Võ sư Nguyễn Hắc Long – Đi giữa đời lặng lẽ

Tôi đã gặp nhiều người luyện võ, trên khắp cơ thể họ chỗ nào cũng có cơ nổi thành múi, thành bắp và đôi mắt như sắp “ăn tươi nuốt sống” người đối diện.

Tôi đã nhiều lần xem “Sơn lâm mãi võ”, quyền thuật biến hóa khôn lường. Nhưng khi ngồi trò chuyện cùng võ sư Nguyễn Hắc Long tại nhà riêng, tổ 39, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) thì tôi có sự nhìn nhận khác về võ thuật. Vì như Võ sư Nguyễn Hắc Long thì… đấy là những người lộ tướng võ, còn với người luyện võ, càng ở bậc cao thâm, càng kín tướng.

 Nguyễn Hắc Long sinh ra ở một làng quê thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang). Từ nhỏ anh đã thích nặn tượng Phật và vẽ tranh. Vì vóc người nhỏ nhắn, đi học thường bị bạn học lớp trên bắt nạt. Từ khi đó, Long đã mơ ước mình là người thông thạo “Thập bát ban võ nghệ” để hành hiệp trượng nghĩa, giống như “Lục Vân Tiên đánh cướp” trong bài học thuộc lòng. Biết con thích học võ và học vẽ, các cụ thân sinh một mực ngăn cản, cho rằng: Nghề vẽ không mang lại nhiều lợi lộc, còn nghề võ chỉ tổ rước họa vào thân. Vâng lời cha mẹ, Long không dám xin đi học môn năng khiếu trời phú cho mình. Tốt nghiệp lớp 7 (hệ 7/10), Long xin bố mẹ vào T.P Hồ Chí Minh để trông giữ cháu nhỏ giúp chị gái.

 Đó là vào những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, T.P Hồ Chí Minh xuất hiện một số lò dạy võ ở nhiều trường phái khác nhau. Dù hằng ngày ở nhà trông bé giúp chị, nhưng qua câu chuyện của bà con lối phố, Long biết những câu chuyện ly kỳ về các sới võ chuyên công, chuyên thủ và những đòn đánh liên hoàn quyền, cước của võ sĩ bất bại nào đó ở Sài thành. Nhưng Long đã không chọn sư phụ có lò dạy võ, mà qua người thân, anh tìm đến cửa một võ sư thuộc môn phái Thiếu Lâm Tự đang sống ẩn mình trong ngõ nhỏ để bái làm sư phụ. Vị sư phụ anh bái làm thầy dạy chỉ có vài ba môn sinh. Và anh đã tập luyện kiên trì theo hướng dẫn của thầy đủ 6 năm dòng thì khấu đầu, lạy thầy trở về đất Bắc, rồi theo học môn hội họa của Trường Văn hóa nghệ thuật của tỉnh (khi đó là Hà Bắc).

anh-vo-su-hac-long

 Tốt nghiệp trung cấp hội họa, anh xin vào làm việc tại Nhà văn hóa huyện Tân Yên. Công việc hằng ngày là kẻ vẽ panô, áp phích, biểu ngữ… Một lần, ông Nguyễn Văn Bộ, Trưởng Đoàn kịch Bắc Thái sang Hà Bắc công tác, thấy nét vẽ hồn hậu trên tấm pa nô quảng cáo bên đường thì say mết, tìm đến chủ nhân của nét vẽ, mời về Bắc Thái cùng tham gia Đoàn Kịch của tỉnh để trang trí sân khấu. Sẵn máu hải hồ, anh xin phép bố mẹ cho bỏ việc ở huyện nhà, lên Bắc Thái phục vụ Đoàn kịch. Anh gắn bó với T.P Thái Nguyên kể từ đận đó. Nhưng cái nghiệp công chức mang lại cho anh nhiều lận đận. Anh bỏ nhiệm sở, ra ngoài làm thuê, rồi anh Mông Đông Vũ, Trưởng Đoàn chèo Thái Nguyên vời về làm hóa trang hình tượng Bác Hồ trong vở: “Bác Hồ ở Việt Bắc”. Tại Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 2000 được tổ chức tại Nghệ An, Đoàn chèo Thái Nguyên đoạt giải đặc biệt. Anh được Ban Giám khảo và người hâm mộ nhận xét là họa sĩ hóa trang Bác Hồ giống nhất.

