Ở nước ta, từ trước đến nay vẫn coi đặc công là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc công có khả năng xuất quỷ nhập thần, tàng hình độn thổ.
Võ sĩ nhí Võ cổ truyền dàn dựng hoạt cảnh, múa võ “cực chất”
Lân rồng “múa lượn” đầy ấn tượng tại lễ kỷ niệm Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM
Một tờ tạp chí lực lượng đặc nhiệm của Nga đã từng có bài nghiên cứu và nhận xét, khả năng bí mật đột nhập, luồn sâu đánh hiểm, sức chịu đựng ngoài sức tưởng tượng, đặc công Việt Nam khiến cho các lực lượng quân sự thiện chiến nhất phải kinh hoàng. Và ở nước ta, từ trước đến nay vẫn coi đặc công là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc công có khả năng xuất quỷ nhập thần, tàng hình độn thổ. Và riêng với Thượng tá, võ sư Phan Đình Long, trưởng bộ môn võ thuật Trường sỹ quan Đặc công thì võ thuật chính là một phần quan trọng tạo nên huyền thoại của lực lượng này.
Người có duyên với nghiệp võ
Sinh ra và lớn lên ở miền biển xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình cách mạng. Trong khi bố và hai người anh trai vẫn đang ở chiến trường thì người thanh niên Phan Đình Long tha thiết viết đơn xin được vào quân ngũ. Mùa xuân năm 1979, xung đột biên giới phía Bắc diễn ra, ông được thỏa nguyện ước mơ làm người lính cụ Hồ.
Vốn thừa hưởng truyền thống võ vật. Ông nội, ông ngoại đều là những đô vật nổi tiếng ở làng thời bấy giờ. Ngay từ khi còn nhỏ Phan Đình Long đã được nghe ông kể lại những câu chuyện về võ cổ truyền và truyền dạy những miếng vật dân tộc. Mỗi chiều chăn trâu trên đê, Phan Đình Long cùng những đứa trẻ trong làng thường rủ nhau ra bãi cỏ để đấu vật.
Vào thời kỳ cao trào của chiến tranh chống Mỹ, nhiều đơn vị bộ đội về quê đóng quân bảo vệ bờ biển và huấn luyện quân chi viện chiến trường miền Nam. Phan Đình Long thường đến các đơn vị bộ đội và được bộ đội dạy võ và đấu vật chơi. Cũng chính từ những lần như thế khiến ông bắt đầu thấy đam mê, yêu thích võ thuật.
Sau khi lên đường nhập ngũ, ông biên chế vào sư đoàn 318 huấn luyện chuẩn bị lên biên giới. Tuy nhiên sau đó, đơn vị ông được lệnh tạm hoãn. Phan Đình Long được cử đi học lớp quân báo của Quân khu 4.
Năm 1981, một lần có chiếc xe chở lính đi công tác tình cờ gặp một đám du côn đánh người cướp của. Phan Đình Long chứng kiến một thiếu úy quân đội, một mình đánh đám du côn chạy tan tác. Tìm hiểu ra ông mới biết đó là anh thiếu úy, sĩ quan đặc công. Trong suy nghĩ lúc đó, Phan Đình Long có một quyết tâm thôi thúc là phải học võ, phải rèn luyện để có võ công cao cường như thế. Ông bắt đầu tìm hiểu về đặc công, về những chiến tích lẫy lừng, những huyền thoại của lực lượng này.
Trong thời gian ở tiểu đoàn trinh sát của Quân khu 4, đơn vị thành lập với nhiệm vụ đặc biệt là đi bắt những đối tượng vượt biên ở cửa Thuận An, Huế và trấn áp tội phạm buôn lậu, côn đồ, du côn ở Mường Xén, Nghệ An. Từ những nhiệm vụ đặc biệt, Phan Đình Long càng nung nấu, đam mê võ thuật và quyết tâm thi vào Trường sĩ quan Đặc công.
