Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là nội dung chủ đạo được trình diễn trong “Ngày Việt Nam tại Pháp” nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, tạo dấu ấn với màn biểu diễn đặc sắc ngay tại trụ sở UNESCO, Vovinam tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận và người hâm mộ trong tháng 11 này với Giải vô địch Vovinam thế giới 2023 được tổ chức tại TP HCM từ ngày 24 đến 30-11.
VOVINAM – VIỆT VÕ ĐẠO TRỞ THÀNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
Ngày 10-11-2023, căn cứ đề nghị của Chủ tịch UBND TP HCM và Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 3412/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Vovinam – Việt võ đạo vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (mục nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian).
Đây là thành quả phấn đấu của bao thế hệ môn sinh Vovinam trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái, bước đi quan trọng để tiến tới đưa Vovinam trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Những năm 30 của thế kỷ trước, khi Việt Nam còn bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ không có nhiều lựa chọn cho tương lai của mình. Chàng thanh niên Nguyễn Lộc lớn lên tại Hà Nội đã chọn con đường cách mạng tâm thân – một phương cách rèn luyện và tu dưỡng để có thân thể khỏe mạnh, tâm hồn cao thượng hầu vươn đến lối sống thanh cao, sáng đẹp và đặt tên là Vovinam.
Sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24-5-1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây – nay thuộc Hà Nội, Nguyễn Lộc là trưởng nam trong gia đình gồm 5 anh em. Với thiên năng và ước vọng lớn lao, ông đã hoàn thành cuộc nghiên cứu Vovinam vào năm 1938. Mùa thu 1939, ông đưa lớp môn sinh đầu tiên biểu diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Mùa xuân năm 1940, lớp Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng tại trường Sư phạm. Những năm sau, tuy có lúc bị chính quyền bảo hộ cấm cản hoặc phân tán do thời cuộc nhưng Vovinam vẫn được quảng bá rộng rãi, tạo tiếng vang ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận…
Đầu năm 1955, võ sư Nguyễn Lộc mở lớp tại số 58 đường Thủ Khoa Huân, Sài Gòn và cử môn đệ huấn luyện ở một số địa phương khác. Trong lúc công việc quảng bá Vovinam ở vùng đất mới còn nhiều khó khăn, võ sư Nguyễn Lộc bất ngờ qua đời vào ngày 29-4-1960. Ra đi quá sớm nhưng ông đã để lại cho dân tộc một sự nghiệp võ học quý giá và lưu lại nơi gia đình, bè bạn và các môn đệ một tấm gương về nhân cách và đạo đức cao đẹp. Trước lúc từ giã cõi trần, sáng tổ Nguyễn Lộc đã trao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho võ sư trưởng Lê Sáng.
Những năm đầu thập niên 1960, chính quyền Sài Gòn đưa ra chính sách hạn chế các võ phái hoạt động và sau năm 1963, võ sư trưởng Lê Sáng cùng các võ sư Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Thông, Mạnh Hoàng, Phan Quỳnh… lên kế hoạch khôi phục, phát triển Vovinam.
Võ đường đầu tiên thời kỳ khôi phục và phát triển đặt tại số 61 đường Vĩnh Viễn (Quận 10, Sài Gòn). Dựa trên tư tưởng, kỹ thuật của Sáng tổ truyền lại, Chưởng môn Lê Sáng và BCH môn phái đã xác lập chương trình giảng huấn võ đạo, huấn luyện võ lực và võ thuật theo từng cấp. Hệ thống kỹ thuật cũng dần dần được bổ sung thêm một số đòn thế mới, trong đó có thái dụng (thu thập, dùng trí não quan sát rồi vận dụng sáng tạo) tinh hoa của một số võ phái khác.
