Vài nét về Võ dưỡng sinh Việt Nam

Võ dưỡng sinh Việt Nam là “Phương pháp tập luyện võ cổ truyền Việt Nam có mục đích phòng ngừa, chữa trị các bệnh mạn tính và kéo dài tuổi thọ mạnh khỏe cho con người”.

Võ Cổ Truyền – Ý nghĩ biểu của biểu tượng Âm Dương

Võ cổ truyền – Phương pháp tập quyền và chiến đấu

Bệnh mạn tính là những loại bệnh không do vi trùng, vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm… mà do tình trạng lão hóa của cơ thể gây ra, chẳng hạn như: Loãng xương, thoái hóa khớp, teo gan, thận, mật, xơ cứng mạch máu làm tăng huyết áp, giảm thị lực, thính lực, giảm khả năng tập trung làm việc của trí óc…

DS9-1

Lão hóa là sự hóa già cơ thể con người. Biểu lộ của sự lão hóa là những biến đổi về hình thái và chức năng của các cơ quan thân thể. Quá trình lão hóa không diễn ra đột ngột, mà đến từ từ và dễ thấy nhất ở một số cơ quan như sau:

– Sự lão hóa ở tim: Từ độ tuổi 40, mạch máu giảm dần sự đàn hồi, động mạch cũng có thể trở nên cứng hoặc bị tắc dẫn đến tăng huyết áp, làm cho hiệu quả truyền máu của tim tới toàn bộ cơ thể bắt đầu giảm xuống. Nguyên nhân gây ra sự thay đổi này là do chất béo tích tụ ở động mạch vành.

– Sự lão hóa ở phổi:  Từ độ tuổi 20, dung tích của phổi bắt đầu giảm dần. Ðến tuổi 40, một số yếu tố như lồng ngực biến dạng, các khớp bị cứng, nhu mô phổi giảm đàn hồi… cùng với sự xơ cứng ở cơ bắp và xương sườn buồng phổi có thể làm cho phổi bị ép, gây khó thở, không khí đọng lại trong phổi nhiều hơn.

– Sự lão hóa da: Từ độ tuổi 25, do sự giảm tốc của quá trình tạo collagen, các tế bào chết của da không kịp đào thải, trong khi lượng tế bào mới của da sinh ra chậm làm cho da bắt đầu có những nếp nhăn và trở nên mỏng hơn.

– Sự lão hóa ở ngực: Từ độ tuổi 35, các mô vú và chất béo trong ngực phụ nữ bắt đầu mất dần làm cho kích cỡ và sự căng đầy giảm xuống. Từ độ tuổi 40, ngực, vú bắt đầu chảy sệ.

– Sự lão hóa ở cơ bắp: Sau độ tuổi 30, do xu hướng tích trữ chất béo nhiều hơn và đốt cháy lượng calo ít hơn nên cơ bắp bị mất dần trọng lượng và khối lượng.

– Sự lão hóa ở xương: Sau tuổi 35, các tế bào xây dựng xương hoạt động kém đi làm cho kích thước và trọng lượng xương giảm dần, xương bắt đầu mòn, rỗng gây ra bệnh loãng xương làm xương dễ gãy, bể.

– Sự lão hóa ở răng: Từ độ tuổi 40, lượng nước bọt tiết ra ít đi không rửa sạch được vi khuẩn làm răng và nướu bị hôi. Sau khi các mô nha chu mất dần, nướu răng bị thu hẹp gây ê nhức, tê buốt răng.

– Sự lão hóa thính lực: Từ độ tuổi 55, các tế bào lông trong tai (có chức năng tiếp nhận sự rung động của âm thanh và truyền âm thanh tới não bộ) giảm đi gây ra sự sút giảm thính lực.

Những con số về độ tuổi như trên chỉ có ý nghĩa tương đối, bình quân theo điều tra, thống kê ở một bộ phận nhân dân; trong thực tế, sự lão hóa của các cơ quan thân thể con người diễn ra không đồng đều, không cùng một lúc. Sự lão hóa cơ thể của mỗi người cũng nhanh, chậm khác nhau, tùy theo sự tác động của một số yếu tố trên từng người, như: Yếu tố di truyền dòng tộc, tính chất và cường độ của công việc lao động trí óc và lao động chân tay, trạng thái của đời sống tinh thần, chế độ ăn uống và kể cả tai nạn gặp phải. Dĩ nhiên, bệnh tật cũng có tác động không nhỏ về sự lão hóa cơ thể con người nhưng bệnh tập cũng do các yếu tố kể trên mà phát sinh.

