Môn đấu vật núi Alps – niềm tự hào của người Thụy Sĩ

Lướt nhanh một lượt trên khắp thế giới, người ta có thể thấy rằng hầu như những vận động viên môn đấu vật có tầm cỡ, đều y như rằng, đã xuất thân từ những trường võ Judo hay Sumo của nước Nhật Bản. Thế nhưng vùng núi Alps của Thụy Sĩ, nơi cách Nhật Bản đến hàng ngàn dặm, có một môn đấu vật hình thành từ lâu đời, mà trong nó ít nhiều những điểm tương đồng với hai môn võ Judo và Sumo.

mon dau vat nui alps
Môn đấu vật núi Alps

Thật là kỳ thú khi tại vùng núi Alps của Thụy Sĩ, hàng năm, có khoảng 50 nhà vô địch trẻ tuổi của môn đấu vật cổ truyền địa phương tranh nhau ngôi vị vô địch quốc gia bằng những đòn ném vật giống như đòn taiotoshi của môn Judo hay những đòn nâng vác giống như đòn tsuridashi của môn Sumo. Cho nên có thể nói thế hệ Thụy Sĩ ngày nay hầu như không ai học môn Judo hay Sumo đến nơi đến chốn, mà họ chỉ học môn đấu vật ở vùng núi Alps của nước mình.

xuat hien hang tram nam nay
Xuất hiện hàng trăm năm nay

 

Cho đến nay, theo những tư liệu lịch sử lưu trữ, người ta vẫn chưa tìm thấy có một dấu hiệu nào chứng minh rằng đã có sự tiếp xúc giữa những vận động viên đấu vật của Thụy Sĩ với các vận động viên môn Judo và môn Sumo trong quá khứ. Nói khác đi, chưa có một chứng cớ nào cho thấy mối quan hệ giữa môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ với môn Judo và Sumo, dù rằng những môn này đã mang dấu ấn của nhau khi chúng cùng phát triển ở hai vùng đất cách biệt nhau trên hành tinh.

chua thay moi quan he nao giua mon vat thuy si va judo, sumo
Chưa có một chứng cớ nào cho thấy mối quan hệ giữa môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ với môn Judo và Sumo

Hơn thế, người ta còn thấy có một sự giống nhau giữa môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ với môn Sumo ở Hàn Quốc, một nước láng giềng của Nhật Bản. Đó là những người chiến thắng của giải đấu vật hàng năm ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ thường nhận giải thưởng là một con bê có mang một vòng hoa trên hai cái sừng để dẫn về nhà phục vụ công việc đồng áng sau đó. Điều này cũng xảy ra ở Hàn Quốc.

giai thuong la 1 con be mang vong hoa tren hai sung
Giải thưởng là một con bê có mang một vòng hoa trên hai cái sừng

Bên cạnh những điểm tương đồng như vừa nêu, môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ cũng có những điểm khác nhau với hai môn Judo và Sumo của Nhật Bản. Trước hết, môn Sumo của Nhật Bản vẫn còn vết tích chứng minh cội rễ cổ truyền của nó đã tồn tại trên 2000 năm. Trong khi đó, không ai biết môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ đã có từ bao giờ, bởi vẫn chưa có một tư liệu lịch sử nào liên quan với vấn đề này được tìm thấy. Người ta chỉ bảo nhau rằng môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ đã có hàng trăm năm rồi mà thôi !

nguoi thuy si da cung nhau giu gin tinh nguyen thuy cua mon dau vat nay trai qua biet bao the he
Người Thụy Sĩ đã cùng nhau giữ gìn tính nguyên thủy của môn đấu vật này trải qua biết bao thế hệ.

Mặt khác, những gì liên quan tới môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ vẫn chưa được sử sách nào ghi chép lại, mà nó chỉ được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng con đường truyền khẩu : Người cha dạy lại cho con trai của mình. Tuy vậy, những vận động viên môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ rất trân trọng đối với môn nghệ thuật truyền thống của quê hương mình. Từ đó, họ đã cùng nhau giữ gìn tính nguyên thủy của môn đấu vật này trải qua biết bao thế hệ.

Môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ có đặc điểm là mặc quần áo trong khi thi đấu. Những vận động viên môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ thường mang hai mảnh vải ngắn giống như đai lưng thêu màu mè của các vận động viên môn Sumo Nhật Bản, nhưng họ lại mặc thêm chiếc quần dài và áo thun tròng cổ có tay, không giống như các vận động viên Sumo của Nhật Bản hiếm khi mặc quần áo. Hay là do thời tiết giá lạnh của vùng núi cao nhất châu Âu ?

Tuy nhiên, có thể thấy rằng cách trang phục của những vận động viên môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ tương tự với trang phục những vận động viên môn Sumo ở Hàn Quốc ngày nay. Ngoài ra, những vận động viên của môn đấu vật của hai quốc gia Thụy Sĩ và Hàn Quốc đều mang vớ trong khi thi đấu để bảo vệ đôi chân. Điều này hoàn toàn khác biệt với tập quán người châu Âu và người phương Đông, bằng chứng là vận động viên môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ đều mang giày trong khi thi đấu ngược với việc để chân trần của các vận động viên môn Judo và Sumo của Nhật Bản.

