8 bộ phim võ thuật làm nên tên tuổi Ngô Kinh

Trước “Wolf Warriors” và “SPL II: A Time for Consequences”, Ngô Kinh từng nhiều lần chinh phục người hâm mộ thể loại phim hành động võ thuật.

Sinh năm 1974, Ngô Kinh được coi là ngôi sao hành động mới của dòng phim võ thuật Hong Kong sau những Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan hay Triệu Văn Trác. Trong suốt gần 20 năm sự nghiệp, anh có nhiều màn trình diễn khó quên và đem đến nhiều cảm xúc cho người hâm mộ.

Tai Chi Boxer (Thái Cực quyền) (1996)

Hình ảnh Ngô Kinh trong buổi đầu sự nghiệp.
Hình ảnh Ngô Kinh trong buổi đầu sự nghiệp.

Năm 1995, khi còn đang theo học tại trường Thể dục Thể thao Bắc Kinh, chàng môn sinh trẻ tuổi Ngô Kinh được đạo diễn lừng danh Viên Hòa Bình lựa chọn cho vai chính nặng ký của tác phẩm Thái Cực Quyền.

Vai diễn đầu đời của Ngô Kinh bị đánh giá là còn non nớt và có phần cường điệu. Nhưng bù lại, nhờ khả năng võ thuật được đào tạo bài bản, anh thành công trong việc đem đến những pha hành động đẹp mắt. Bên cạnh đó, gương mặt ngây thơ, trong sáng thuở đó của anh cũng góp phần đem lại luồng gió mới cho thể loại phim võ thuật Hong Kong.

Thành công bước đầu trong làng điện ảnh đưa Ngô Kinh rời khỏi trường lớp để đi vào con đường diễn xuất chuyên nghiệp.

Drunken Monkey (Túy Mã Lưu) (2003)

Sau một thời gian gây dựng sự nghiệp trên sóng truyền hình, Ngô Kinh trở lại màn ảnh rộng với tác phẩm tiên hiệp Thục Sơn Truyện, và đặc biệt là bộ phim võ thuật hợp tác với đạo diễn Lưu Gia Lương mang tên Túy Mã Lưu.

Các pha hành động kết hợp giữa hầu quyền và túy quyền được Ngô Kinh thể hiện khá đặc sắc và sáng tạo. Tuy nhiên, bản thân bộ phim không gặt hái được thành công như mong đợi do bị ảnh hưởng quá nhiều từ phong cách hành động hài của Thành Long. Cách làm phim kiểu cũ cũng khiếnTúy Mã Lưu trở nên lạc thời so với thị hiếu khán giả đầu thế kỷ XXI.

SPL (Sát Phá Lang) (2005)

Sát Phá Lang được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của Ngô Kinh. Jack – tên sát thủ tàn bạo, máu lạnh, với nụ cười dị tà thường trực trên môi – là vai phản diện đầu tiên dành cho anh.

Ngoài ra, với Sát Phá Lang, Ngô Kinh cũng bắt đầu thay đổi lối diễn xuất hành động. Không còn phong cách mang nặng tính hoa mĩ như trước đó, anh lúc này trở nên chân thực và gai góc hơn.

Trận đấu tay đôi giữa Ngô Kinh và Chân Tử Đan ở gần cuối phim thường được đánh giá là một trong những màn giao đấu ấn tượng nhất trong lịch sử phim hành động Hong Kong.

Fatal Contact (Hắc quyền) (2006)

Thành công của Sát Phá Lang giúp Ngô Kinh được nhiều nhà làm phim điện ảnh Hoa ngữ chú ý tới hơn. Năm 2006, anh sắm vai chính trong Hắc quyền, một tác phẩm của đạo diễn La Thủ Diệu.

Nội dung bộ phim không có nhiều điểm nhấn. Nhưng bù lại, Ngô Kinh có cơ hội thỏa sức thể hiện tài năng võ thuật, khiến khán giả mãn nhãn với hàng loạt những trận giao đấu ác liệt trong thế giới ngầm được xây dựng công phu và chân thực.

Invisible Target (Nam nhi bản sắc) (2007)

https://www.youtube.com/watch?v=WeUYGuirsks

Trong Nam nhi bản sắc, Ngô Kinh trở lại thử sức với tuyến phản diện khi vào vai ông trùm của băng đảng tội phạm khét tiếng xứ Hương Cảng.

Ngoài ngôi sao võ thuật, bộ phim còn quy tụ dàn diễn viên trẻ có thực lực bao gồm Tạ Đình Phong, Dư Văn Lạc và Phùng Tổ Danh. Dù mang đến nhiều nét sáng tạo trong võ thuật, Ngô Kinh vẫn bị đánh giá là chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của Sát Phá Lang khi tham gia Nam nhi bản sắc.

Fatal Move (Đoạt soái) (2008)

Đoạt soái đánh dấu cuộc tái ngộ của Ngô Kinh với Hồng Kim Bảo và Nhậm Đạt Hoa kể từ sau Sát Phá Lang. Bộ phim ra mắt năm 2008, kể lại cuộc chiến đẫm máu tranh giành quyền lực của các băng đảng xã hội đen Hong Kong hiện đại.

Ban đầu, các nhà sản xuất từng định biến Đoạt soái trở thành phần tiền truyện cho Sát Phá Lang nên vai diễn của Ngô Kinh trong bộ phim mới có phần lặp lại hình ảnh của tên sát thủ máu lạnh Jack. Trong một vai diễn không mang nhiều tính đột phá, anh chỉ được ca ngợi qua màn giao đấu bằng binh khí với Hồng Kim Bảo ở cuối phim.

Legendary Assassin (Lang nha) (2008)

Lang nha đánh dấu lần thử sức đầu tiên của Ngô Kinh trong vai trò đồng đạo diễn, kiêm diễn viên chính. Trong phim, anh vào vai Bố Đồng Lâm – một sát thủ chuyên nghiệp – vô tình bị vướng vào cuộc đối đầu với băng đảng tội phạm để bảo vệ một nữ cảnh sát trẻ.

Ngô Kinh thêm một lần nữa đem đến những pha hành động ấn tượng cho người hâm mộ qua Lang Nha, đặc biệt là màn đối đầu một chọi trăm vô tiền khoáng hậu dưới mưa ở cuối phim. Dù không được đánh giá cao về nội dung, phim là điểm khởi đầu thuận lợi đối với sự nghiệp đạo diễn của Ngô Kinh.

Shaolin (Tân Thiếu Lâm tự) (2011)

Sau Lang nha, Ngô Kinh không có vai diễn nào đáng kể cho đến Tân Thiếu Lâm tự của đạo diễn Trần Mộc Thắng.

Bên cạnh dàn sao hạng A gồm Lưu Đức Hoa, Tạ Đình Phong, Phạm Băng Băng, lại chỉ đóng một vai phụ nhỏ, nhưng nhờ diễn xuất tự nhiên và tinh tế, nhân vật võ tăng Thiếu Lâm Tịnh Năng kiên cường bất khuất của ngôi sao võ thuật vẫn đem lại không ít thiện cảm cho khán giả.

Theo T.L – Zing News