(VoThuat.vn) – EOR là 3 từ viết tắt của câu tiếng Pháp “Équipe Olympique des Réfugiés.” Dịch sang tiếng Anh đó là Refugee Olympic Team. Cuối cùng, dịch sang tiếng Việt của chúng ta có nghĩa là “Đoàn thể thao Olympic người tị nạn”.
Ở mỗi kỳ Olympic, các quốc gia đều cử đại diện tốt nhất để tranh tài. Đấu trường Olympic luôn là sân chơi đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nhưng vẫn có điều đặc biệt tồn tại trong bất kỳ sự kiện thể thao nào.
Đó là lý do “Đoàn Thể thao người tị nạn” ra đời. Không chung quốc gia, chủng tộc nhưng các thành viên của đội tị nạn sẽ chiến đấu chung một ngọn cờ tại Thế vận hội Olympic. Đoàn thể thao giàu cảm xúc nhất. Với đoàn thể thao người tị nạn, được có mặt tại Olympic đã là một chiến tích vĩ đại của 29 VĐV đến từ nhiều quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan…
5 năm trước, Olympic 2016 đã đánh dấu sự ra đời của đoàn thể thao người tị nạn với tổng cộng 10 thành viên. Dù ít ỏi và không đạt được thành tích đáng kể gì nhưng sức hút của đoàn này chẳng kém gì so với các ngôi sao hàng đầu thế giới.
Nguồn gốc
Hồi tháng 6, Ban điều hành Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo rằng họ sẽ gia tăng số lượng VĐV của “Đoàn Thể thao Người Tị nạn” (EOR) cho kỳ Olympic Tokyo 2020.
IOC cung cấp học bổng cho các VĐV tị nạn có triển vọng từ khắp nơi trên thế giới, với những người giỏi nhất có thể tranh tài ở Olympic. Đoàn Thể thao này có tên gọi chính thức theo nguyên bản tiếng Pháp là Equipe Olympique des Réfugiés (EOR).
Để giúp đỡ cho việc tập luyện và chuẩn bị trước sự kiện lớn nhất trong năm, một số quốc gia, Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Croatia, Ai Cập, Pháp, Đức, Israel, Jordan, Kenya, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Hà Lan, New Zealand, Trinidad và Tobago, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh, đứng ra bảo trợ cho các VĐV.
Đội tị nạn là một phát kiến mới so với lịch sử tồn tại lâu đời của Olympic. Theo báo cáo từ Rescue vào năm 2015, 65 triệu người đã phải rời bỏ quê hương do xung đột và thiên tai, trong đó hơn một triệu người di cư vào châu Âu do chiến tranh ở Trung Đông, châu Phi và Trung Á.
Để hỗ trợ những người mất nhà cửa, IOC đã thành lập “Quỹ Khẩn cấp cho Người tị nạn” trị giá 1,9 triệu USD vào cuối năm này. Mục đích để giúp những người tị nạn hòa nhập vào nền thể thao thế giới. Kết quả IOC sau đó thông báo rằng họ sẽ mời các VĐV tị nạn thi đấu cho một Đoàn thể thao thống nhất tại Olympic Rio 2016 ở Brazil.
Tại kỳ Thế vận hội đầu tiên, đội tị nạn có 10 VĐV đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nam Sudan và Syria. Sau thành công của kỳ Olympic 2016, cũng như những thông điệp ý nghĩa về niềm hy vọng và sự hòa nhập mà nó mang lại cho hàng triệu người trên khắp thế giới, IOC quyết định tiếp tục cử đội tuyển tham dự Olympic 2020 tại Tokyo.
Đến nay, đội tị nạn đã phát triển mạnh mẽ. Có tới 29 thành viên, thi đấu ở 12 môn thể thao khác nhau. Trước đó năm 2016, phần lớn VĐV đến từ chương trình “Học bổng Tị nạn” của IOC, mặc dù có 4 người đến từ “Dự án Người tị nạn” của Liên đoàn Judo Quốc tế.
Trong lễ khai mạc, đội tị nạn diễu hành dưới lá cờ Olympic ngay sau Đoàn Thể thao Hy Lạp, nơi khai sinh của Thế vận hội, vốn là Đoàn thể thao có truyền thống diễu hành ở vị trí đầu tiên.
Sức hút không kém những VĐV nổi tiếng
Khoảnh khắc các nữ kình ngư Yursa Mardini hay Rami Anis bước xuống hồ bơi hoặc phòng họp báo, hàng trăm ống kính đã chĩa về họ. Sau 5 năm, Mardini vẫn tiếp tục có mặt ở Olympic Toyo bằng suất vé mời dành cho đoàn thể thao tị nạn. 10 năm trước, Mardini là tay bơi trẻ hàng đầu của Syria. Nhưng rồi cuộc nội chiến khốc liệt đã khiến nhiều gia đình như Mardini mất tất cả.
Năm 2015, Mardini cùng em gái trốn khỏi Syria để sang Lebanon rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp. Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển rồi đi bộ, hai chị em Mardini cuối cùng cũng đến được Đức. Sau đó, cô được tập luyện tại một CLB ở Berlin.
Và sáng kiến thành lập đoàn thể thao người tị nạn của IOC đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những người như Mardini. Các VĐV tị nạn xuất sắc trên khắp thế giới được IOC tập hợp và trao cho họ cơ hội trong mơ: tham dự Olympic.
Trong số đó có Lokonyen – một cô gái người Nam Sudan đã bắt đầu chạy điền kinh từ khi còn sống trong trại tị nạn ở Kenya, Keletela – nam VĐV chạy tốc độ từng chạy trốn khỏi Congo sau khi cha mẹ chết trong chiến tranh…
Các VĐV tị nạn có thể không giành được huy chương, nhưng sự hiện diện của họ tại Olympic đã là những câu chuyện truyền cảm hứng.