Nhắc đến phong trào Taekwondo toàn quốc, chúng ta thường nhắc đến những đơn vị mạnh như TP.HCM, Hà Nội, Quân đội. Thế nhưng với những chiến thắng bất ngờ trong các mùa giải gần đây, với những tương lai “vàng” đang dần lớn lên và đem tinh thần võ thuật của mảnh đất phù sa sông Cửu Long ra những đấu trường quốc tế, chúng ta hôm nay sẽ phải nhắc tên một điểm sáng mới trên bản đồ Taekwondo Việt Nam – tỉnh An Giang.
Phút vinh quang của 3 cô gái vàng Taekwondo Việt Nam
ĐT Taekwondo Việt Nam chuẩn bị như thế nào cho SEA Games 28?
Từ cuộc soán ngôi bất ngờ…
Tại giải Taekwondo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra (21 – 24/5/2015), đội tuyển Taekwondo An Giang đã bất ngờ có màn soán ngôi ngoạn mục khi để Vĩnh Long dẫn trước bảng huy chương để rồi tự tay lấy lại vị trí đó với thế mạnh không thể chối cãi ở nội dung quyền.
Với 10 đội tuyển cấp tỉnh trên khắp vùng ĐBSCL tham gia tranh tài, Taekwondo An Giang đã tạo nên sự bất ngờ khi phong trào Taekwondo ĐBSCL vốn phát triển khá đồng đều, không có nhiều chênh lệch giữa các đội. Thế nhưng, theo anh Nguyễn Nhật Nam – HLV đội tuyển Taekwondo An Giang, kết quả này “là thành quả kết hợp từ nhiều yếu tố: sự xác định và chuẩn bị tinh thần lâu dài (từ đầu năm), sự cố gắng của thầy và trò cũng như những định hướng phù hợp vào việc phát triển thế mạnh ở nội dung quyền Taekwondo.”
…cho đến những giấc mơ “vàng” đã và đang trưởng thành
Nhắc đến Taekwondo An Giang, ta không thể không nhắc đến 2 cô gái vàng Ngô Thị Thùy Dung và Lê Trần Kim Uyên – hai người đã cùng đội tuyển Taekwondo Việt Nam tham dự Giải vô địch quyền Taekwondo thế giới được tổ chức tại Mexico từ ngày 30/10 – đến 2/11/2014. Ngay sau đó, các võ sĩ An Giang đóng góp 6 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ (riêng VĐV Ngô Thị Thùy Dung đoạt 2 HCV cá nhân nữ và đồng đội nữ quyền sáng tạo) cho tuyển Việt Nam tại Giải vô địch và trẻ Taekwondo Đông Nam Á lần XII-2015.
Video bài quyền đôi nam nữ của Ngô Thị Thùy Dung và Lê Thanh Trung tại giải Vô địch quyền Taekwondo Thế giới 2014 diễn ra tại Mexico:
Dù chưa đặt chân ra đấu trường quốc tế nhưng “thần đồng” Taekwondo Lâm Hải Triều cũng xứng đáng được xem là một trong những trụ cột tương lai của Taekwondo An Giang. Với khởi đầu là một võ sinh đai trắng Taekwondo bị gia đình thúc ép luyện võ để rèn luyện sức khỏe vào năm lớp 1, chưa đầy 6 năm sau, cậu bé 12 tuổi Lâm Hải Triều gặt hái được một “gia tài” mà nhiều đàn anh phải mơ ước: 2 HCV quyền tiêu chuẩn (đơn nam và đồng đội nam) Giải vô địch Taekwondo học sinh toàn quốc 3 năm liền (từ năm 2010 – 2013). Tuy nhiên, giải đấu năm 2014, em chỉ đạt 1 HCV quyền tiêu chuẩn (đơn nam) và 1 Huy chương bạc (HCB) quyền sáng tạo (đơn nam) khi để thua một VĐV trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ 4 tháng sau, Hải Triều đã giành lại chiếc HCV quyền sáng tạo từ chính đối thủ này tại Giải vô địch Taekwondo các lứa tuổi trẻ toàn quốc. Theo đánh giá của những người đã theo sát em từ những cú đá đầu tiên, 2018 có thể sẽ là thời điểm Hải Triều có cơ hội đầu tiên đặt chân ra đấu trường khu vực.
