Cà Phê Võ Thuật (Kì 15) – Lời nói của kẻ mạnh

Với tư cách là người đã dùng bao nhiêu năm ăn đấm, chịu đòn, sưng mắt và vêu mỏ để viết nên bài viết này, tôi chỉ có một điều duy nhất để nhắn nhủ: Xin hãy đọc hết bài viết này trước khi đặt tay xuống gõ bình luận.

> Cà Phê Võ Thuật (Kì 14): Tháng và năm, ưu và nhược

14 tuổi – tôi bắt đầu có chút “số má” trong lớp võ vì… tôi là em trai của huấn luyện viên phó. Hết! Kể cả cái đai tôi đang đeo cũng là thành quả của một thời gian dài cần mẫn luyện quyền chỉnh cước. Tôi chưa bao giờ thắng khi xỏ găng vào đấu với những người bạn khác.

Thỉnh thoảng, tôi cũng góp lời bình phẩm khi những người bạn cùng lớp đang luyện tập. Khi đó, trong lớp tôi có một gã tên X (dùng từ X cho nó bí ẩn thôi, chứ gã không phải tên Xuân đâu). Khi tôi đai đỏ thì gã đã đai đen, hơn tôi 2 hay 3 tuổi gì đấy. Gã không ưa tôi lắm. Cứ mỗi lần tôi bình luận thì gã lại cãi.

Đôi khi tranh cãi không dừng lại ở một lời phân định rõ ràng. Là dân chuyên quyền, tôi hiểu rõ các kĩ thuật – tôi cũng tin rằng gã không bao giờ đúng khi tranh cãi với tôi….

Có hôm tôi trở về nhà với cái sống mũi bên to bên nhỏ. X nã một cú tống sau vào mặt tôi khi chúng tôi tranh cãi về cách dùng chính đòn đó. Tôi còn nhớ lúc gã rời khỏi lớp, để lại tôi nằm quằn quại ngay đó: “Không làm được thì đừng to mồm”.

Anh trai tôi biết chuyện, nhưng không đuổi gã khỏi lớp như lời tôi đề nghị. Anh chỉ lắc đầu: “Chuyện này phức tạp lắm, em không hiểu đâu.”

“Danh dự của người võ sĩ nằm ở hành động, không phải lời nói” – Khuyết Danh

16 tuổi, tôi theo anh dắt đoàn đi thi đấu. Thực lòng mà nói thì tôi dựa hơi anh trai nên mới được đi. Ở giữa những trận đấu, anh thường dành thời gian chỉ đạo kĩ thuật và chiến thuật cho các học trò. Tự hào là người rất giỏi… lý thuyết, tôi cũng góp lời vào.

Đến trận đấu của X, gã bị đối thủ giã như cái mền rách. Khi gã bước ra võ đài, tôi buột miệng: “Có nhiều lúc không nói trước được, cơ hội quá đẹp luôn mà bỏ tiếc quá”. Gã ném thẳng chai nước vào người tôi: “Có giỏi ra đây đánh!”

18 tuổi, thỉnh thoảng tôi vẫn thay anh trai đứng lớp. Dạo đó bận nhiều. Học trò của chúng tôi là những đứa hết sức…lắm chuyện – chúng hay hỏi những đòn thế khó và yêu cầu tôi thực hiện.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy xấu hổ sau khi thực hiện một đòn đá bay xoay người cực khó. Tôi đáp đất bằng… mông trong tiếng cười của lũ trẻ.

Tôi bỏ tập mất mấy tháng. Tôi tránh né cả những cuộc hẹn trà chanh nước mía với những người bạn trong lớp. Tôi từ chối khi ai đó hỏi tôi về võ thuật. Tưởng chừng lúc đó tôi đã từ bỏ tất cả. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi vô dụng như vậy.

Có một đợt, tôi bỗng thấy anh trai tôi siêng năng lạ lùng. Anh chạy bộ mỗi sáng. Anh ra sân tập bất cứ khi nào có người, lấn sân sang cả ca dạy ngày lẻ của anh Th.– bạn thân anh trai tôi. Thỉnh thoảng, anh trở về nhà với cái mặt bầm – mỗi khi anh lên phòng tập của tỉnh xin đấu với các anh của đội tuyển.

Hỏi ra mới biết, ở dưới sân nhà thi đấu thành phố có một HLV khác, cũng dạy Taekwondo như anh em tôi, nhưng là người ở Sài Gòn xuống. Anh em tôi dạy ở nhà văn hóa. Vậy là thành phố này bỗng dưng có 2 câu lạc bộ Taekwondo cùng tồn tại.

