Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi
Học võ không chỉ là luyện rèn thân thể, còn là mài bén tư duy, đào sâu tư tưởng; không chỉ thông qua hành động, mà còn qua lời ăn tiếng nói… Sau đây là đoạn đối đáp hoàn toàn bất ngờ nhưng thú vị giữa hai cha con khi một dịp tôi qua thăm ông.
– Hoàng Thiếu, theo tướng số thì sắc diện con là dị tướng, cặp mắt sắc lạnh của con cho thấy con tuy là người hay nhẫn nhịn, nhưng khi vào đường cùng, như 1 con chó có thể nhe răng cắn trả. Mà lại dựa theo những đấu pháp này xuất chiêu thì hậu quả khôn lường.
– Cha, cha chỉ nói đúng con của ngày xưa. Xưa kia con lấy đánh lộn chửi thề làm vui, đàn núm bạn xấu thường làm điều mất dạy nhưng từ lúc con học võ đã thấu hiểu nhiều điều. Từ ngày con phát tâm theo nghiệp võ thì tâm tính con theo khuôn phép của người luyện võ mà dần hiền hòa, con gần như hoàn toàn đoạn tuyệt chuyện đánh lộn chửi thề từ 5 năm trước trở lại đây. Gần đây con đã quy y Tam Bảo, cùng chính nhờ võ thuật đã đưa con về với Chánh Đạo. Vậy nên theo cha thì con đang làm điều tốt, hay con đang làm điều xấu đây?
Đã từ lâu, con không tin tướng số nữa. 25 năm cuộc đời con, cũng từng gặp người vẻ ngoài diện mạo đẹp đẽ, phúc hậu nhưng lòng lang dạ sói, những mẫu người ấy trên báo đài cũng đầy rẫy. Xét về công phu thì bất chấp hình tướng, con thấy Người cũng như công phu vậy, không thể nhìn vẻ ngoài mà biết được bên trong.Lẽ nào một đời người của cha chưa từng gặp người nào vậy hay sao? Con không dám trách cha, nhưng con không nghĩ một người như cha lại Trông mặt mà bắt hình dung.
– Lỡ như ra đường, người ta muốn đánh con thì con làm sao?
– Điều này con từng nghĩ qua, con thấy Con Nhà Võ nên có 4 cách xử lý tình huống:
1: Nói lý với người Trí, vì đôi chút hiểu lầm mà không được giải thích rõ ràng sẽ dẫn đến bé xé to, nên chỉ cần dùng lời lẽ ôn hòa khéo léo chỉ cho họ thấy điều đó, người Trí hiểu sẽ bỏ qua.
2: Nhịn với người Ngu, kẻ ngu thường để cái tôi, cái kém hiểu biết lấn át tâm tính, đôi khi vì sĩ diện, nuông chiều cảm xúc mà dễ dàng gây hấn, Con Nhà Võ nên hiểu vậy mà nhịn lấy, nhẫn 1 lúc sóng yên bể lặng, lùi 1 bước biển rộng trời cao.
3: Chạy với kẻ hung hăng, nếu gặp kẻ hung hăng chặn đường mà đánh thì tốt nhất nên chạy, Con Nhà Võ tự ý thức được cái hàm ý của Chạy. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, dù là con cắc ké cũng chẳng nên dẫm nó, vừa dơ chân vừa nặng thêm nghiệp. Cũng như kẻ không biết võ thì ham hố đánh đấm, phô trương thể hiện còn người tinh thông thì khéo léo cẩn trọng trong từng cử động vì đoạt mạng người dễ như trở bàn tay. Đánh chết người thì tâm ta không còn thanh thản, vào ngục mang gông, cũng chẳng sung sướng gì, oán báo oán, oán oán tương lai, lấy ân báo oán, oán tự tiêu trừ, phúc càng trẩy lộc.