Sự phát triển bền vững của một phong trào võ thuật cần những thế hệ liên tiếp đủ khả năng kế thừa và phát huy. Đây là vấn đề tất yếu trong việc xây dựng bất cứ bộ môn võ thuật hay thể thao nào. Thế nhưng, đối với Taekwondo An Giang – có lẽ đây không còn là điều đáng lo ngại.
“Tỉnh nghèo thì nghèo, nhưng HLV và võ sinh phải có tâm huyết”
Có lẽ đó chính là chìa khóa thành công của Taekwondo An Giang – theo như lời cặp vợ chồng đầy gắn bó với bộ môn Taekwondo tỉnh An Giang : HLV Nguyễn Nhật Nam và trưởng bộ môn Nguyễn Bích Thủy.
Cách xa các trung tâm võ thuật lớn của nước nhà, điều kiện kinh tế còn hạn chế, thiếu nhiều giải đấu để cọ xát, học hỏi, các lứa võ sĩ trẻ phải san sẻ thời gian phụ giúp gia đình, học tập và tập luyện võ thuật…hầu như mọi yếu tố khách quan đều quay lưng chống lại sự phát triển của bộ môn Taekwondo nói riêng và các bộ môn thể thao tỉnh An Giang nói chung. Trong hoàn cảnh đó, có lẽ sức mạnh tinh thần là tài sản lớn thứ nhì. Từng bước đi của đôi chân trần trên sàn xi măng của ĐH An Giang, các sân tập ở nhà văn hóa, nhà thiếu nhi đều phải chứa đựng quyết tâm mạnh mẽ – nền tảng của những bước đi đầy kiêu hãnh trên đấu trường quốc tế.
Thứ tài sản lớn nhất chính là con người – sự thành bại của một bộ môn phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm kiếm và nuôi dưỡng nhân tài đúng cách – không phải bất cứ ai cũng có cái duyên tình cơ như Lâm Hải Triều. Chẳng hạn như với trường hợp của cô gái vàng Ngô Thị Thùy Dung – HLV Nguyễn Bích Thủy vẫn thường xuyên nhắc lại với sự tự hào việc “chấm” cô học trò có dáng người khỏe khoắn, hội đủ các tiêu chuẩn tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh ngay từ năm 2008. Khi đó, mặc dù Dung không đoạt huy chương nào nhưng em thể hiện bài thi quyền khá tốt và rất có hồn. Thế là, chị Nguyễn Bích Thủy đã thành công khi thuyết phục Dung xuống Long Xuyên tập luyện cùng đội năng khuyến Taekwondo tỉnh – mở ra trang đầu tiên trong sự nghiệp Taekwondo của cô gái sinh năm 1995.
Từ mảnh đất phù sa – nói chuyện “săn vàng” quốc tế
Câu chuyện của Taekwondo An Giang có thể mở ra rất nhiều vấn đề trong việc phát triển Taekwondo hiện nay. Với những điều kiện ít ỏi, thiếu thốn, An Giang vẫn “nuôi” được những giấc mơ vàng như thế, nhiều đơn vị võ thuật khác trên toàn quốc có lẽ nên bắt đầu rà soát lại về chiến lược phát triển phong trào, tránh tình trạng các đơn vị mạnh phải một tay một vai tự gánh vác cả nền võ thuật quốc gia.
Nhiều người vẫn thường tranh cãi về các vấn đề của phong trào võ thuật. Đối với một môn võ, yếu tố “phong trào” có thể ví như mặt đất dưới chân vậy – nền tảng của mọi hoạt động, từ phong trào ta mới có nhân tài, từ phong trào ta mới tạo được sức hút đối với cộng đồng, và từ phong trào mà ta có thể vô tình tìm thấy những tài năng chưa hé lộ. Đó là cách Taekwond An Giang đã làm – và làm rất thành công.
Hồ Võ