Theo thống kê chưa đầy đủ, Vovinam đang có mặt ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu. Là người Việt Nam, đương nhiên chúng ta cảm thấy tự hào khi môn võ truyền thống này được nhiều nơi trên thế giới yêu chuộng.
Không ít môn sinh nước ngoài đã về đất tổ Việt Nam tập huấn và một số HLV Vovinam cũng được mời sang châu Âu, châu Á và tận châu Phi xa xôi để quảng bá một nét văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vovinam đã có mặt tại Asian Indoor Games 2009 và 2 kỳ SEA Games (2011, 2013); nhiều giải thi đấu quốc tế đã được tổ chức như: Giải vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch châu Phi, vô địch Đông Nam Á và nằm trong chương trình thi đấu chính thức của Asian Beach Games 2016. Từ những kết quả khích lệ vừa nêu, Vovinam đang cố gắng để tiếp tục góp mặt tại SEA Games 29 và xa hơn là phấn đấu chen chân vào đấu trường ASIAD.
Tại châu Á, ngoài Việt Nam, Vovinam đã xuất hiện tại Afghanistan, Ấn Độ, Campuchia, Đài Loan-Trung Quốc, Hong Kong-Trung Quốc, Indonesia, Iran, Iraq, Lào, Lebanon, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan. Như vậy, chỉ cần phát triển Vovinam ở vài nước nữa, Việt Nam có quyền vận động để đưa môn võ này vào ASIAD. Về lý thuyết là như thế, nhưng thực ra phong trào ở nhiều nước châu Á còn rất mỏng, nền tảng chưa vững chắc, chưa có đội ngũ HLV đạt trình độ cao, thậm chí một ít nơi chỉ có một hai chục võ sĩ luyện tập để chờ tham dự SEA Games. Dù vậy, theo ông Lê Quốc Ân, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), ước mơ đưa Vovinam vào sân chơi ASIAD tuy còn nhiều trở ngại, nhưng có thể thành hiện thực.
Trao đổi cụ thể cùng chúng tôi, ông Lê Quốc Ân bày tỏ: “Vấn đề quan trọng là cần có một kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), WVVF, Tổng cục TDTT và VVF. Trong đó, VOC và WVVF lo việc vận động, là cầu nối quan trọng với các nước. Tổng cục TDTT dành một khoản kinh phí thỏa đáng để đầu tư phát triển phong trào và xây dựng đội ngũ HLV ở các nước. VVF chịu trách nhiệm cung cấp các HLV chuyên nghiệp và tốt nhất để sang các nước tập huấn nhiều đợt; cập nhật luật thi đấu theo hướng khoa học. Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm xây dựng phong trào ở một số cường quốc thể thao của châu lục như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng, sau 4-5 năm thực hiện kế hoạch này, Vovinam châu Á sẽ thay da đổi thịt. Và nếu được sự ủng hộ của chủ nhà Indonesia, Vovinam có thể sớm hiện diện tại ASIAD 18-2019, chí ít là một môn biểu diễn”.
Đưa được Vovinam vào ASIAD là giới thiệu đến ngày hội thể thao lớn nhất châu lục một nét văn hóa võ thuật độc đáo của Việt Nam, đồng thời thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam cũng có thể cải thiện đáng kể. Đương nhiên chúng ta phải đầu tư cho các môn thể thao Olympic, nhưng để đoạt được HCV thì không là chuyện dễ dàng (chúng ta chỉ có 1 HCV ở ASIAD 17). Nếu đầu tư cho Vovinam với kinh phí không nhiều nhưng hiệu quả cao cũng là vấn đề cần được ngành TDTT quan tâm.
Theo Thiện Tâm (Dân Trí)