Nhiều độc giả có kiến thức và trình độ sẽ cảm thấy bài viết này khá dài hơi – thực sự thì nó … vô cùng dài hơi. Bài viết này nhắc đi nhắc lại những điều vốn trở thành kiến thức “bất thành văn” của những người có kinh nghiệm luyện tập.
Tuy nhiên, Vothuat.vn vẫn rất mong có thể gửi bài viết này đến những độc giả chưa, hoặc vừa bắt đầu luyện tập võ thuật, để hiểu rõ hơn về Sparring – một trong những điều rất quan trọng cần nắm rõ để có thể tiến bộ trong võ thuật đối kháng.
Tính tương tác – nguyên tố quan trọng nhất của việc hình thành khái niệm sparring.
Tạm thời gác các khía cạnh biểu diễn, dưỡng sinh,….của võ thuật, thì một trong những khía cạnh đáng nói đến nhất của võ thuật đó là tính đối kháng.
Đối kháng tồn tại một tính chất quan trọng, đó là sự tương tác giữa hai đối thủ sử dụng võ thuật. Hiểu đơn thuần, đó là sự ảnh hưởng qua lại của 2 thứ: bản thân, và đối thủ (đối thủ ở đây có thể là 1 người (trên võ đài) và nhiều người (các tình huống khác)).
Tính tương tác là tính chất quan trọng của võ thuật đối kháng. Hiểu nôm na rằng, trong võ thuật đối kháng, luôn có sự ảnh hưởng qua lại giữa hai võ sĩ. Có thể người này tiến, người kia lùi. Người này tấn công, người kia phải lựa chọn phương án tránh né hay chịu đòn – phản công. Người này té ngã, người kia lựa chọn đổi sang ground fighting hay chờ đối thủ đứng dậy (ví dụ trên luật MMA). Tính tương tác thể hiện xuyên suốt mọi trận đấu, mọi khoảnh khắc. Cho dù bạn làm chủ trận đấu 100%, cũng không có nghĩa là bạn không chịu ảnh hưởng bởi tính tương tác – khi bạn tấn công trúng đích, tạo nên sự ảnh hưởng lên đối thủ như té ngã, bị đẩy lùi, điều đó cũng tạo sự tác động ngược lại đến bạn (chẳng hạn như gia tăng khoảng cách), khiến bạn buộc phải chọn phương án ngừng lại hoặc tiếp tục càn tới.
Muốn đối kháng tốt, thì phải hiểu và luyện tập tốt khả năng tương tác.
Nhưng sự thực thì rất nhiều – rất nhiều người trong chúng ta không làm vậy.
Chúng ta đánh bao cát. Ok! Rất tốt để rèn luyện sự chuẩn xác của các đòn thế tấn công, cũng như rèn luyện chân tay chịu được các va chạm bắt buộc của võ thuật.
Chúng ta tập đi quyền (ở một số môn). Ok! Cũng rất tốt! Bạn có thể có một thể lực tốt cùng khả năng kiếm soát kĩ thuật tuyệt vời nếu siêng luyện quyền; nhiều đòn thế đối kháng cũng sẽ được rèn luyện trong quyền.
Và nhiều cách khác nữa…
Nhưng, suy cho cùng, đó vẫn là phương pháp luyện tập đơn thể – tôi xin nhắc lại: “Đơn thể”. Tức là chúng ta cải thiện được kĩ năng cá nhân. Nhưng chúng ta không cải thiện được khả năng tương tác của ta với đối thủ. Vì cho dù chúng ta tập với bao cát hay bất cứ cái gì hiện đại, đó vẫn là tập – một – mình.
Chẳng phải tự nhiên mà hầu hết mọi huấn luyện viên, võ sư, võ sinh thừa nhận: Xỏ găng và lên sàn là cách tập thực tế nhất cho những người phải bật nhau trên sàn – hoặc ngoài đường – hoặc trong những tình huống nguy hiểm (tự vệ). Va chạm với thực tế chính là cách học và làm quen tốt nhất. Và cũng chính cách xỏ găng lên sàn đó mới là cách duy nhất giúp ta làm quen được với yếu tố tương tác thật trên võ đài, đơn giản vì ta tập với một con người thật – một con người cũng sẵn sàng găm vài quả đấm vào mặt ta ngay khi có thể – chứ không đứng im như bao cát.
Nhưng, chúng ta vấp phải một vấn đề nữa. Kể cả khi chúng ta đã có đầy đủ các kĩ năng tấn công – phòng thủ – đánh trả, kĩ năng tránh chấn thương, thì sàn đấu thực thụ cũng không phải là sàn tập lý tưởng. Trên sàn đấu, thể lực chúng ta bị bào mòn rất nhanh theo từng bước di chuyển. Trên sàn đấu, tâm trí ta phải tập trung vào quan sát, nhận định, tính toán chiến thuật, hay đơn giản là bị rối mù trong sự mất bình tĩnh. Và trên sàn đấu, có thể, rất có thể “buổi tập” của chúng ta sẽ kết thúc nhanh gọn sau một cú knock-out ăn may của đối thủ.
Chúng ta thực sự học được gì trong khoảng thời gian đó – khoảng thời gian đã vốn rất ngắn ngủi, còn bị rối mù lên bởi hàng chục yếu tố của một trận đấu nghiêm túc – tôi xin nhắc lại: một trận đấu nghiêm túc?
Câu trả lời là: rất ít. Chúng ta thực sự học được kĩ năng chiến đấu, nhưng học được rất ít.
Vậy, làm sao để ta vừa có thể luyện tập được tính tương tác trên võ đài, vừa có thể kéo dài thời gian, thể lực cũng như sự an toàn cho mỗi buổi tập? Để ta có thể học nhiều hơn? Kĩ càng hơn? Đầy đủ hơn? Thay vì xỏ găng vào “1, 2, 3” và có người lôi ta ra ngoài sau một cú knock out bất ngờ?
Đó chính là lí do sparring ra đời.
Còn tiếp …
Cáo Già
Muốn lên sàn đấu, phải tập Sparring (kì 2)