Các võ sĩ sumo phải trải qua các bài sát hạch vô cùng khắt khe và có chế độ ăn đặc biệt để tăng cân mới có thể thi đấu trong môn võ truyền thống và là niềm tự hào của Nhật Bản.
Tony Jaa mặt “ngầu” đấu súng với kẻ thù của Cung Lê
4 phim võ thuật để đời của ngôi sao Muay Thai Tony Jaa
Sumo là một môn võ cổ truyền của Nhật Bản, xuất hiện cách đây khoảng 1.500 năm và được xếp vào hàng những môn võ có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Võ sumo là niềm tự hào của thể thao Nhật Bản, là biểu tượng văn hóa tinh thần của người Nhật.
Các võ sĩ sumo muốn thành tài phải luyện tập rất khắc nghiệt. Điều kiện để được gia nhập lò luyện sumo rất khắt khe. Các sumo phải là nam, đã tốt nghiệp trung học cơ sở, tuổi nhập môn muộn nhất là 23, chiều cao tối thiểu là 1,67 m, cân nặng tối thiểu là 67 kg.
Sau khi trải qua các kỳ sát hạch về sức khỏe bao gồm thị lực, độ bền, tốc độ chạy… các võ sinh được nhận sẽ bắt đầu tập luyện, ăn uống theo chế độ của sumo để tăng trọng lượng.
Thời gian tập luyện mỗi ngày của các võ sinh bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 11 giờ trưa, sau đó họ mới ăn bữa sáng.
Bữa ăn của các võ sĩ sumo.
Sau khi ngủ trưa, đến chiều, các võ sinh có thời gian thư giãn theo sở thích riêng, như xem TV, đọc sách. Ngủ sau khi ăn no là cách để các võ sĩ tăng cân nhanh. Bởi bên cạnh chiến thuật thì cân nặng có vai trò quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của võ sĩ sumo trong các trận thi đấu.
Sau khi kết thúc các khóa đào tạo, họ trở thành các võ sĩ sumo và lần lượt được xếp vào các cấp bậc khác nhau trong giới, tùy theo năng lực, thành tích và kinh nghiệm thi đấu. Cụ thể gồm 6 cấp: Yokozuna, Ozeki, Sekiwate, Komusubi, Maegashira và Jyuryo.
Mỗi cấp bậc lại có quy định về trang phục và kiểu búi tóc không giống nhau. Từ đẳng cấp Jonidan trở xuống, các võ sĩ mặc trang phục truyền thống Yukata và dép Geta. Đẳng cấp cao hơn (Makushita và Sandanme) họ có thể mặc thêm 1 chiếc áo khoác ngắn trang trí theo kiểu truyền thống bên ngoài áo Yukata và mang dép Zori. Những võ sĩ đã được công nhận là Sekitori thì mặc áo choàng bằng lụa và họ cũng búi tóc theo kiểu trau chuốt hơn, có tên là Oicho.
Luật thi đấu của môn thể thao này khá đơn giản. Võ đài chỉ là một vòng tròn đất nện có đường kính 4,55 m. Người thắng cuộc là người vật được đối phương ngã ngửa hoặc đánh bật được đối phương ra khỏi võ đài. Các miếng đánh gồm vật, vỗ, kéo, xô, khóa và các đòn theo kiểu nhu đạo, không được sử dụng các đòn đấm, đá và cắn.
Trong nghi lễ nhập đài có nhiều điểm khá đặc biệt. Lễ này được chia thành nhiều giai đoạn. Trước hết là lễ giậm chân và khởi động. Tiếp đó là lễ tẩy uế Shinto hay còn gọi là lễ ném muối. Hai đấu sĩ tiến về góc đài, bốc một nắm muối ném vào sàn đấu, rồi cúi xuống nhìn nhau trừng trừng. Phong cách riêng và uy lực của từng võ sĩ được thể hiện rõ nét ngay từ cái nhìn đầu tiên này. Sau khi lễ Shinto kết thúc, hai võ sĩ dùng hết sức mạnh lao vào nhau với cú đầu tiên gọi là Tachi-Ai. Một trận thi đấu sumo diễn ra rất nhanh nhưng kịch liệt, thường không quá 1 phút.
Địa điểm diễn ra các trận thi đấu sumo thường được tổ chức ở nhà thi đấu sumo quốc gia Ryogoku Kokugikan. Bên trên võ đài là mái che treo Tsuriyane thiết kế mô phỏng kiến trúc của mái đền Thần Đạo. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong môn võ sumo.
Hàng năm, vào tháng 1 và tháng 5, khi giải đấu sumo lớn diễn ra, Ryogoku Kokugikan sẽ thu hút rất nhiều người yêu thích môn thể thao này tới xem. Có khán giả có thể ngồi 10 giờ liên tục để theo dõi các trận thi đấu.
Hiện nay, dù trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống hiện đại và du nhập của văn hóa phương Tây. Hiện nay, có rất nhiều võ sĩ sumo đến từ các nước khác như Mông Cổ, Bulgaria… nhưng sumo vẫn là nét văn hóa truyền thống, một nghi lễ tôn giáo trong nền văn hóa Nhật Bản.
Theo Zing