận đăng cai các giải Vô địch Đông Nam Á mà Taekwondo Việt Nam còn nhận đăng cai giải Vô địch châu Á năm 1998, World Cup năm 2001, giải Vô địch trẻ thế giới năm 2006. Có giải, BTC phải đón tiếp hàng nghìn khác gồm VĐV, HLV, trọng tài, quan chức… nhưng tất cả các đoàn sau khi tham dự đều đánh giá cao năng lực tổ chức cùng lòng hiếu khách của nước chủ nhà Việt Nam.
KỲ VỌNG VÀO TƯƠNG LAI
Sau các thành công của Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Trần Hiếu Ngân, Hoàng Hà Giang… Taekwondo Việt Nam chững lại về thành tích dù thời gian này xuất hiện những võ sĩ có tài năng không kém như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Duy Khương, Lê Huỳnh Châu… Tuy nhiên dù lứa võ sĩ này vẫn giữ vững thành tích cho Taekwondo Việt Nam ở đấu trường SEA Games nhưng tất cả đều không thể lặp lại thành tích của đàn anh, đàn chị ở các đấu trường Asian Games và Olympic. Các võ sĩ Viêt Nam tiếp tục đoạt huy chương ở các kỳ Asian Games 2002, 2006, 2010 nhưng thành tích cao nhất cũng chỉ là huy chương bạc. Tương tự, các võ sĩ Việt Nam tiếp tục đoạt vé dự các kỳ Olympic Athens 2004, Bắc Kinh 2008, London 2012 nhưng cho đến nay vẫn không ai có thể khoác lá cờ Việt Nam bước lên bục huy chương như Hiếu Ngân tại Sydney hồi năm 2000.
Khi thành tích đi xuống ở nội dung thi đấu đối kháng thì các võ sĩ quyền đã lấy lại uy danh cho của Taekwondo Việt Nam ở các nội dung đấu quyền. Viêt Nam luôn đạt thành tích cao nội dung đấu quyền ở các kỳ giải VĐTG, sau khi Liên đoàn Taekwondo Thế giới hình thành riêng biệt giải VĐTG thi đấu đối kháng và giải VĐTG đấu quyền. Không kể đến những chiếc huy chương vàng tại các kỳ SEA Games và giải Vô địch châu Á, đội Việt Nam đã 3 lần liên tiếp hạng nhì toàn đoàn tại các giải VĐTG quyền vào các năm 2009, 2010 và 2011 với những chiếc huy chương vàng của Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Minh Tú. Lê Trung Anh, Nguyễn Thị Thu Ngân, Nguyễn Thi Lệ Kim, Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thùy Xuân Linh, Lê Thanh Trung, Nguyễn Thiên Phụng, Lê Hiếu Nghĩa, Nguyễn Quốc Minh, Liên Thị Tuyết Mai.
Làm sao để Taekwondo Việt Nam tiếp nối được thành tích của Quang Hạ, Nhất Thống, Hiếu Ngân, Hà Giang ở nội dung thi đấu đối kháng vẫn luôn là nỗi niềm của những người có trách nhiệm với phong trào Taekwondo nước nhà. Phong trào vẫn phát triển đều khắp, số lượng người tập luyện vẫn không giảm sút, hệ thống các giải trong nước vẫn được tổ chức đều đặn, thậm chí quan tâm đến việc tổ chức giải ở các địa phương xa xôi để gầy dựng phong trào tập luyện và phát hiện nhân tố mới, các tuyển thủ vẫn được tạo cơ hội đi tập huấn nước ngoài đều đặn, thu nhập . Thế thì tại sao, Taekwondo Việt Nam vẫn không thể vượt ngưỡng như đã từng làm được trong những năm cuối thế kỷ trước. Còn điều gì bất cập dẫn đến tình trạng này? Đó là câu hỏi mà BCH Liên đoàn Taekwondo Việt Nam nhiệm kỳ IV tới đây sẽ phải tìm ra lời đáp để mang Taekwondo Việt Nam trở lại đỉnh cao trước đây, đáp ứng đúng kỳ vọng của mọi người.
Thành Trí