Sau trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nepal vừa qua, cộng đồng sư ni Drukpa (khoảng 300 người) đang tu học tại tự viện Druk Amitabha (phía Tây Thủ đô Kathmandu) đã từ chối sơ tán khỏi khu vực động đất để ở lại cứu giúp người dân. Điều thú vị là hàng ngày các ni sư này đã tập võ Việt Nam để rèn luyện sức khỏe và vận dụng võ Việt Nam vào thực hành thiền định.
“Chúng tôi không sợ hãi hay bật khóc”
Hội trường Naro Hall nằm trong khuôn viên ngôi tự viện là nơi các sư cô tu học và tập luyện võ thuật đã bị hư hại nặng, nhiều mảng tường lớn bị sập vỡ bởi trận động đất. Giống như người dân Nepal đang từng giờ, từng ngày kiên cường đương đầu với khổ đau, các sư ni Drukpa cũng đầy mạnh mẽ và quả cảm trong các hoạt động cứu trợ, sửa chữa lại những nơi thờ tự bị phá hủy. Một ni sư kể lại: “Khi thảm họa xảy đến, không ai trong chúng tôi hoảng hốt sợ hãi hay bật khóc. Chúng tôi di chuyển rất nhanh, né các mảng tường rơi và thoát khỏi tòa nhà”.
Những ngày tiếp sau đó, các dư chấn vẫn liên tiếp diễn ra, ngói rơi, tường đổ, mưa tầm tã nhưng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, các sư cô vẫn nhất quyết không sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm mà ở lại cứu trợ người dân. Mỗi ngày họ đi bộ đến các ngôi làng lân cận để giúp đào bới, tìm tài sản cho người dân và dọn dẹp các đống đổ nát. Họ còn phân phát gạo, ngũ cốc và giúp dựng lều cho những người ngủ ngoài đường. Ban ngày các sư cô lớn tuổi cầu nguyện cho linh hồn của những người thiệt mạng trong trận động đất. Buổi tối, họ tuần hành bên ngoài ni viện.
Các sư cô được cả thế giới biết đến với tên gọi “Sư Ni Kung-Fu”. Họ đã trưởng thành rất nhiều nhờ học võ thuật và thực hành thiền định trong Ni viện ở Kathmandu. Điều thú vị là việc luyện tập võ thuật để rèn luyện trí lực, thể lực cùng sự nhanh nhạy, khéo léo của các sư cô được khơi nguồn từ Việt Nam.
Năm 2008, Pháp Vương Gyalwang Drukpa sang thăm Việt Nam và chứng kiến các ni sư của Drukpa Việt Nam tại Đại Bảo tháp Tây Thiên, Vĩnh Phúc tập võ cổ truyền, Ngài quyết định đưa võ thuật vào chương trình hàng ngày của tự viện Druk. Pháp Vương đã mời một võ sư và bốn ni sư từ Việt Nam sang Nepal để giới thiệu giáo trình luyện tập. Đến nay, khoảng 200 ni sư tuổi từ 14 đến 22 ở 2 chi nhánh của tự viện tham gia luyện tập võ thuật hàng ngày. Họ vận dụng võ thuật vào thiền định và các hoạt động tình nguyện như hành hương bảo vệ môi trường, nhặt sạch rác thải độc hại, tuần hành phản đối việc sử dụng đồ nhựa tràn lan và đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ.
Cứu trợ là thiện hạnh trong cuộc đời tu học
Ni viện Druk Amitabha được xây dựng gần 30 năm trước bởi Pháp Vương Gyalwang Drukpa – người khởi xướng phong trào Live to Love (Sống để yêu thương), đồng thời là bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Drukpa (Phật giáo Kim cương thừa) tại Nepal. Ni viện là một ví dụ độc đáo về sự đảo ngược vai trò của nữ giới trong thế giới tu đạo.
Tại ni viện này, chư ni được hưởng một nền giáo dục hiện đại và thực hành tâm linh mà trước đây chỉ dành cho chư tăng. Tất cả những nỗ lực của Đức Pháp Vương đều vì tâm nguyện phát triển sự tự tin nơi nữ giới. Đức Pháp Vương cũng cho phép chư ni học và tập luyện võ thuật (nữ giới đã bị cấm luyện tập môn thể thao này trong hơn hai thế kỷ – pv). Các bài trình diễn võ thuật của chư ni đã được thế giới công nhận. Kênh tin tức BBC đã phát sóng và trình chiếu các bài võ thuật của chư ni. Hơn nữa, chư ni cũng trình diễn võ thuật tại Đại hội Thể thao Olympic Park ở London và Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu CERN ở Thụy Sĩ. Đây được xem là một cuộc cách mạng về bình đẳng giới ở Nepal.
Các chư ni rất lạc quan về sự thay đổi tích cực trong lối sống của họ mà võ thuật đem tới. Ni sư Jigmet Tontam Wangmo đã học võ được một số năm và nay trở thành người huấn luyện cho các ni sư khác. Ni sư Jigmet Migyur Palmo nói: “Võ thuật giúp chúng tôi hoạt bát, tự tin và điềm tĩnh hơn”.
Pháp Vương Drukpa cũng cho biết, thoạt đầu khi trận động đất xảy đến, Ngài nghĩ các sư cô sẽ bị chấn động nhiều, giống như hầu hết mọi người dân Nepal song thực tế các ni sư đã rất kiên cường ở lại tự viện và trợ giúp mọi người. Nhiều ni sư cảm thấy buồn vì trận động đất đã phá hủy một nơi rất thân thương đối với họ là hội trường Naro Hall. “Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn thực phẩm và mái nhà để che chắn. Chúng tôi còn đầy đủ hơn nhiều người khác và cần phải giúp đỡ họ. Đó mới là điều quan trọng”, một ni sư cho biết. Đối với các ni sư việc giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là những người dân chịu ảnh hưởng của trận động đất vừa qua cũng là một phần thiện hạnh trong cuộc đời tu học.
“Tôi vẫn luôn nhắc và kêu gọi chúng ta cần có ý thức tôn trọng lẫn nhau, không chỉ giữa con người mà còn đối với loài vật, cỏ cây và môi trường sống. Thảm họa động đất vừa qua khiến chúng ta có thể nghĩ, thiên nhiên đang nổi giận. Khắp hành tinh chúng ta đều đang phải gánh chịu những thảm họa thiên tai khác nhau. Chúng ta cần phải chung tay hành động. Những ngày vừa qua, tôi cảm thấy rất đau buồn song đồng thời tôi càng thấy phải quyết tâm hơn trong việc hướng đạo mọi người cần phải sống hòa hợp với thiên nhiên. Tâm nguyện của tôi là tất cả chúng ta nên chọn một ngôi làng hoặc một khu của Kathmandu để giúp đỡ, cung cấp thực phẩm và nơi trú ẩn cho người dân, qua đó khích lệ thêm nhiều người khác cùng phát tâm làm theo thiện hạnh này”.
Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Theo Lao Động