Cà phê võ thuật (Kì 7) – “Thầy hơn trò”

Cà phê võ thuật (Kì 6) – Yêu võ

“6 kì Cà phê võ thuật trước đây khiến tôi nhận ra rằng quý độc giả hiện đại yêu chuộng những câu chuyện hơn các thông tin khô khan về võ thuât. Tôi cho rằng những câu chuyện cũng là những thông tin, những dữ liệu có tâm hồn và đầy tính truyền cảm. Là một người cầm bút, tôi rất vinh dự khi có thể làm điều mà những độc giả yêu quý của mình cảm thấy thích thú. Lòng vòng là thế, thực ra tôi đang tìm một cái cớ…có duyên một chút để bắt đầu Cà phê võ thuật kì 7 – bằng một câu chuyện khác…”

Hẳn là quý độc giả đều biết đến Khổng Tử – một trong những bậc danh nhân có ảnh hưởng lớn nhất văn hóa Trung Hoa nói riêng và Á Đông nói chung – nhiều lời dạy của ông được cả giới triết học phương Tây thừa nhận và học hỏi.

Triết học…nghe có vẻ hơi cao xa. Vậy thì câu chuyện mà tôi đã đọc và mạn phép trích lược ra đây sẽ dân dã hơn một chút – có thể sẽ khác một chút với những gì mà quý độc giả có thể đã được đọc đâu đó, một văn bản nghiêm túc và chính thống. Nhưng tôi tin rằng quý độc giả sẽ không phiền lòng về sự dân dã này:

mr-miyagi-the-karate-kid-630-75-560x324
Karate Kid (1984) – một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh võ thuật với nội dung khắc họa sâu đậm những ảnh hưởng của người thầy trong việc luyện tập võ thuật.

“Có một lần, học trò của Khổng Tử nói:
– Thưa thầy. Kiến thức của thầy thật uyên thâm. Trò cảm thấy cả cuộc đời này không thể nào sánh được với thầy.
Chuyện “thầy hơn trò” có lẽ là định kiến của xã hội phong kiến (thậm chí cả hiện đại). Thế nhưng, Khổng Tử đã trả lời học của mình như thế này:
– Bây giờ con không thể bằng thầy. Sau này con làm thầy, học trò con cũng cảm thấy không thể bằng con. Vài chục năm nữa, vài trăm năm nữa, sự học của dân tộc này sẽ đi xuống đến mức nào?”

Hơi vô duyên một chút, nhưng tôi xin phép kết thúc câu chuyện trích dẫn ở ngay đó – không một câu trả lời nào hết. Chúng ta sẽ để dành điều đó cho phần sau.

Câu chuyện của Khổng Tử và học trò là một câu chuyện không hề liên quan đến võ thuật. Nhưng nếu ngẫm kĩ lại…à thực sự nó cũng chẳng liên quan gì tới võ thuật. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là suy diễn nó ở một cách nhìn rộng hơn – để nhìn thấy sự liên hệ đến võ thuật. Giả dụ như thế này:

Người võ sinh: Thưa thầy, tài năng võ thuật của thầy thật là điều đáng ngưỡng mộ. Cả đời con chắc không thể được như thầy.

Người thầy võ: Hôm nay con tự thấy con không thể bằng thầy. Sau này con làm thầy, học trò cũng cảm thấy không thể bằng con. Vài trăm năm nữa, nền võ học của dân tộc này sẽ đi xuống đến mức nào?

Post-Barrington-Martial-Arts

Tôi dám cá cược một ly cà phê với bạn rằng trong cuộc đời bạn, ít nhất đã có đôi lần bạn nghĩ rằng bạn không thể sánh bằng người thầy của mình. Chắc chắn rằng bạn đã từng.

Câu chuyện ở trên gợi mở cho tôi (và có lẽ có nhiều bạn đọc cùng suy nghĩ) về nguyên lý quan trọng nhất trong sự tiến bộ của nền võ học nhân loại. (À rồi, tôi lại đụng tới vấn đề quá cao xa…)

Thôi thì một lần nữa, tôi xin mạn phép vô duyên một lần nữa được kết thúc Cà phê võ thuật kì 7 ở đây, với những dấu hỏi bỏ lửng, những suy nghĩ bỏ lửng và nhường những câu trả lời (tôi mong rằng không bị bỏ lửng)  lại cho quý độc giả.

“Chúng ta bắt đầu con đường võ thuật với một tâm hồn đầy sợ hãi, hai nắm đấm yếu mềm và một trái tim còn nhiều do dự. Thầy cho ta tất cả những điều lớn lao như chính võ thuật mang đến cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục tự ti dưới cái bóng cao cả của người thầy, ngày mai, nền võ học này sẽ như thế nào?”

 

Hồ Võ