Yếu tố “Kẻ thắng làm vua” đã tồn tại trong thế giới tự nhiên – không có gì quá khó hiểu khi điều này vẫn đúng trong xã hội loài người.

Ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở chỗ tôi, chuyện một rừng hai cọp là điều dễ hiểu, nhất là ở bộ môn phát triển rộng rãi như Taekwondo. Thế nhưng gã kia nhất quyết xin đấu với anh trai tôi – với sự chứng kiến của học trò của cả 2 bên.

Anh trai tôi hiểu đó là trận đấu danh dự. Tôi cũng hiểu điều đó, nếu anh trai tôi thua, tôi lo sợ học trò sẽ nghĩ khác về những gì chúng tôi đang giảng dạy. Rồi chúng tôi sẽ không còn tiếng nói. Rồi có thể vài đứa học trò của tôi sẽ bỏ xuống thi đấu học.

Tôi nhắc cho anh nhớ về chuyện của tôi với gã X. Anh gật đầu.

“Ừ, giờ mầy hiểu rồi đó. Kẻ thắng làm vua. Kẻ mạnh mới có tiếng nói. Võ thuật là vậy, bất kể có truyền dạy võ đạo như thế nào, nếu mầy không chứng minh được thực tài của mình, mầy vẫn là kẻ nói suông.”

Trận đấu ấy, anh trai tôi thua. Và mọi thứ diễn ra đúng như tôi đoán. Những đứa học trò của anh quay mặt đi khi anh đứng dậy quệt máu chảy xuống từ sống mũi. Và huấn luyện viên bên kia bắt đầu cao giọng giảng cho cả hai bên về kinh nghiệm chiến đấu.

Anh tôi vẫn đến lớp võ, nhưng khác đi nhiều. Ít nói hơn, ít giảng hơn. Anh Th. chắc cũng biết ý nên nói anh tôi nghỉ ngơi một thời gian.

Những ngày gần đây, anh tôi đang tập luyện trở lại để tái đấu – một trận đấu với danh nghĩa là giao hữu, nhưng lại là trận đấu của danh dự. Anh vẫn nuôi ý định lấy lại sức nặng trong lời nói của mình đối với học trò.

…………….

Câu chuyện trên đây tôi viết lại, phỏng theo lời kể của một người bạn thân tôi mạn phép được giấu tên. Nó nhắc tôi nhớ lại dòng đầu tiên tôi viết – những từ đầu tiên tôi viết cho chuyên mục Cà Phê Võ Thuật này:

“Võ thuật là võ thật – là những câu chuyện viết bằng mồ hôi, máu và nước mắt.”

Điều lớn lao nhất tôi nhận ra ở Võ Thuật rằng nó không phải là phạm trù để mọi người nói suông. Chúng ta có thể bàn về nó bên ly cà phê, nhưng tất cả nên bắt đầu từ sự thật. Người đấm được mới có quyền nói về cú đấm. Sự thật nghiệt ngã rằng Võ Thuật cũng tuân thủ một trong những quy luật khắc nghiệt nhất của cuộc đời: Kẻ thắng làm vua.

Là những yêu võ, chuộng võ, luyện võ, tất cả những gì chúng ta thực sự nên làm đó là rèn luyện bản lĩnh võ thuật cá nhân. Xây dựng danh dự, tư cách của chúng trong những cuộc trò chuyện võ thuật, nên xây dựng bằng chính mồ hôi, máu và nước mắt của chúng ta trên sân tập , sàn đấu.

Hãy chuẩn bị cho những trận đấu – những trận đấu sẽ phán quyết ta là kẻ “võ mồm” hay một võ sĩ thực thụ

Bất cứ ai cũng có thể nói suông. Nhưng không một ai có thể giữ được danh dự và niềm tin bằng những lời nói suông đó. Điều này càng đúng trong Võ Thuật. Võ Thuật tồn tại các khía cạnh Nhân Văn, Võ Đạo – đó là điều không thể chối cãi. Nhưng đừng quên Võ Thuật sinh ra ở giữa những cuộc đấu tranh khắc nghiệt nhất, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, và giữa con người với chính bản thân. Ở đó – một lần nữa tôi xin được nhắc lại – Kẻ Thắng Làm Vua!

 

Hồ Võ