Người Thụy Sĩ đã gìn giữ môn đấu vật ở vùng núi Alps của nước họ rất tâm huyết. Qua bộ môn nghệ thuật này, người Thụy Sĩ đã đề cao những kỹ năng như : Sự nhanh nhẹn, sự dũng mãnh và sự can đảm – những cái được xem như là các biểu tượng của tinh thần dân tộc. Ngày nay, môn đấu vật ở vùng núi Alps đã phát triển mạnh, tạo nên ảnh hưởng lớn lao trên mọi miền đất nước. Chẳng hạn như, môn đấu vật đã phát triển khá tiếng tăm ở các vùng : Bermese Alps, Emmental, Entlebuch và đặc biệt là vùng trung tâm của nước Thụy Sĩ

nguoi thuy si giu mon dau vat vung nui alps nuoc ho rat tam huyet
Người Thụy Sĩ đã gìn giữ môn đấu vật ở vùng núi Alps của nước họ rất tâm huyết

Môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ thường được mệnh danh là “sự đong đưa”, bởi hầu hết các cuộc thi đấu đều kết hợp với cuộc thi đấu môn ném đá. Trong thời gian thi đấu, người hâm mộ thường tập trung đến xem những vận động viên đua tài ném những tảng đá bay xa nhất, và khi ném như vậy, họ thường bị mất đà, làm cho thân thể như đang đong đưa trong không khí vậy!

Giải vô địch quốc gia môn đấu vật ở Thụy Sĩ thường tổ chức ở khu vực thung lũng Bermese Oberland có dãy núi Alps đẹp như thơ và cao nhất, với sự tham dự của khoảng 50 vận động viên gồm những nhà vô địch của 16 địa phương trong cả nước.

Các vận động viên tranh tài trên một sân đất có rắc mạt cưa, với chu vi từ 18 – 24 feet (đơn vị đo lường ở Châu Âu). Vận động viên Thụy Sĩ thi đấu môn vật truyền thống có rất nhiều hạng cân, trong phạm vi từ 163 pounds (tức khoảng 73kg) đến 265 pounds (tức khoảng 119kg), nhưng đến khi chung kết thì vấn đề trọng lượng họ không cần quan tâm nữa. Lúc đó mục tiêu duy nhất là ngôi vị vô địch quốc gia cùng với giải thưởng là một con bê dẫn về nhà !

Trong kỹ thuật thi đấu môn đấu vật ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ, các vận động viên phải sử dụng nhiều đòn nhử và hư chiêu, với mục đích làm cho đối thủ bị mất thăng bằng, rồi dùng sức mạnh cá nhân để ném tung đối thủ, kết thúc trận đấu. Điều quan trọng là vận động viên làm sao thực hiện đòn ném đối thủ hiệu quả nhất, nhưng chỉ với sự cố gắng nhỏ nhất. Nhiều điểm được dành để chấm cho kỹ thuật căn bản này.

Kỹ thuật lăn tròn và kỹ thuật ngã té là kỹ thuật đặc biệt được ưa thích trong môn đấu vật ở vùng núi Alps. Ngoài ra, cũng có những kỹ thuật sử dụng trên mặt đất. Các đòn ném qua vai giống như kỹ thuật seoi nage của môn Judo rất hiếm thấy trong môn đấu vật Thụy Sĩ. Bất cứ đòn ném từ vai nào trong môn đấu vật Thụy Sĩ đều là kết quả của sự khom người xuống tóm lấy hai chân của đối thủ nhấc lên và ném xuống.

van dong vien duoc xem la chien thang khi nem doi thu cham lung xuong dat
Vận động viên môn đấu vật Thụy Sĩ được xem là chiến thắng khi ném đối thủ chạm lưng xuống mặt đất

Những trận đấu vật Thụy Sĩ có khuynh hướng đòi hỏi thời gian nhiều hơn, do vậy sự bền bỉ thể lực rất cần cho một chuỗi những trận đấu trong một ngày. Một trận đấu diễn ra trong hai hiệp, mỗi hiệp khoảng 10 phút. Vận động viên môn đấu vật Thụy Sĩ được xem là chiến thắng khi ném đối thủ chạm lưng xuống mặt đất, hoặc cổ và mông bị kẹp, hay cổ và gót chân bị giữ chặt trên mặt đất.

Trận đấu vật bắt đầu từ một vị trí đã định sẵn với những vận động viên ôm chầm lấy nhau. Thường thường thì các vận động viên hay dùng tay phải nắm chặt dây đai bằng da ở thắt lưng của đối thủ, còn tay trái giữ chặt nơi đáy quần, giống với kỹ thuật của môn Sumo Nhật Bản.

Sự phổ biến của môn đấu vật ở vùng núi Alps ngày nay đã lan rộng trên toàn đất nước. Ở những khu phố chợ, nhiều câu lạc bộ đấu vật đã được thành lập để phục vụ cho số đông người. Cũng như đã có nhiều hội đấu vật có chương trình hoạt động toàn diện bao phủ toàn quốc gia Thụy Sĩ, giống như một môn đối trọng với nó ở Phương Đông là môn Judo của Nhật Bản, dường như vẫn có tiềm năng tiếp tục mở rộng sự phát triển.

Vothuat.info (tổng hợp)