4: Đánh với kẻ nguy hiểm, trong trường hợp bất đắc dĩ, không còn đường chạy mà đối thủ cầm hung khí có thể nguy hiểm tính mạng thì mới buộc lòng đánh lại, nhưng cấm kỵ tước đoạt mạng sống của hắn. Dù phải đánh hắn què giò, gãy tay vẫn phải để hắn sống, vì làm người ai cũng từng lầm lỗi, và cũng muốn sửa lỗi.
– Nhưng có những khi con càng nhịn, chúng càng lấn tới, càng chọc tức con, con nhịn không được?
– (Cười) Nếu lúc ấy có cục gạch nào ở đó, con chỉ cần chặt bể là nó sợ bỏ chạy chứ gì.
– Cá tính của con không phải như vậy, khi chúng ức hiếp thì người không biết võ sẽ sợ mà chạy, hoặc ôm đầu chịu đòn, nhưng con sẽ nghĩ rằng: Ta có nghề mà mắc gì phải chạy, con sẽ không chặt gạch mà con sẽ đánh thị uy nó 1 đòn, cho nó biết là ta đây có võ, không dễ bắt nạt. Cha thấy con là người như vậy.
– (Cười gượng) Cha nói rất đúng suy nghĩ của con. (Tự nghĩ – Tất nhiên con cần thời gian để thực hành điều con đã ngộ ra).
– Nhưng chỉ cần 1 phút nóng giận, con tinh luyện đấu pháp này thì việc đoạt mạng người khác là việc dễ xảy ra! Lẽ nào cha dạy con 1 đấu pháp, con có thể đang đánh mà ngưng? Con sẽ đánh hết đòn thôi.
– Im lặng 1 hồi. Trước khi đánh người thì phải học cách điều khiển tay chân mình trước. Muốn đánh là đánh, muốn dừng là dừng, muốn 5 phần công lực là 5 phần đạo lý này lẽ nào 1 người khi luyện lên cảnh giới cao không hiểu?
– Tình huống không bao giờ giống như sự sắp đặt của con… Một chút nóng giận sẽ làm con quên tất cả.
– Im lặng, vì biết nói nữa cũng vô ích.
– Con giống như cha ngày xưa vậy, con còn quá trẻ.
– Gật gù, 25 với 65, cách 1 trời 1 vực… Ý cha là cha từng nghĩ giống con, nhưng lại làm khác đi?
– Gật đầu, vậy nên con đừng mộng tưởng, huyệt cứu người, cha sẽ dạy con, còn huyệt hại người, con nên quên đi.
– Thưa cha, người theo đuổi 1 lĩnh vực nào cũng mong mình đạt được cảnh giới. Hài nhi cũng hiểu được là muốn dạy hay không là do thầy, con chỉ biết 1 lòng thành tâm.
– Có khi nào mày học xong rồi bỏ tao không Thiếu?
– Lỡ như cha tự thấy tâm can bất an, nhận thấy con có gì gian dối, cha có thể dừng việc dạy dỗ con bất cứ lúc nào. Còn với con, đã dành tình cảm thật lòng cho nhau, dù không được học với cha lâu dài, hài nhi tự hiểu đó là phước duyên của con ngắn ngủi, nhưng sau này dẫu không gặp được nhau, nghĩ lại, hay có duyên gặp lại, cha vẫn là cha của con.
– Đợi đến 10 năm sau đi, khi nào mày lập gia đình, nếu tao còn sống, tao sẽ dạy mày những điều cao hơn, vì đó là lúc mày đã chính chắn hơn. Tao nói rõ lòng cho mày hiểu, lỡ 1 ngày tao không dạy nữa, mày cũng không thể trách tao.
– Cười mỉm, con giận là là con không hiểu tình cảm của cha dành cho con. Cha vì lo con trẻ dại, vì tốt cho con nên mới làm như vậy, con không cảm ơn cha sao lại còn trách cha? Lòng con không khởi sự sân hận nào với cha cả. Vì con chưa từng trải như cha, nhưng những lời cha nói hài nhi sẽ ghi nhớ, sẽ suy ngẫm về những điều này.
Nhân dịp gặp cha.
Hoàng Thiếu/ Pleiku, Gia lai