Năm 1983, Phan Đình Long thi đỗ vào trường. Với năng khiếu võ thuật Phan Đình Long tiếp thu rất nhanh, vận dụng rất sáng tạo những bài học của thầy giáo. Bên cạnh việc học tập quân sự, Phan Đình Long thường ra ngoài “tầm sư học đạo”. Bấy giờ ở gần đó nghe nói có một võ sư nổi tiếng ẩn cư nên ông tìm đến xin học. Lần đầu tiên nhìn thấy Phan Đình Long, vị võ sư này có nói: “Cậu đứng ra tôi thử đá một cái xem sao”. Vị võ sư tung cú Bàng Long Cước, Phan Đình Long ngay lập tức tránh né rồi đáp lại bằng cú đánh vào hạ bộ. Lúc này, vị võ sư mới bảo: “Chú cực kỳ nhanh, bao nhiêu người bị đá đều không tránh được. Nếu muốn học thì hằng ngày lên rẫy tôi sẽ truyền thụ võ công cho”. Từ quá trình học tập, nghiên cứu ở vị võ sư này, Phan Đình Long có một bộ chân cực kỳ tốt. Những cú đá nhanh và ít người có thể tránh được.
Trong thời gian từ năm 1983 đến 1986, ông tìm đến người thầy thứ 2 là võ sư Trọng Đại, người dạy võ cổ truyền ở Dục Mỹ (Ninh Hòa-Khánh Hòa). Võ sư Trọng Đại là người nổi tiếng, có nhiều đệ tử rất giỏi. Đặc biệt võ sư Trọng Đại gắn liền với đòn đá giò lái rất hiểm. Khi thượng đài đấu tự do những đòn này tiêu diệt đối phương rất nhanh. Thời gian của học viên rất khắt khe nên ông xin đơn vị làm tăng gia vào tất cả các buổi chiều. Đổi lại, ông xin nghỉ buổi sáng chủ nhật để đi học võ của võ sư Trọng Đại.
Đặc công tổng hợp tinh hoa võ học
Năm 1986, trường sỹ quan Đặc công chuyển từ Khánh Hòa ra cơ sở mới ở Chương Mỹ-Hà Nội. Cũng năm này, Phan Đình Long tốt nghiệp và được giữ lại làm giáo viên giảng dạy tại trường. Ông tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều môn phái đồng thời rèn luyện thuần thục kỹ năng phi dao, phi tiêu. Nghiên cứu sâu thêm về những thế đánh của võ sư Trọng Đại truyền dạy.
Nói đến võ thuật đặc công cho đến nay nhiều người vẫn không hiểu đặc công là võ gì. Và vì sao đặc công lại được nói đến với khả năng xuất quỷ nhập thần, tàng hình độn thổ?. Theo thượng tá Phan Đình Long thì trước hết đặc công là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Võ thuật đặc công là sự tổng hợp kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa võ học trong đó có võ cổ truyền Việt Nam và trên thế giới. Người xưa thường nói, khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi, cái tài và giỏi của chiến sĩ đặc công chính là nhờ vào sự khổ luyện.
Thượng tá Phan Đình Long cho rằng, lực lượng Đặc công, trên một khía cạnh nào đó được hình thành và phát triển từ học thuyết quân sự Việt Nam. Do phải đấu tranh chống lại kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần, những lý luận ban đầu của tư duy quân sự được hình thành từ chiến tranh du kích, sự phát triển biện chứng của các quân binh chủng dựa trên cơ sở lực lượng chính quy và chiến tranh du kích đã hình thành các đơn vị tác chiến đặc biệt. Lực lượng này phải đặc biệt tinh nhuệ, võ nghệ cao cường, thích nghi trong mọi điều kiện chiến đấu. Do đó, việc chọn lọc, kế thừa, phát huy tinh hoa võ học cổ truyền để vận dụng vào võ thuật huấn luyện cho đặc công là rất cần thiết.
Võ cổ truyền luôn đồng hành với chặng đường đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Võ cổ truyền còn được coi là võ trận. Điểm mạnh của võ cổ truyền là dùng nhu chế cương, dùng đoạn chế trường. Đặc điểm trên võ cổ truyền rất phù hợp với nghệ thuật tác chiến của bộ đội đặc công là “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”. Một chiến sĩ đặc công có thể chiến đấu với nhiều kẻ địch một lúc, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn đó là yếu tố quyết định của võ thuật đặc công.
