Giáo sư Đặng Thông Trị sinh năm 1928, tại Huế, Việt Nam. Thuở còn ở trung học, ông đã được hướng dẫn học các môn võ thuật, đặc biệt là Hàn Bái đường, với Đại sư Vũ Bá Oai là người đã chấn hưng môn phái này vào những năm 1939 – 1940.
Gs. Đặng Thông Trị cũng được người anh rể là Bs. Nguyễn Anh Tài một đại đệ tử của cụ Vũ Bá Oai ân cần chăm sóc chỉ dạy. Bs. Nguyễn Anh Tài là một võ sư Hàn Bái và một nhân vật nổi danh trong giới võ lâm Việt Nam thời đó. Ngòai môn Hàn Bái, ông còn nghiên cứu các bộ môn võ thuật khác như Nhu Đạo, Thiếu Lâm và lẽ tất nhiên là Hiệp Khí Đạo. Trong bộ môn này, ông lại được em vợ mình là Gs Đặng Thông Trị khai tâm. Sau khi đậu tú tài, Gs. Đặng Thông Trị qua Pháp theo học khoa luật tại Đại học Sorbonne (Paris) và tốt nghiệp vào năm 1952.
Giáo sư Đặng Thông Trị sinh năm 1928, tại Huế, Việt Nam. Thuở còn ở trung học, ông đã được hướng dẫn học các môn võ thuật, đặc biệt là Hàn Bái đường, với Đại sư Vũ Bá Oai là người đã chấn hưng môn phái này vào những năm 1939 – 1940. Gs. Đặng Thông Trị cũng được người anh rể là Bs. Nguyễn Anh Tài một đại đệ tử của cụ Vũ Bá Oai ân cần chăm sóc chỉ dạy. Bs. Nguyễn Anh Tài là một võ sư Hàn Bái và một nhân vật nổi danh trong giới võ lâm Việt Nam thời đó. Ngòai môn Hàn Bái, ông còn nghiên cứu các bộ môn võ thuật khác như Nhu Đạo, Thiếu Lâm và lẽ tất nhiên là Hiệp Khí Đạo. Trong bộ môn này, ông lại được em vợ mình là Gs Đặng Thông Trị khai tâm. Sau khi đậu tú tài, Gs. Đặng Thông Trị qua Pháp theo học khoa luật tại Đại học Sorbonne (Paris) và tốt nghiệp vào năm 1952.
Trong thời gian lưu lại Pháp những năm tiếp đó, ông học Judo và Aikido, đặc biệt là với các võ sư Abe Tadashi và Nakazono Mutsuro. Do thiên khiếu bẩm sinh và cũng nhờ được luyện tập từ lúc tuổi trẻ đồng thời được chân sư truyền dạy nên Gs. Đặng Thông Trị đã đạt được những tiến bộ kiệt xuất và do đó nhanh chóng được các võ sư Nhật chú ý và cất nhắc. Vào những năm 1957 – 1958, ông được võ sư Nakazono mời làm phụ tá và dạy Aikido ở miền Nam nước Pháp cho đến lúc trở lại quê hương.
Năm 1958 ông về nước và dù phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn, bằng vào bản lĩnh phi thường và niềm tin sắt đá vào con đường Aikido, ông đã hăng hái đem sở học của mình truyền đạt lại cho thanh thiếu niên Việt Nam. Do chưa có điều kiện nên không thể thành lập một sân tập riêng, ông được Bs. Nguyễn Anh Tài dành cho một số buổi tại trụ sở hội võ thuật Hàn Bái để truyền bá Aikido. Sau đó, ông cũng được mời dạy tại Trung tâm huấn luyện thanh niên ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn vào năm 1960.
Cũng vào năm đó “Cái nhà của Hiệp Khí Đạo Việt Nam” mà sau này thường được biết tới với danh hiệu là Đạo đường Aikido được xây dựng tại số 94 đuờng Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), Đakao. Tiếp đó, vào cuối năm 1960 Hội Hiệp khí – Nhu đạo Việt Nam chính thức ra mắt và bắt đầu thu hút thanh niên Việt Nam. Đầu năm 1961, Đại sư Mutsuro Nakazono – 8 đẳng Aikikai – đến Việt Nam để đóng góp vào việc xây dựng phong trào Aikido Việt Nam. Ông lưu lại suốt một năm rưỡi tại Sài Gòn và truyền bá Aikido tại nhiều trung tâm khác nhau. Đến lúc ông ra đi vào giữa năm 1962 thì Việt Nam đã có những huyền đai Hiệp Khí Đạo đầu tiên được huấn luyện tại bản xứ: Bs. Thái Minh Bạch, Ô. Lê Xuân Long, Nguyễn Thành Nhơn, Bùi Duy Cảnh, Trần Kỉnh và Đặng Thông Phong…
Từ năm đó cho đến khi ông rời Việt Nam (đầu tháng 10 –1964), Gs. Đặng Thông Trị đã không ngừng đào tạo các huấn luyện viên, tham gia các sinh hoạt võ thuật nhằm xiển dương Hiệp Khí Đạo. Với tư cách là một cao thủ Judo, ông đã từng đứng ra hòa giải một vụ tranh chấp lớn giữa các võ sư Judo nổi tiếng thời đó. Nhờ đức độ, uy tín, đảm lược, Gs. Đặng Thông Trị đã thành công trong việc hòa giải nói trên, tránh cho đôi bên những tổn thất lớn.