Với hoạt động năng nổ, sáng tạo của BCH môn phái, các võ đường khác dần dần xuất hiện như: Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi, Cao Thắng, Hoa Lư… Năm 1966, Vovinam được Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn mời cộng tác thực hiện chương trình “Học đường mới” với 4 nơi thí điểm: Trung học Pétrus-Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương. Từ đây, danh xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam – Việt Võ Đạo để thanh thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ và rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể. Một số trường trung học công lập và tư thục lớn tại Sài Gòn lúc đó có lớp tập ngoại khóa. Từ năm 1967-1968, nhiều võ sư, huấn luyện viên Vovinam được đưa đi xây dựng phong trào ở hầu hết các tỉnh, thành miền Nam. Khoảng cuối năm 1967, võ đường 61 Vĩnh Viễn dời đến số 30 Trần Hoàng Quân (nay là 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP.HCM) và là trung tâm điều hành tất cả hoạt động của môn phái.
Có thể khẳng định, giai đoạn 1964-1975 là thời kỳ phát triển nhảy vọt của môn phái, xác định được vị thế trong làng võ miền Nam. Theo chân các du học sinh, Vovinam xuất hiện ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ… vào đầu thập niên 1970. Người có công dựng cột mốc đầu tiên để phát triển Vovinam ra quốc tế (1973) là Giáo sư Tiến sĩ Phan Hoàng.
Khoảng vài năm sau ngày thống nhất đất nước, một số quận ở TP.HCM và tỉnh, thành ở phía Nam bắt đầu vượt qua nhiều khó khăn để tái lập phong trào. Đầu thập niên 1990, môn phái bổ sung lần thứ hai vào chương trình huấn luyện một số bài quyền tay không và binh khí, giúp cho hệ thống bài bản, kỹ thuật đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng. Song song đó, Vovinam vẫn tiếp tục giảng huấn lý thuyết võ đạo theo tư tưởng: “Sống, để người khác sống và sống cho người khác”.
Trên đường xã hội hóa, võ sư Trần Huy Phong, võ sư Nguyễn Văn Chiếu biên soạn Luật thi đấu Vovinam và Tổng cục TDTT đã cho phép tổ chức Giải vô địch Vovinam toàn quốc lần đầu tiên vào tháng 12 – 1992 tại TP.HCM. Từ đó dần dần hình thành hệ thống các giải quốc gia như trẻ, cúp các đội mạnh, học sinh, sinh viên tổ chức hàng năm.
Tháng 10 – 2007, sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được tổ chức tại TP HCM. Ông Lê Quốc Ân đảm nhận chức vụ Chủ tịch VVF nhiệm kỳ đầu tiên và tiến sĩ, võ sư Võ Danh Hải làm Tổng thư ký VVF.
Năm 2010, trước khi qua đời, Chưởng môn Lê Sáng đã thành lập 2 tổ chức: Hội đồng Võ sư Chưởng quản và Hội đồng Võ sư Tương trợ hải ngoại. Trong đó, Hội đồng Võ sư Chưởng quản là tổ chức cao nhất của môn phái, chịu trách nhiệm điều hành môn phái. Hội đồng Võ sư Chưởng quản do VS Nguyễn Văn Chiếu làm Chánh chưởng quản.
Năm 2008, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) được tổ chức tại Việt Nam. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Thái – Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được bầu làm Chủ tịch WVVF và võ sư Võ Danh Hải đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký từ 2008 đến 2016. Từ 2016 đến nay, Tiến sĩ Mai Hữu Tín làm Chủ tịch WVVF.
Với sự hỗ trợ tích cực của ngành TDTT Việt Nam, các cơ quan chức năng và nỗ lực của WVVF cùng VVF, Vovinam đã hiện diện tại một số đại hội thể thao quốc tế như: Asian Indoor Games, SEA Games, Asian Beach Games…
Giờ đây, Vovinam đang có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam và trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số tổ chức Vovinam châu lục, khu vực (thuộc WVVF) được hình thành như: Liên đoàn Vovinam châu Á, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và khối Ả rập. Các Giải vô địch thế giới (WVVF) và một số giải vô địch, cúp châu lục, khu vực, quốc gia đã được tổ chức định kỳ với nhiều công sức của các môn sinh người nước ngoài. Do thời cuộc, Vovinam cũng còn có vài tổ chức khác. Dù vậy, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là giúp mọi người có thêm phương cách rèn luyện sức khỏe và tinh thần.
Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, 85 năm trải qua nhiều bước thăng trầm, Vovinam – môn võ truyền thống của Việt Nam – đã có những đóng góp nhất định vào nền võ thuật Việt Nam và thế giới, góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Vovinam – Việt Võ Đạo sẽ có thêm cơ hội củng cố và phát huy những giá trị võ học truyền thống dân tộc.
NGÀY VIỆT NAM TẠI PHÁP 2023: ẤN TƯỢNG VÕ VIỆT
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, sự kiện “Ngày Việt Nam tại Pháp 2023” đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris vào hai ngày 8 và 9-11.
Phát biểu tại buổi khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc – người vừa trúng cử Phó Chủ tịch Hội đồng UNESCO – chia sẻ cảm xúc: “Ngay lúc này, tôi tin tất cả đang trào dâng nhiều cảm xúc khi được thưởng ngoạn “Không gian văn hóa Việt Nam”, được ngược dòng thời gian nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong 50 năm qua; được ngắm nhìn danh thắng qua triển lãm “Các di sản thế giới tại Việt Nam”; được hòa mình vào đời sống bình dị nhưng giàu bản sắc văn hóa của người Việt Nam, cùng nhau trải nghiệm, tương tác với các nghệ nhân tài hoa của Việt Nam qua nghệ thuật làm tranh sơn mài, tranh Đông Hồ, nặn tò he hết sức ấn tượng và cách làm món phở Việt truyền thống thật đặc sắc”.
Tại buổi lễ, bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt, năm nay 92 tuổi, nhân chứng sống của rất nhiều sự kiện hợp tác-ngoại giao của Việt Nam và Pháp 50 năm qua đã chia sẻ những cảm xúc của mình từ sự kiện ngày 12-4-1973 khi Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và ngày 25-9-2013 khi hai nước trở thành đối tác chiến lược, mở ra một chặng đường mới để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, bằng tình hữu nghị và khát khao chung sức cho hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân loại. Từ chính những cảm xúc đó, cá nhân bà đã không ngừng vun đắp, hỗ trợ rất nhiều đoàn Việt Nam trong những ngày đầu xây dựng hợp tác và ngoại giao.
Tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng loạt sự kiện của “Ngày Việt Nam tại Pháp”, bên cạnh các chương trình văn nghệ truyền thống do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn, các võ sĩ Vovinam Pháp và Lân sư rồng Việt Nam đã khuấy động hội trường Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp với các màn biểu diễn đặc sắc, thể hiện khí thế hào hùng, thượng võ của dân tộc Việt. Khán phòng chật kín người với hơn 300 khách mời quốc tế và kiều bào tham dự đã thật sự hào hứng, theo đánh giá của đại sứ Đinh Toàn Thắng là “trên cả tuyệt vời”.
Trước đó, Vovinam và Lân sư rồng cũng đã tham dự vào sự kiện “Đêm văn hoá Việt Nam – Sắc màu Việt, Di sản văn hoá là động lực cho hoà bình, tự cường và phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao Việt Nam – Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Paris, Cộng hoà Pháp.
Đoàn Vovinam và Lân sư rồng Việt Nam đã tham gia giảng huấn cho các học viên khoá tập huấn quốc tế tại TP. Moissy – Cramayel (ngoại ô Paris) từ ngày 3 đến 5-11 và có buổi biểu diễn võ thuật và lân sư rồng quốc tế rất thành công tại Nhà thi đấu thể thao của thành phố này.
GIẢI VÔ ĐỊCH VOVINAM THẾ GIỚI LẦN VII – 2023
Liên đoàn Vovinam VN và Liên đoàn Vovinam thế giới sẽ phối hợp tổ chức Giải vô địch Vovinam thế giới lần VII năm 2023 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP HCM) từ ngày 24 đến 30-11.