Sau năm 1986, với yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường nội dung võ thuật cần được nâng cao hơn để đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện và đặc biệt là nội dung trình diễn cho các đoàn trong nước và quốc tế tham quan. Các giáo viên của trường sỹ quan đặc công được cử đi học hỏi, nghiên cứu một số môn phái võ thuật như võ cổ truyền Việt Nam, karatedo, taekwondo, Thiếu Lâm Tự. Khi đó, thượng tá Phan Đình Long đăng ký nghiên cứu học hỏi võ cổ truyền tại võ đường của võ sư Trần Hưng Quang, võ Bình Định Gia. Trong quá trình học hỏi, thầy Phan Đình Long đã nghiên cứu một số bài, thế đánh làm cơ sở bổ sung cho vào tài liệu võ chiến đấu cho lực lượng đặc công. Tài liệu này đã được dạy cho giáo viên các trường trong lực lượng quân đội, giảng dạy cho lực lượng công an, cảnh sát cơ động được đánh giá rất cao.
Ký niệm về nhiệm vụ bảo vệ đá đỏ
Với khả năng, trình độ võ thuật tuyệt vời của mình, năm 1991, thượng tá, võ sư Phan Đình Long được thiếu tướng Tư Cường, Tư lệnh đặc công trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng vào bảo vệ khu vực đá đỏ Đồi Triệu ở Quỳ Trâu, Nghệ An. Đây là nhiệm vụ liên doanh bảo vệ đá đỏ xí nghiệp khai thác 2 của Nghệ An.
Thời điểm đó, khu vực khai thác đá đỏ hết sức phức tạp, các đối tượng thổ phỉ, côn đồ thường xuyên quấy nhiễu, cướp của, giết người diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là sau khi việc bàn giao địa bàn giữa lực lượng Biên phòng và xí nghiệp 2, hàng ngàn người, trong đó có nhiều đối tượng du côn ào vào bên trong. Trong đêm, thầy Phan Đình Long cùng trung đội đã bắt được 200 người. Cùng đêm đó, thượng tá Phan Đình Long cũng quật ngã 7 người. 7 người này sau khi bỏ chạy đã tự động tìm đến võ sư Phan Đình Long chỉ vì nghe tin rằng, bị võ sư Long đánh thì ít nhất có 3 người sẽ phải bỏ mạng.
Sau khi tiếp nhận địa bàn, năm đó bỗng nổi lên một băng cướp. Hàng chục đối tượng du côn chuyên hoạt động cướp bóc, trấn lột. Kẻ cầm đầu băng cướp tên là Phong mà chỉ nghe đến nhiều người khiếp sợ vì thói côn đồ. Chỉ một va chạm nhẹ có thể bị băng cướp này chặt đầu ngay tức khắc. Chúng thường xuyên gây hấn, tác oai tác quái gần khu vực khai thác đá đỏ. Phong là một tên cướp máu lạnh, táo tợn và không ngại va chạm. Tuy nhiên khi nghe đến cái tên Phan Đình Long thì tướng cướp này cũng đủ “kinh hồn bạt vía”.
Năm đó, sau khi Phong gây ra một số vụ cướp, thượng tá Long yêu cầu tìm bắt Phong về xử lý. Đặc điểm duy nhất để tìm bắt Phong là hắn để tóc dài nên thượng tá Long khi đó ra lệnh: “Bắt hết những thằng để tóc dài về đây”. Tuy nhiên, trong hàng chục người bị bắt về không ai trong số đó là Phong cả. Khi nghe được thông tin bị lực lượng bảo vệ có lệnh bắt mình, bỗng nhiên chỉ một đêm toàn bộ băng cướp này vội vã cạo trọc đầu. Từ đó, người dân nơi đây đặt cho bọn chúng cái tên là băng cướp Phong trọc.
Tưởng rằng cạo trọc đầu không ai tìm ra, ngay ngày hôm sau Thượng tá Long lại ra lệnh: “Những thằng nào trọc đầu bắt hết về đây”. Nghe tin này, toàn bộ băng cướp Phong trọc từ thầy đến tớ kéo nhau trốn biệt trong rừng. Thời gian sau, một đối tượng trong băng cướp Phong trọc bị bắt. Điều đáng nói, đối tượng này một mực khai nhận tên là Phong, kẻ cầm đầu băng cướp Phong trọc. Sau nhiều ngày khác thác, đối tượng thừa nhận mình không phải là Phong. Vì sợ bị bắt nên Phong trọc đã chỉ đạo đàn em của mình, nếu ai bị bắt thì phải nhận mình là Phong.