Năm 1964, ông được trường Nhu đạo Monterey California mời qua dạy Nhu đạo. Trước khi rời Việt Nam, Gs. Đặng Thông Trị đã trao đạo đường Aikido lại cho em ruột của mình là Gs. Đặng Thông Phong và Trung tâm thể dục thể hình (Centre Culturite) cho Gs. Bùi Duy Cảnh đảm trách. Cuối tháng 10 năm đó, trên đường sang Âu châu cùng với vợ và đứa con trai nhỏ của võ sư Nakazono, Đại sư Tamura đã ghé lại Sài Gòn và mở một khoá tập huấn chớp nhoáng cùng với một kỳ thi cuối khóa. Qua kỳ thi, các võ sư sau đây đã được nhận huyền đai đệ nhị đẳng: các ông Bùi Duy Cảnh, Trần Kỉnh và Đặng Thông Phong. Trong số các môn sinh được trao nhất đẳng, thấy có tên Bs Nguyễn Anh Tài, các ông Đặng Văn Phát, Nguyễn Hữu Huy… và cô Nguyễn Thị Ngọc Chi.
Tại Monterey, ngoài môn Nhu đạo, Gs. Đặng Thông Trị còn dạy thêm Aikido. Theo dự kiến, ông chỉ lưu lại đây trong một thời gian ngắn rồi lại trở về Việt Nam chấp chưởng môn phái Aikido. Nhưng (mưu sự tại nhân…), ông đã ở lại California cho đến mãn đời, ngoại trừ một số lần chu du tại tại các quốc gia, trong đó có một lần về lại thăm quê hương và đạo đường cùng các môn sinh của mình.
Năm 1965, giữa muôn vàn khó khăn, Gs. Đặng Thông Trị với quyết tâm lớn đã gạt bỏ tất cả để tìm đến Hawai nơi Đại sư Tohei Koichi đang truyền bá Aikido. Ông đã được đối xử như một khách quý và một môn sinh ưu việt. Đại sư Tohei đã chọn ông làm phụ tá trong môt số khoá tập huấn của mình với sự hiện diện của nhiều môn sinh thuộc các quốc tịch khác nhau. Chính tại đây ông đã học được bí quyết Thiên Cân Trụy với Đại sư Tohei lừng danh về khí công trong Aikido. Cũng vào năm đó, Đại sư Tohei Koichi cùng với phái đoàn đã đến thăm Gs. Đặng Thông Trị tại võ đường của ông. Gs. Đặng Thông Trị cũng đã nhiều lần sang Nhật và sang Trung Quốc để tầm sư học đạo.
Sau đó, Gs. Đặng Thông Trị lui về quy ẩn tại Sacramento. Tại đây, ông có một võ đường nhỏ tên Trung tâm Giáo dục Võ đạo với một số võ sinh hạn chế. Dù là một người bạn của Đại sư Tohei Koichi, Gs. Đặng Thông Trị vẫn liên hệ chặt chẽ với Tổng đàn Aikikai Hombu Dojo. Gs. được phong đệ lục đẳng huyền đai và được giới Aikido thế giới hết lòng ngưỡng mộ vì kiến thức uyên thâm về võ học và nhất là vì tấm lòng thành khẩn đối với các môn sinh và các bạn đồng môn. Ngoài môn Aikido, Gs. Đặng Thông Trị còn dạy Thái Cực quyền, Hình Ý Quyền và Bát Quái quyền.
Gs. Đặng Thông Trị mất tại Sacramento ngày 12/10/1995, thọ 66 tuổi. Ông đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, lấy võ đạo làm phương tiện để dẫn dắt các môn sinh trên đường tìm đến chân lý.
Gs. Đặng Thông Trị là nhân vật Việt Nam đầu tiên được ghi vào cuốn “Bách khoa từ điển Aikido” của nhà báo Stanley A. Praning.