Đấy là cảm xúc chung của những tác giả đã đến với lễ trao thưởng cuộc thi viết “Võ thuật trong trái tim tôi” do Báo điện tử Võ thuật VoThuat.vn phối hợp cùng Công ty Thăng Long tổ chức lễ trao giải vào sáng ngày 3/5 tại Press Coffee, Trung tâm TDTT Hoa Lư.
Cảm xúc của những người trong cuộc
Từ tận thủ đô Hà Nội, bạn Nghiêm Như Ngọc, tác giả đoạt giải Khuyến Khích qua bài Tán thủ cho tôi những cung bậc cảm xúc của Giai đoạn 1 đã đáp máy bay đến TPHCM từ sáng ngày 2/5, một ngày trước khi sự kiện diễn ra. Chàng võ sĩ tán thủ wushu cao 1m83 này không khỏi ngỡ ngàng trước không khí cuồng nhiệt của các fan VoThuat.vn và Boxing trước sự kiện này (được tổ chức song hành cùng trận đấu thế kỷ giữa Pacquiao và Mayweather). Như Ngọc chia sẻ đầy triết lý: “Cái nóng thời tiết của TPHCM có thể không bằng Hà Nội nhưng cái nóng về tình yêu võ thuật của người Sài Gòn có thể hừng hực hơn”.
Câu chuyện kết nối giữa VoThuat.vn và Như Ngọc bắt đầu từ một ngày mùa đông lạnh lẽo trên đất Hà thành cách đây 4 tháng. Ngọc nhớ như in: “Đấy là thời điểm cận Noel, đất Bắc rất lạnh. Cái lạnh ùa về khiến tôi nhớ đến những đồng môn, những người thầy trong lớp võ của mình”. Thế rồi Ngọc chấp bút viết và quyết định gửi bài dự thi lên Vothuat.vn. “Tôi viết không phải để dự thi, mà để chia sẻ lòng mình, chia sẻ cảm xúc của mình với võ thuật, với mọi người. Có thể nói, cho đến nay, tại Việt Nam, báo Điện tử Võ thuật là cầu nối duy nhất giúp tôi thực hiện được điều đó”, Như Ngọc chia sẻ.
Đồng quan điểm với bạn Như Ngọc, tác giả Phan Ngọc Yến Nhi (giải 3 giai đoạn 2 với bài viết: Tôi yêu cả hai màu áo ) chia sẻ: “Có thể khẳng định, báo điện tử Võ thuật, VoThuat.vn là nơi kết nối những con tim yêu võ. Tôi xin cám ơn BTC đã tạo ra cầu nối cho những người yêu võ chúng tôi. Xin chia vui về thành công của hoạt động có ý nghĩa thông qua hai đợt thi viết có tiếng vang. Chân thành cảm ơn những người tâm huyết đã lao động cực nhọc vì cái chung của sự nghiệp võ thuật Việt Nam”. Phan Ngọc Yến Nhi đến với lễ trao giải cùng các đồng môn Vovinam tại CLB Vovinam ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM, đây cũng là một “hội nhóm” đặc biệt, đã tích cực đóng góp hơn 20 bài thi trong tổng số gần 800 bài dự thi tham gia cuộc thi viết lần này.
Tác giả Ngô Hoàng Phương Linh (giải khuyến khích gia đoạn 1 qua bài Vovinam – sống đẹp nghĩa là cống hiến) cũng là một trong số đó. Phương Linh không giấu niềm tự hào khi đóng góp một phần nhỏ của mình vào thành công chung của cuộc thi viết lần này. “Quan trọng hơn hết, qua Vothuat.vn và qua cuộc thi, những con tim yêu võ có cơ hội bùng cháy và thể hiện tình yêu mãnh liệt của mình trong cộng đồng võ Việt”, Linh chia sẻ. Cô gái nhỏ nhắn sinh trưởng tại vùng quê nghèo Phú Yên phát hiện ra chi tiết thú vị. “Tôi luôn tự hào là một người Phú Yên, một địa danh lịch sử gắn liền với những tấm gương vượt khó. Càng thú vị hơn khi biết tin người đoạt giải nhất giai đoạn 2 cũng là một HLV Taekwondo người Phú Yên – tác giả Nguyễn Thành Trì với bài Cậu học trò nghèo bên chiếc giường tre của Ngoại – bài viết đầy xúc cảm về một cậu bé Phú Yên mê võ thuật. Một minh chứng cho thấy tình yêu võ thuật vô bờ bến của người Việt Nam nói chung và người Phú Yên nói riêng. Một lần nữa, xin cám ơn VoThuat.vn đã là cầu nối giúp những người yêu võ xích lại gần nhau”, Linh tự hào kết luận.