Có một buổi sáng, võ sư Long vào một quán ăn phở. Khi ông vừa bước chân vào quán thì có một thanh niên vứt bát đũa bỏ chạy bạt mạng. Thấy sự lạ, ông hỏi người chủ quán: “Tại sao người kia thấy tôi lại bỏ bát đũa chạy vậy?”. Ông chủ quán mới bảo: “Đó là tướng cướp Phong trọc vì nhìn thấy anh nên nó mới vội vã bỏ chạy đấy”. Ở khu vực đá đỏ, chỉ nghe đến Long võ sư là tuyệt nhiên không một tay du côn, giang hồ nào dám ho he. Nhiều đối tượng hống hách đến thách đấu võ nhưng khi vừa nhìn thấy võ sư Long đã quay đầu bỏ chạy.
Trong thời kỳ bảo vệ đá đỏ ở Quỳ Trâu, có rất nhiều câu chuyện thể hiện phong cách ứng xử của người học võ. Những vụ va chạm kinh hoàng giữa nhiều lực lượng, trong đó có cả lượng lượng thực thi pháp luật. Thượng tá Phan Đình Long kể lại một câu chuyện, đó là vụ va chạm giữa lực lượng công an và biên phòng hơn hai mươi năm trở về trước. Vì có sự mâu thuẫn nên hai bên đã xảy ra xung đột nên mang súng, dao đánh nhau. Giữa lúc căng thẳng đó, võ sư Long một mình đi giữa hai hàng súng nổ, dao chém, vỏ chai đập xoang xoảng để yêu cầu giải tán. “Tôi gặp một vị chỉ huy biên phòng nói chúng ta đều là những người thực thi pháp luật, đi bảo vệ tài sản cho nhà nước, các anh lại kéo quân ra đánh nhau liệu có coi được không?. Người dân nhìn vào sẽ đánh giá như thế nào” thượng tá Long kể. Ngay sau đó, vị chỉ huy nọ đã ra lệnh rút quân. Vụ va chạm đã khiến rất nhiều người bị thương. Cũng nhờ sự có mặt của võ sư Long và trung đội bảo vệ nên tình hình an ninh khu vực đá đỏ những năm 1990 trở nên ổn định.
Sau khi từ đá đỏ trở về, thượng tá Phan Đình Long ở lại Binh chủng đặc công làm trợ lý quân huấn. Thời điểm đó, đơn vị có một công ty làm kinh tế khai thác vàng ở khu vực Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Trong một lần nhận được tin có một lực lượng sẽ tập kết trong đêm cướp vàng của công ty. Bộ tư lệnh cử thượng tá Long cùng 12 người khác đi để bảo vệ. Vận dụng các phương pháp về kỹ chiến thuật của quân đội, trước khi trời tối, thượng tá Long yêu cầu toàn bộ cán bộ nhân viên công ty tắt đèn đi ngủ, tuyệt đối không ai được nói chuyện, hút thuốc mà có ánh sáng. Lực lượng bảo vệ được chia thành 3 tổ nằm chặn ở các mục tiêu được xác định.
Đêm hôm đó, cả một thung lũng tĩnh lặng không một tiếng động nhỏ. 11 giờ đêm, trên núi xuất hiện hàng trăm người thắp đuối đứng hơn một tiếng đồng hồ rồi bỗng dưng rút lui. Những ngày sau, nghe đến tiếng của võ sư Phan Đình Long những đối tượng giang hồ đều khiếp sợ không dám bén mảng.
Trở về trường Sỹ quan đặc công, khi đảm nhiệm vai trò trưởng bộ môn võ thuật, thượng tá, võ sư Phan Đình Long không ngừng nghiên cứu các thế võ để áp dụng vào thực tế huấn luyện chiến đấu của đặc công. Đặc biệt là nghiên cứu bổ sung các bài nâng cao cho đội 18 của nhà trường làm nhiệm vụ biểu diễn mẫu, tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm. Nhiều công trình nghiên cứu của ông được Bộ quốc phòng đánh giá cao và áp dụng rộng rãi trong huấn luyện chiến đấu của toàn lực lượng.
Theo Báo Xã hội