Nữ võ sư mở lò võ đầu tiên tại Sài Gòn

Gần 60 tuổi nhưng nữ võ sư Dương Thị Huệ vẫn đứng lớp đều đặn, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ cùng với mong muốn phát huy tinh hoa võ thuật Việt. 

Nói về duyên với võ, bà cho biết, do đam mê và theo học với thầy Nghiêm An Thạch của phái Lam Sơn từ năm 13 tuổi. Tuy nhiên, bà là một đệ tử không chỉ được sư phụ quý mến mà còn được tổ sư phái Lam Sơn là thầy Quách Văn Kế hết sức cưng chiều và truyền cho nhiều bí kíp võ công.

Chính vì thế, bà được mệnh danh là “đệ tử chân truyền” của tổ sư Quách Văn Kế. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà cùng một số võ sư mở những lớp đào tạo võ thuật đầu tiên tại TP.HCM. Tuy nhiên, việc làm này cũng không hề dễ dàng gì. Võ sư Huệ cho biết, tháng 4/1975, chúng ta giải phóng miền Nam thì đến tháng 6 đã xuất hiện phong trào rèn luyện thân thể.

vo su duong thi hue
Võ sư Dương Thị Huệ

“Lúc ấy, quận Bình Thạnh (ghép từ hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây) đã có một trung tâm thể dục thể thao với nhiều bộ môn (số 8, Phan Đăng Lưu ngày nay). Tại thời điểm đó, môn võ cổ truyền cũng đã được anh Nguyễn Quốc Tâm là võ sư phái Thái Cực Đạo mở một nhóm phong trào để rèn luyện thân thể. Nói cho đúng thì đấy cũng chỉ là những lớp học thể dục. Còn để xin phép mở võ đường thì quả rất khó khăn, vì tình hình đất nước mới giải phóng, còn nhiều ngổn ngang, phức tạp. Đặc biệt, nghe tin mở võ đường thì nhiều người e dè, sợ hãi. Một khi chưa ổn định được thì lỡ chẳng may có biến loạn, người ta lại nghi ngại tới dân võ nhiều nhất”, võ sư Huệ chia sẻ.

Sau đó một thời gian, thành phố mở một khóa trung cấp các môn thể dục thể thao cho tất cả các quận, huyện và tập trung về trường đua Phú Thọ để học. Đó là năm 1977, bà là một trong số ít người được học khóa này. Trong chín môn được huấn luyện thì có bộ môn võ cổ truyền. Học xong, bà tiếp tục về công tác tại trung tâm thể thao quận Bình Thạnh. Lúc này, bộ môn võ thuật được chia làm nhiều môn: Võ cổ truyền, Aikido, Judo… và bà được giao nhiệm vụ làm trưởng bộ môn Võ cổ truyền.

Tuy nhiên, khi mở bộ môn võ cổ truyền ra thì ai sẽ là người đứng lớp, trình độ, đẳng cấp như thế nào… là vấn đề nhức nhối nhất được đặt ra. Lúc đó, bà phải lăn lộn khắp nơi để tìm thầy huấn luyện. Không có cách nào nhanh hơn là tìm gặp lại những người đã từng luyện võ chung với mình, kêu gọi họ hãy vì đất nước, vì thế hệ trẻ tham gia vào công tác huấn luyện võ thuật. Trên tinh thần đó, những người biết được và thấu hiểu mục đích đặt ra, đặc biệt là có máu với võ, đã vui vẻ nhận lời.

Video phỏng vấn võ sư Dương Thị Huệ: 

https://www.youtube.com/watch?v=W20nUAXv_yc

Vothuat.info (tổng hợp)