Chạm vào trái tim
Kể từ ngày phát động cuộc thi viết Võ thuật trong trái tim tôi – với tổng giải thưởng 25 triệu đồng (từ 01/10/2014 đến 20/4/2015), báo điện tử Võ thuật VoThuat.vn và Diễn đàn võ thuật (Martial Arts forum) nhận được gần 800 bài dự thi kèm những lời đóng góp ý kiến chân tình của đông đảo bạn đọc yêu thích võ thuật xa gần, cả trong lẫn ngoài nước.
Cuộc thi được chia làm 2 giai đoạn cũng chính là thời khắc mà BTC nhận được những cảm xúc đặc biệt từ người hâm mộ. Có thể chia tỷ lệ người dự thi là 2 đối tượng: yêu – võ – nhưng – không- tập-võ (20%) và những người luyện tập võ thuật thường xuyên (80%). Kết quả cũng đã rõ, những gương mặt đoạt giải đều là “văn – võ – song – toàn”. Có thể khẳng định, chính tình yêu võ thuật đã giúp mạch cảm xúc không ngừng tuôn chảy trong các tác giả để “múa bút” và cho ra đời những bài viết đầy xúc cảm võ nghệ. Có lẽ, chỉ có một con tim yêu võ mới có thể “chạm” đến những cảm xúc như thế này:
“Tôi cũng không hiểu được sao tôi ghét cái thứ nhạc ầm ĩ ồn ào mà lại có thể mê mẩn cái ồn ào của võ thuật. Tôi chẳng biết một môn võ nào, vì hơn hết là tôi sợ đau. Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến sự thích và sự ngưỡng mộ của tôi dành cho võ thuật.”_Hà Dinh
“Vì sao tôi sống? Vì đất nước cần một trái tim”. Điều mà tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải khắc cốt ghi tâm “sống đẹp nghĩa là cống hiến” Vovinam không chỉ dạy võ mà còn dạy cả cách dung hòa với đạo làm người…” _Phương Linh
“Tán thủ mang đến cho tôi những cảm giác đặc biệt, đó là cảm giác sung sướng được uống ngụm nước lọc khi vừa hoàn thành chuỗi bài tập khắc nghiệt, đó là những ngụm nước ngon nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng uống”_ Như Ngọc
“Con đường võ học là con đường dài vô tận, sự gặp gỡ của thầy trò ngay trên sân chùa này cũng bởi cơ duyên hội ngộ mà có. Người dạy cho các em là người mỗi ngày thắp cho các em một đốm lửa, đốm lửa ấy sẽ do chính các em thổi bùng lên thành nhiệt huyết, thành hành trang để đi trọn kiếp người.”_Thu Thanh
“Tôi yêu sân võ đầy sỏi và chẳng có lấy một tấm đệm, tôi yêu những buổi tập mưa bất chợt đến, tôi yêu những giờ khởi động đẫm mồ hôi, yêu luôn cả những vũ khí độc nhất vô nhị mà thầy đã đặt nơi ông thợ mộc bởi chúng tôi chẳng thể mua nổi chúng, yêu cả những người bạn đồng môn mà xe đạp đi là phải bốn bánh… Thật đơn giản, nhưng lại vô cùng thân thương.”_ Yến Nhi
“Tôi không gọi ông là Lý Tiểu Long như nhiều người vẫn gọi, chỉ gọi ông là Long thôi – một cái tên gần gũi và thân thiết. Mặc dù ông là bậc ông, bậc cha, chú của tôi. Dẫu vậy, chưa bao giờ tôi nghĩ về Long ở hình ảnh một ông già 73 tuổi, chưa bao giờ nghĩ tóc Long bạc và ông sẽ ngừng nghỉ việc thể hiện võ thuật trên màn ảnh. “Long ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ khi ở đỉnh cao sự nghiệp như vậy là một sự mất mát cho giới điện ảnh – võ nghệ, hay chính là nút thắt cuối cùng nên có của một con người xuất chúng!?”. Có lẽ cũng vì thế, ông đã trở thành huyền thoại của mọi huyền thoại!”_ Thanh Hòa
Hiếu Dân