Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 4)

>>> Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 3)

(Chú thích: các niên kỉ trong phần này được ghi với hai kiểu là BE (Tức là Phật lịch) và CE (Tức là Dương lịch) để đảm bảo tính chính xác về các thông tin lịch sử).

Các triều vua Rama – thời hoàng kim của Muay Thái bắt đầu từ đây

Thời vua Rama I

Vua Pra Puttha Yord Fa Chula Loke, một vị vua vĩ đại. (B.E. 2325-2352, 1782-1809 CE)

Vua Rama I
Vua Rama I

Vua Rama I đã tự giác luyện tập võ thuật từ khi còn bé. Ông luôn tỏ ra vô cùng thích thú khi xem những trận đấu. Năm B.E. 2331 (1788 CE), có 2 anh em thương nhân người nước ngoài đã đến Băng Cốc, một phần của chuyến đi vòng quanh thế giới. Người em trai đã tuyên bố rằng, ông ta là một võ sĩ đã chiến thắng nhiều giải thưởng trên toàn thế giới, và ông ta bày tỏ ý định tham gia một giải đấu với những võ sĩ Thái. Lời thỉnh cầu này đến tai vua Rama I. Sau khi hỏi ý kiến Pra Raja Wangboworn – người đứng đầu Võ đường Hoàng gia lúc bấy giờ, vua Rama quyết định đặt ra giải thưởng 50 chang (khoảng 4,000 Baht bây giờ).

Pra Raja Wangboworn chọn một võ sĩ tên là Muen Han để thi đấu với võ sĩ nước ngoài. Trận đấu được tổ chức đằng sau chùa Phật Ngọc trong khuôn viên cung điện (địa danh này tới nay vẫn còn). Sàn đấu được làm rộng khoảng 20 mét vuông, và luật đấu không tính điểm, tức là đấu tới khi một người chịu thua hoặc không thể đứng dậy. Trước trận đấu, Muen Han đã bôi thảo dược lên cơ thể, đeo vòng hộ mệnh ở bắp tay – chiếc vòng mà một người bạn anh đã từng đeo.

Trận đấu bắt đầu, Muen Han nhận ra mình yếu thế khi tên võ sĩ nước ngoài cao hơn, nặng hơn, to con và khỏe hơn mình rất nhiều. Hắn liên tục tìm cách áp sát và sử dụng kĩ vật vật ngã hòng tìm cách bẻ gãy cổ và xương đòn của võ sĩ người Thái. Với kĩ thuật di chuyển nhuần nhuyễn và đôi chân nhanh nhẹn, Muen Han khôn ngoan chống lại chiến thuật áp sát của võ sĩ nước ngoài bằng cách đá nhấp từng đòn và nhanh chóng điều khiển được trận đấu. Khi tay võ sĩ người nước ngoài bắt đầu thấm mệt, Muen Han mới bắt đầu tiếp cận và sử dụng sở trường cận chiến vốn có của Muay Thái.

Chứng kiến cảnh đó, anh trai của tay võ sĩ nhảy lên võ đài và tham gia trận chiến 2 đánh 1. Điều này khiến đám đông trở nên giận dữ. Trong số những người xem cũng có rất nhiều người nước ngoài và họ bắt đầu ẩu đả với người Thái. Sau khi vụ lộn xộn được dẹp yên, hai tay thương nhân băng bó các vết thương và lên tàu rời Thái Lan.

Thời vua Rama II

Vua Pra Buddha Lert La Napa-Lai (B.E. 2352-2367, 1809-1824 CE)

Vua Rama II
Vua Rama II

Ngay từ khi còn trẻ, vua đã luyện tập ở võ đường Bang Wa Yai (trong Chùa Rakangkositaram, địa danh này vẫn còn) với những võ sư giỏi nhất, trong đó có cả đại tướng của quân đội Hoàng gia, đó là Somdet Prawanarat. Ở tuổi 16, ông tiếp tục học Muay ở Võ đường Hoàng gia. Và chính ông cũng là người đầu tiên đổi tên cho bộ môn võ thuật này, từ cái tên cổ Ram Mad Ram Muay thành “Muay Thai”. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, từ “MuayThai” chính thức được sử dụng.

Thời vua Rama III

Pra Nangklao (B.E. 2367-2394, 1824-1851 CE)

Vua Rama III học võ từ nhỏ ở Võ đường Hoàng Gia. Trong suốt thời gian ông trị vì, mọi thanh niên Thái đều cực kì yêu thích Muay. Họ học Muay và cách sử dụng kiếm của Khun Ying Moe (một nhân vật nổi tiếng đã từng lãnh đạo rất nhiều người phụ nữ Thái dũng cảm chống lại cuộc tấn công của Hoàng Tử Lào Anuwong vào thành phố Korat).

Thời vua Rama IV

Chomklao (B.E. 2394-2411, 1851-1868 CE)

Từ nhỏ, vua Rama IV đã muốn mình trở thành một võ sĩ, cũng như yêu thích các kĩ thuật chiến đấu bằng kiếm và gậy. Thỉnh thoảng, ông cũng tham gia đấu kiếm và gậy ở những cuộc thi trong các lễ hội xung quanh chùa Ngọc Phật. Thời gian này, Thái Lan tiếp nhận sự phát triển của thể thao và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, Muay Thái vẫn là bộ môn phổ biến và là biểu tượng lớn của nền văn hóa Thái Lan.

Thời vua Rama V

Vua Chulachomklao (B.E. 2411-2453, 1868-1910 CE)

Vua Rama V học võ tại Võ đường Hoàng gia với võ sư Luang Pola Yotanuyoke. Cũng như các đời vua trước, ông rất thích Muay Thái và thích xem các trận đấu. Ngày qua ngày, ông nuôi ý định rèn luyện mọi quan viên, binh lính trong Hoàng gia thành võ sĩ để họ có thể chiến đấu vì ông. Ông tổ chức nhiều cuộc thi để tuyển chọn đội Vệ binh Hoàng gia, nhằm phục vụ cho việc bảo vệ hoàng cung và chính quyền.

Vua Rama V đích thân công khai thừa nhận các giá trị của Muay Thái. Ông nâng tầm quan trọng của Muay Thái và khuyến khích các cuộc thi đấu được tổ chức. Ông cũng khuyến khích phát triển Muay Luang (Võ đường Hoàng gia) để huấn luyện các đấu sĩ trẻ, cũng như quản lý trật tự của những cuộc thi đấu Muay. Những bộ, viện của chính phủ phong kiến Thái Lan thường gửi người của mình đến Muay Luang để tham gia các trận đấu như một cách để thể hiện uy quyền và bản lĩnh thực sự. Người thắng cuộc sẽ được đích thân Vua thăng chức lên “Muen”, có nghĩa là quan nhất phẩm.


Vào năm B.E. 2430 (1887 CE), vua Rama V thành lập Học viện (tương đương với Bộ Giáo Dục trong các chính quyền hiện nay). Theo quyết định của Học Viện thời đó, Muay Thái được coi như một môn học bắt buộc của giáo dục thể chất, được dạy tại các trường học và tại Học viện quân đội Hoàng gia Prachufachomktao. Đây được coi là thời kì hoàng kim của Muay Thái.

(Còn tiếp…)

Hồ Võ