Những kết quả huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam tại mỗi kỳ SEA Games đều quý giá và ghi nhận nỗ lực ở từng tuyển thủ. Ngoài ý nghĩa chung cho thể thao nước nhà, các tuyển thủ cũng có một quyết tâm vì màu cờ sắc áo rằng tấm huy chương của mình cũng sẽ là sự tự hào cho đơn vị chủ quản của bản thân.
Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong top 3 quốc gia có tổng sắp huy chương cao nhất, trong đó đạt từ 90 tới 120 HCV ở các nội dung tham dự. Nhìn tổng thể chung, chúng ta có dự báo thành tích từ các ban huấn luyện của các đội tuyển thể thao quốc gia để nhà quản lý đặt ra chỉ tiêu đó. Trên hết, chuyên môn phản ánh từ lực lượng và từ thực chất con người đang có.
Trong chỉ tiêu thành tích ấy, tuyển thủ thể thao của Hà Nội và thể thao TPHCM được dự liệu là những người có thể đạt được con số huy chương cao nhất đóng góp vào thành tích chung cho Đoàn thể thao Việt Nam.
Ngày 27-4 vừa qua, các đội tuyển thể thao của Trung tâm HLTTQG TPHCM đã làm lễ xuất quân, nhận sự động viên tinh thần từ lãnh đạo ngành trước giờ lên đường tới Campuchia tranh tài. Với quân số 174 tuyển thủ đóng góp vào Đoàn thể thao Việt Nam, mục tiêu của các tuyển thủ của Trung tâm HLTTQG TPHCM phấn đấu giành từ 24 tấm HCV trở lên.
Theo sự chuẩn bị chuyên môn, các đội tuyển thể thao đóng quân ở Trung tâm HLTTQG TPHCM có thành viên tranh tài ở 20 môn là bơi, điền kinh, cử tạ, aerobic, taekwondo, judo, karate, xe đạp đường trường, TDDC, đấu kiếm, kick boxing, boxing, quần vợt, billiards, vovinam, cờ tướng, cờ ouk chatktrang, bóng rổ, ba môn phối hợp (triathlon), kun khmer.
Chỉ tiêu cao nhất theo địa phương, tính trên tổng thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam, để hướng tới tranh tài vẫn là thể thao Hà Nội. Thêm một lần nữa, các tuyển thủ thể thao của Hà Nội góp mặt đông đảo ở các đội tuyển thể thao quốc gia Việt Nam hướng tới SEA Games 32 này.
Tuyển thủ thể thao Hà Nội góp mặt ở 27 môn gồm điền kinh, thể thao dưới nước, cầu lông, bóng rổ, billiards, boxing, cờ, xe đạp, khiêu vũ, esports, đấu kiếm, bóng đá, golf, TDDC, karate, arnis, jujitsu, kick boxing, kun bokator, kun khmer, vovinam, pencak silat, bi sắt, cầu mây, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, đua thuyền truyền thống, bóng chuyền, cử tạ, wushu, vật.
“Chúng tôi rất tập trung cho các tuyển thủ đảm bảo tốt chuyên môn khi tham dự các đội tuyển thể thao quốc gia để làm sao đạt được phong độ tốt nhất, khi ra thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo mang về thành tích cao nhất cho thể thao Việt Nam cũng như mang lại vinh dự cho thể thao thủ đô Hà Nội”, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội – ông Đào Quốc Thắng từng trao đổi.
Qua tìm hiểu, chỉ riêng thể thao Hà Nội đóng góp gần 150 tuyển thủ vào các đội tuyển thể thao quốc gia kể trên và mục tiêu sẽ hướng tới giành khoảng 20% trong tổng thành tích như Đoàn thể thao Việt Nam đề ra về số huy chương.
Thực tế, những sự cạnh tranh mang ý nghĩa tạo một sự quyết tâm giành thành tích tốt nhất cho đơn vị mình luôn là điều cần thiết ở từng tuyển thủ. Đó là màu cờ sắc áo, là sự chuyên nghiệp thể thao. Nhưng chắc chắn, khi bước ra đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam là một tập thể đoàn kết và các tuyển thủ luôn ý thức về mục tiêu chuyên môn mình đã được đặt ra khi đã là một tuyển thủ quốc gia.
Thể thao Hà Nội và TPHCM là hai đơn vị đứng đầu cả nước về thành tích trong thi đấu chuyên môn cũng như về số VĐV được góp mặt vào các đội tuyển thể thao quốc gia. Trên thực tế, nhà quản lý của mỗi đơn vị này đã và đang phải xây dựng chiến lược để làm sao tìm được những gương mặt xuất sắc nhất làm biểu tượng cho đơn vị mình để họ tạo vị thế trên bản đồ thể thao châu lục, quốc tế. Thể thao TPHCM đã có những tuyển thủ nổi danh nhất như Nguyễn Tiến Minh, Thạch Kim Tuấn, Lê Quang Liêm… nhưng lần này họ đã không còn dự SEA Games 32. Thể thao Hà Nội đang có Nguyễn Thị Tâm, Dương Thúy Vi… nhưng họ là ngôi sao sáng nhưng chưa thể là một biểu tượng.
Theo SGGP Online