 Trở lại với chuyện võ thuật, anh bảo: Tôi luôn ghi nhớ lời thày dạy: Sống điềm đạm, không lộ võ. Ngay cả bố mẹ, người thân cũng không biết tôi là người học võ… Nhưng sự đời có những điều không giấu kín mãi được, nhất là nghề võ. Chuyện là năm 1990, Đoàn kịch đi biểu diễn ở một huyện vùng cao, thấy các cô văn công trang điểm phấn son, y phục tha thướt như tiên giáng trần, một số thanh niên từ bản ra, mặt phừng rượu, đi xem văn công nhưng dao còn đeo bên người. Khi bị nhân viên soát vé cản lại không cho vào, liền rút dao, nhắm vào cán bộ trong Đoàn mà chém. Trong tình thế nguy hiểm, Nguyễn Hắc Long gạt hết cán bộ Đoàn vào phía trong bờ rào, đi một đường quyền thì lượm hết dao quắn, côn quay vất lại một đống. Đám thanh niên tỉnh hẳn rượu, không quậy phá. Còn anh em trong Đoàn mắt tròn, mắt dẹt, bảo: Hóa ra tay Long là một cao thủ ẩn mình ngay trong Đoàn.

 Sau trận đó, một số anh chị em trong Đoàn mang con đến nhờ Long truyền dạy võ công. Anh suy nghĩ rất nhiều rồi mới đi đến quyết định mở lớp dạy võ cho con, em trong cơ quan. Khi đó, anh có vóc dáng như một dị nhân, người gầy, nhỏ, tóc dài ngang lưng.

 Khi dạy võ cho học trò, anh lấy chữ Đạo đặt lên làm đầu. Trong số những người mở võ đường ở Thái Nguyên, anh là võ sư kén học trò nhất. Các võ sinh trước lúc nhập môn, phải hứa hẹn chấp hành “Bát giới môn quy”, tức 8 quy định về đạo đức của môn phái Thiếu lâm kung fu Việt Nam do anh khởi sướng. Anh cho biết: Mất 5 năm đầu truyền dạy võ công nhưng thấy học trò không tiến bộ như ý, tôi bắt đầu nghiên cứu, cải tiến một số phương pháp tập luyện, kỹ thuật đối kháng cho phù hợp với vóc dáng, thể lực của người Việt. Căn bản về quyền thuật không thay đổi, nhưng trong đối kháng, tôi cải tiến từ đòn trường sang đòn đoản, dùng lối đánh áp sát, nhất là kỹ thuật lấy nhu chế cương, cương nhu phối hợp…

Tôi đã nghiên cứu mất 5 năm để viết thành giáo trình riêng để dạy các môn đồ của mình. Hiện Kung fu Thiếu lâm Việt Nam do tôi sáng lập đã phát triển rộng rãi trong tỉnh các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Bắc Giang… Nhiều đệ tử của môn phái do khổ công luyện tập đã trở thành võ sư. Họ không chỉ sử dụng thành thạo “Thập bát binh khí” 18 loại binh khí, mà còn luyện đạt các tuyệt kỹ kung fu, như: Bố đái công, Thiết đầu công, Thiết bối sam, Thiết tảo công… tức luyện cho cơ thể vững chắc tới mức dùng các loại vật dụng cứng như gậy tre, gỗ nghiến, thanh sắt đập vào người nhưng không hề hấn gì. Nhiều học trò của võ đường như: Phan Công Vũ, Nguyễn Chí Hướng, Phạm Sơn Thanh… bái sư xin được dự một số giải tầm quốc gia, bằng các bài quyền thuật, nhất là các tuyệt kỹ kung fu như: Đập gạch vào đầu, dùng yết hầu uốn cong thanh thép phi 18, dùng chân công phá vật cứng… đã chinh phục sự ngưỡng mộ của nhiều người và mang về Huy chương Vàng cho môn phái.

 Từ nhiều năm nay, Thiếu lâm kung fu Việt Nam do Võ sư Nguyễn Hắc Long sáng lập, được một số trường học đón nhận, đưa vào làm môn tự chọn cho học trò rèn luyện thể lực và tố chất đạo đức, như Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc; Trường nội trú Yên Minh (Hà Giang) và một số trường thuộc Đại học Thái Nguyên. Tuy trở thành người có tên tuổi, uy tín trong giới võ lâm, nhưng võ sư Nguyễn Hắc Long vẫn sống thanh đạm, khi rảnh lại vẽ tranh, đọc sách. Anh nói vui: Cuộc đời luôn biến động, nhiều khi lấy vẽ nuôi võ, lúc lại lấy võ nuôi vẽ, nhưng làm gì tôi cũng lấy chữ nhẫn làm đầu.

Theo Ngọc Chuẩn (Báo Thái Nguyên)