Theo BTC, giải sẽ có gần 800 quan chức, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tranh tài tại giải. Đáng chú ý, các cường quốc có thế mạnh về thể thao và võ thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Pháp, Thái Lan… cũng cử VĐV sang tham dự, tranh chấp 44 bộ huy chương thi quyền và thi đấu đối kháng.
Theo đó, nội dung biểu diễn quyền có 26 bộ huy chương với 15 bộ dành cho nam gồm Ngũ môn quyền, Tứ tượng côn pháp, Long hổ quyền, Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Thập tự quyền, Nhật nguyệt đại đao pháp, Thập thế bát thức quyền (đối với cá nhân); Đòn chân tấn công, Song luyện mã tấu, Song luyện kiếm, Song luyện 3, Song luyện dao, Đa luyện vũ khí nam, Đồng đội kỹ thuật căn bản nam, Đồng đội kiếm nam (đối với đồng đội). 11 bộ dành cho nữ gồm Long hổ quyền, Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Song đao pháp, Thái cực đơn đao pháp, Thập tự quyền (cá nhân) và Song luyện kiếm, Tự vệ nữ, Đa luyện vũ khí nữ, Đồng đội kỹ thuật căn bản hỗn hợp, Đồng đội kỹ thuật căn bản nữ, Đồng đội kiếm nữ (đồng đội).
Với số nội dung thi đấu đối kháng, giải Vovinam Vô địch Thế giới 2023 có 18 bộ huy chương. Dành cho nam gồm 11 hạng cân từ 51kg tới trên 92kg; nữ có 7 hạng cân từ 48kg tới trên 66kg.
Đội tuyển vovinam Việt Nam chuẩn bị cho giải vô địch thế giới 2023 đã được tập trung tập luyện từ ngày 1-11 vừa qua. Hiện tại, võ sĩ của nội dung đối kháng của đội tuyển vovinam Việt Nam được tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội gồm 10 tuyển thủ là Lê Thị Hiền, Phạm Thị Kiều Giang, Ma Thị Hồng Nhung, Bùi Thị Thảo Ngân, Nguyễn Đạt Duy Long, Lê Nguyễn Hoài Nam, Lê Ngọc Vĩnh Tường, Bùi Xuân Nhật, Nguyễn Tiến Sơn và Nguyễn Hữu Toàn. Trong lần tập trung tập luyện này, HLV phụ trách nội dung đối kháng là HLV Nguyễn Tấn Thịnh. Trợ lý HLV cho ông Nguyễn Tuấn Thịnh là các HLV Đào Xuân Thắng, Nguyễn Thị Thanh.
Theo đánh của giới chuyên môn ngoài nước chủ nhà Việt Nam thì các võ sĩ đến từ Campuchia, Algeria, Pháp, Italia… sẽ là những đối thủ mạnh trong cả nội dung đối kháng và quyền.
Giải cũng là dịp khẳng định Vovinam ngày càng có những bước phát triển và hòa nhập mạnh mẽ vào đại gia đình thể thao quốc tế. Vovinam đã và đang là sứ giả, là phương tiện quan trọng trong chính sách ngoại giao văn hóa một cách hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước – con người – văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
TS Mai Hữu Tín – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới khẳng định: “Giải VĐTG lần VII năm nay không chỉ là dịp tranh tài đỉnh cao của phong trào Vovinam trên toàn thế giới mà còn là thời điểm quan trọng để gia đình Vovinam có dịp cùng nhìn lại và đánh giá lại con đưóng phát triển của mình 85 năm qua và hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai.”
Trong dịp này, Đại hội Liên đoàn Vovinam Thế giới Nhiệm kỳ III cũng được diễn ra với kỳ vọng tạo bước ngoặt mới để phát triển phong trào Vovinam lên tầm cao mới. Dự kiến tại đại hội lần này sẽ điều chỉnh lại toàn bộ tài liệu các hoạt động, điều lệ, các văn bản hoạt động của các ủy ban theo chuẩn Olympic.
Thiện Tâm – Thanh Tùng