Thời Tự Đức (1847-1883), xã Tân Phước thuộc tổng Bình Thiện, nay là xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương, hãy còn là vùng rừng hoang vu, rậm rạp. Dân cư thưa thớt, chuyện người dân thường nhìn thấy những chú hổ, báo ra đường rình mồi, xuống sông uống nước, đôi khi trăng sáng, mở cửa thấy “ông ba mươi” ngồi lù lù trước cửa, tá hỏa tam tinh la làng, gõ trống làm náo động một vùng cũng là điều thường thấy. Ngoài ra, nạn cướp bóc, quậy phá của đám lục lâm thảo khấu từ đàng ngoài dạt vào làm ăn tại các tỉnh miền Đông do tên Văn Giang cầm đầu, cũng là mối lo của mọi nhà. Trời tối đến là mọi nhà đều tắt đèn đi ngủ. Đàn ông trai tráng lo gậy gộc phòng bị, đàn bà, trẻ nhỏ thì chuẩn bị đồ gõ để sẵn sàng phát hiệu ứng cứu khi có thú dữ hoặc cướp viếng nhà.
Vậy mà ở cạnh chốn rừng sâu, hoang vắng ấy lại mọc lên một quán rượu nhỏ ven rừng. Chủ nhân là một người đàn bà tuổi độ ba mươi. Bà có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mắt sáng với làn da ngăm đen và giọng nói miền ngoài (tương truyền bà là hậu duệ của một bộ tướng nhà Tây Sơn vào Tân Khánh lánh nạn, bà tên TRÀ, không rõ họ). Bà sống âm thầm một mình, và dọn hàng bán rượu cho đám thợ rừng để đắp đổi qua ngày.
Chuyện mở quán của bà đã làm xôn xao dư luận dân chúng trong vùng. Mọi người đều bảo bà thật to gan bạo phổi, dám giỡn mặt với tử thần…
Rồi đi theo năm tháng, mọi người cũng quen dần với sự xuất hiện của cái quán nhỏ đó. Cho đến một sáng nọ, mọi người lại xôn xao bàn tán kéo nhau theo sau đám quan lại đến quán của bà ta. Tất cả đều sững sờ chứng kiến một cảnh tượng độc nhất vô nhị. Nằm trước cái quán nhỏ kia là sáu người đàn ông to lớn, mặt mũi dữ tợn, hai tay đều bị trói chéo cánh gà đang nằm la rên rỉ. Đến bây giờ mọi người mới té ngửa ra rằng bà chủ quán bé nhỏ kia chính là một nữ cao thủ trong giới võ lâm. Đêm qua, trong lúc bà đang dọn dẹp hàng thì bọn cướp kéo đến quán bà để cướp phá. Chúng những tưởng người đàn bà bé nhỏ kia sẽ chịu khuất phục như những lần chúng vẫn cướp phá trong làng. Đứng trước mặt sáu tên cướp dữ tợn, người đàn bà “quần vận, yếm ngang” đã bình tĩnh sử dụng những tuyệt chiêu của võ thuật mà bấy lâu nay bà vẫn giấu kín và đã lần lượt hạ gục sáu tên cướp, sau đó bà cẩn thận trói chúng lại chờ sáng trình quan.
Tin bà chủ quán đánh cướp đã truyền lan khắp chốn. Mọi người đều tỏ lòng thán phục trước tài võ nghệ của bà, tiếng lành đồn xa, chả mấy chốc đã lan rộng khắp vùng. Người ta kéo nhau đến, tôn bà làm sư phụ và xin bà truyền dạy võ nghệ và kể từ đó bà bắt đầu thu nhận đồ đệ và truyền dạy hết các tinh hoa võ nghệ cho các đệ tử thân tín. Bà đã trở thành vị sáng tổ của môn phái Võ Lâm Bà Trà ngày nay một võ phái từng lừng danh trong giới võ lâm Nam Bộ với những chiến tích đá hổ, phá cướp…cũng như có nhiều võ sĩ tung hoành trên võ đài Trung Nam Bộ.
Đặc trưng kỹ thuật của võ phái Tân Khánh Bà Trà là lối tấn công phối hợp, liên hoàn những kỹ thuật đòn chân và đòn tay nhằm làm rối loạn sự phòng thủ của đối phương cũng như giúp cho sự tấn công đạt hiệu quả cao. Những đòn tay và đòn chân tung ra theo đường thẳng, có sức án ngự mọi sự tấn công đối phương được võ phái này chú trọng ngang với những đòn tay và đòn chân, cận chiến bằng kỹ thuật đầu gối, cùi chỏ, nắm đấm, cạnh bàn tay, ngón tay, ức bàn tay… Chính đặc điểm này đã giúp cho môn sinh của võ phái Tân Khánh Bà Trà có khả năng chiến đấu trong mọi tình huống.
Binh khí của võ phái Tân Khánh Bà Trà có đủ thập bát ban võ nghệ nhưng nổi tiếng nhất với roi và côn, là thứ binh khí làm từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương như: tre, tầm vông, gỗ căm xe, gỗ mật cật… Nhiều bậc tiền bối của võ phái Tân Khánh Bà Trà từng nổi danh với những đường roi, đường côn kỳ tuyệt đả bại nhiều cao thủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ.
Vothuat.info (tổng hợp)