Có thể nói tên tuổi của Khúc Văn Bón luôn gắn liền với quá trình phát triển môn taekwondo – hoặc nói riêng là Sài Gòn – TPHCM – kể từ lúc môn võ này có mặt tại Việt Nam. Là 1 trong 9 huyền đai nhất đẳng sau khóa học taekwondo đầu tiên Việt Nam do 4 võ sư Hàn Quốc huấn luyện, ông luôn gắn bó với taekwondo cho đến những ngày cuối đời.
Con bạn sẽ học được kỹ năng gì từ Taekwondo?
Những cú đá của Taekwondo chuẩn xác đến từng milimet
Đầu thập niên 1980, khi có những điều kiện cho phép, ông cùng những bạn đồng môn cũ bắt tay gầy dựng lại phong trào taekwondo thành phố, gồm những người chí cốt như: Mai Việt Hưng, Nguyễn Long Vân, Nguyễn Quốc Tâm, Lê Trung Liêm … tổ chức những khóa ôn tập chuyên môn cho các môn sinh huyền đai nhị đẳng, tam đẳng … từ tháng này đến tháng khác, quy tụ dần dần lớp người cũ tại Trung tâm thể thao Gia Định số 8 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.
Thành quả của taekwondo TPHCM (và kể cả nhiều tỉnh, thành khác) sau này không thể nào tách rời công lao gian khổ của ông – cùng với các đồng sự – trong những ngày đầu xây dựng phong trào, khi hoàn cảnh xã hội lúc ấy còn nhiều khó khăn. Ông đã được các đồng môn tín nhiệm bầu vào chức Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật TPHCM, kiêm Chủ tịch Hội Taekwondo TPHCM trong suốt 3 nhiệm kỳ, kể từ năm 1989. Ở vai trò này ông đã thu phục nhân tâm, tạo mối đoàn kết trong các môn đệ để phục vụ cho sự nghiệp chung. Với tâm nguyện cống hiến trọn đời cho võ thuật, với bản tính nhân hậu, điềm đạm, ông đã vượt qua những nỗi khó khăn trong đời thường để đến với mọi người bằng tinh thn lạc quan, tin tưởng vào tương lai; ông luôn động viên các thành viên trong hội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển phong trào ngày càng lớn mạnh.
Thực vậy, trong những năm đầu thập niên 90, mỗi khi tiếp xúc với chúng tôi – những nhà báo luôn theo sát phong trào – ông thường đưa ra nhiều kế hoạch, chương trình sắp tới, chú trọng đến việc tiếp cận, giao lưu với nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc; gởi huấn luyện viên, trọng tài đi thực tập ở các nước … ; nhờ vậy trong giai đoạn này phong trào taekwondo, rồi đến judo … sôi nổi hẳn lên với những trận đấu quốc tế tại CLB Phan Đình Phùng, thu hút đông đảo khán giả đến cổ vũ; lúc đầu là “thử lửa” với các đấu thủ Malaysia, sau tăng dần lên nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á (Đài Loan, Hàn Quốc…) và các nước châu Âu như: Đan Mạch, Na Uy … Quá trình tiếp cận này đã giúp võ sĩ của chúng ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành và tự tin hẳn lên; hòa nhập được với phong trào khu vực và mạnh dạn bước vào đấu trường SEA Games; khởi đầu từ SEA Games 16 đã giành ngay chiến công đầu: Trần Quang Hạ đoạt HCV cho môn taekowdo, còn Cao Ngọc Phương Trinh giành HCV cho judo … tạo tiền đề cho những chiến công tiếp theo sau này.
Về đối nội, ông cùng Liên đoàn phát động phong trào trong giới học sinh; tổ chức các giải trẻ, vô địch thành phố, vô địch toàn quốc; giải năng khiếu, giải nữ và giải mở rộng giao hữu với các tỉnh, thành bạn. Tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra đai đẳng cho nhiều tỉnh, thành, từ Thừa Thiên – Huế đến đất mũi Cà Mau, rồi Hà Nội và Hải Phòng.
Là người có cái tâm và tầm nhìn, ông còn ôm ấp nhiều hoài bảo cho sự nghiệp phát triển võ thuật TPHCM. Tiếc thay ông lại “ra đi” quá đột ngột vào lúc 16 giờ 40 ngày 3-3-1995, hưởng thọ 63 tuổi, để lại bao thương tiếc cho gia đình, bạn hữu; các đồng môn và hậu duệ. Tuy vậy, ông có thể thanh thản ra đi vì ngọn lửa mà ông thắp lên đang dần dần tỏa sáng để cho thế hệ mai sau tiếp bước…
Vũ Trường.