Đàm Canh là một trong 5 đại cao thủ Nam Hồng quyền được võ lâm Chợ Lớn tôn xưng Thất hổ Hồng gia phái (cùng Lý Long Biêu, La Duy, Huỳnh Thuận Quý, Lâm Minh Hào, Lương Sâm, Giang Hùng).
Ấn tượng với màn trình diễn võ công trên cây dừa
Cùi chỏ – vũ khí sắc bén nhất trên cơ thể con người
Đàm Canh sinh năm 1913, tại thôn Sa Long, huyện Phan Ngư, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Từ nhỏ, ông đã được thừa hưởng những tố chất mạnh mẽ, gan dạ và cương trực của con nhà võ. Giai thoại về ông được chính gia đình kể lại là, khi Đàm Canh mới 4 tuổi đã từng bị cha bắt “đứng tấn” tàn hết cây nhang. Cha ông là Đàm Huy – khi đó là trưởng thôn, đã vận động trai tráng tập Nam Hồng quyền để chống lại nạn trộm cướp và bạo hành. Môn quyền này do danh sư Đàm Mẫn, vốn là đệ tử chân truyền của Đàm Nhường – con trai sáng tổ môn phái Đàm Nghĩa Quân, huấn luyện. Ngoài việc được luyện công, Đàm Canh còn sớm chịu ảnh hưởng thân phụ về võ thuật. Bởi thế Đàm Canh dành nhiều thời gian luyện võ, có lúc tập cùng thầy, có lúc tập một mình rất say mê. Năm lên 10, Đàm Canh đã có thể đánh ngã một gốc cây to.
Năm 1920, do diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, ông Đàm Huy dẫn gia đình chạy loạn sang Việt Nam, dừng chân lập nghiệp tại đường Nhân Vị (nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM). Được một thời gian ngắn, Đàm Canh được thân phụ đưa trở lại Quảng Đông học văn hóa, y học và võ thuật, sau 12 năm mới quay về Việt Nam, mưu sinh bằng nghề bán thịt heo ở chợ Bàn Cờ.
Những lúc rảnh, Đàm Canh tập hợp tiểu thương lại rồi biểu diễn múa côn, đi quyền, nhờ đó thu nạp nhiều đệ tử. Có lần đang múa bài Ngũ hình quyền thì một tốp cảnh sát đi trên hai xe Jeep ập vào bao vây, gã trung úy lệnh cho Đàm Canh rằng “nếu múa thấy hay sẽ không giải về bót!” (giai đoạn này thực dân Pháp cấm truyền bá võ thuật nơi công cộng), Đàm Canh bèn thi triển thần oai Bát quái côn, ánh côn loang loáng che kín khắp thân mình đến một con ruồi bay không lọt, tên trung úy gật gù khâm phục, lẳng lặng cùng đám cảnh sát lên xe bỏ đi. Bát quái côn là bài binh khí cao cấp của Nam Hồng quyền, chuyên điểm vào huyệt địch thủ, côn dài 2,2 m, một đầu lớn một đầu nhỏ nên còn được gọi là Thử Vĩ côn (côn đuôi chuột).
Một lần qua lò heo Chánh Hưng (Q.8) chở thịt về bán, Đàm Canh bị một gã trùm du đãng bến Phú Định tay lăm lăm dao bầu chặn đường đòi “nạp tiền mãi lộ”. Quá bức bách, Đàm cao thủ đành phải ra tay. Ông chụp vội tay đòn bằng tre (dùng cân heo), đường Bát quái côn của chàng buôn thịt vùn vụt như ánh chớp, đánh văng con dao trong tay gã du đãng đồng thời trở đầu côn “dích” một phát tét đầu tên giang hồ to con, hung hãn khiến gã tâm phục khẩu phục bèn năn nỉ xin theo thọ giáo Đàm sư phụ. Thời đó, ông là một trong 5 đại cao thủ Nam Hồng quyền được võ lâm Chợ Lớn tôn xưng Thất hổ Hồng gia phái (cùng Lý Long Biêu, La Duy, Huỳnh Thuận Quý, Lâm Minh Hào, Lương Sâm, Giang Hùng).
Đầu 1940, Đàm Canh mở phòng mạch chữa trật đả và dạy võ. Đến 1953, sáng lập Trung Sơn đường nhằm tưởng nhớ nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Cao thủ Nam Hồng quyền là một trong số những người sáng lập Tây Đề võ thuật nghiên cứu xã năm 1950, trụ sở tọa lạc trên đường Quảng Đông (nay là Triệu Quang Phục, Q.5, cạnh Tam Sơn hội quán). Tiếc cho Đàm sư phụ phải từ giã cõi đời khá sớm ở tuổi 53 (năm 1966) do lao lực.
10 người con của Đàm Canh chỉ có con trai thứ năm là Đàm Xây (nay đã 73 tuổi, tên Việt là Huỳnh Tô Tử, theo họ mẹ) nối nghiệp tiền nhân về võ thuật và y học. Đáng buồn là sau nửa thế kỷ chiến tranh loạn lạc, cái tên Trung Sơn đường lừng lẫy đã không còn tồn tại. Ông Đàm Xây hiện chữa trật đả theo phương pháp y học cổ truyền, vì nhiều lý do, ông không còn dạy võ dẫu biết rằng tuyệt đỉnh công phu Bát quái côn của tiền nhân sẽ thất truyền theo thời gian.
Nguồn NTO