7ae16302aa9Sp05L.jpg

Kỹ thuật của Võ dưỡng sinh Việt Nam lấy động tác của Võ cổ truyền Việt Nam làm nền tảng. Những động tác đó được liên kết thành “Bài quyền” trên cơ sở triển khai các “Pháp” của Căn bản công.

Các “Pháp” của Căn bản công là những nhóm động tác cơ bản của kỹ thuật võ cổ truyền Việt Nam, bao gồm Tấn pháp, Bông pháp, Thủ pháp, Bộ pháp, Cước pháp và Thân pháp.

– Tấn pháp là các tư thế trụ vững thân thể trên hai chân, gồm có: Lập tấn, miêu tấn, trung bình tấn, đinh tấn, trảo mã tấn, âm dương tấn, xà tấn, xà tấn hậu, kim kê tấn, hạc tấn, hạ mã tấn, hổ tấn, tọa tấn, tọa quy tấn, quy tấn, ngọa tấn.

– Bông pháp là các động tác múa tay dùng để phòng thủ, gồm có: Mở đơn, mở kép, khép đơn, khép kép, chuyền, song quyền, thuận nghịch, hoa sen.

– Thủ pháp là các động tác tay dùng để ra đòn tấn công, gồm có năm bộ: Bộ Sơn, bộ Chưởng, bộ Đao, bộ Trửu, bộ Chỉ.

– Bộ pháp là các động tác di chuyển hai chân trong tập luyện và chiến đấu, gồm có: Tấn bộ (Tấn ngựa chiếc, tấn ngựa đôi), Thối bộ (Thối ngựa chiếc, thối ngựa đôi) và Hoành bộ (Hoành ngựa chiếc, hoành ngựa đôi)

Cước pháp là các động tác chân dùng để phòng thủ và ra đòn tấn công, gồm có: Tiêu cước, Trực cước, Giáng cước, Đảo cước, Đăng cước, Bạt cước, Bàng cước, Tảo cước, Ngọa cước, Trực tất cước, Đảo tất cước, Bạt tất cước, Đăng tất cước, Câu cước, Nghịch hậu cước, Hoành hậu cước, Tảo hậu cước, Song hậu cước, Phi tiêu cước, Phi bàng cước, Phi đảo cước, Phi hoành hậu cước, Phi tất cước, Song phi trục cước;

– Thân pháp là các động tác của thân lấy eo làm trục, di chuyển về nhiều hướng dùng để hụp, lặn, tránh né, lăn, lộn, ngã…

Trong Võ cổ truyền Việt Nam, “Bài quyền” là sự liên kết các nhóm động tác có cùng một mục đích sử dụng để phòng thủ và tấn công. Mỗi nhóm đó được gọi là một thế võ.

Trong Võ dưỡng sinh Việt Nam, Bài quyền vẫn có các thế võ nhưng không phải là những thế võ chiến đấu mà là những thế võ có tác dụng rèn luyện các cơ quan chức năng của cơ thể nhằm phòng ngừa và chống lại bệnh tật. Vì lý do đó, Võ dưỡng sinh chỉ thu dụng một số động tác đơn giản của các “Pháp” căn bản công của Võ cổ truyền.

anhduongsinh-1415714257582

Những nội dung rèn luyện của Võ dưỡng sinh Việt Nam bao gồm: Phép hít thở dưỡng sinh, Bài quyền và Phép quán tưởng hợp nhất Thân, Tâm, Ý, Khí.

Trong các nội dung trên, Phép hít thở dưỡng sinh là nội dung căn bản nhất, làm nền tảng và chi phối sự vận hành của các nội dung kia.

Vì lý do đó, trước khi luyện tập Bài quyền cũng như Phép quán tưởng hợp nhất thân, tâm, ý, khí; phải tập Phép hít thở dưỡng sinh cho thuần thục.

Phép hít thở võ dưỡng sinh Việt Nam cũng chỉ là cách thở sâu bằng bụng như các môn tập luyện dưỡng sinh khác nhưng được tập luyện đồng thời với thực hành động tác của một bài tập được xây dựng từ bộ “mạ” võ cổ truyền Việt Nam. Bộ “mạ” đó bao gồm “Âm dương phát chưởng” dựa vào nguyên lý điều hòa âm dương và “Song thủ ngũ hành” lấy Ngũ hành làm căn bản theo đặc trưng “Song thủ ngũ hành vi căn” của Võ cổ truyền Việt Nam.

Phép hít thở Võ dưỡng sinh Việt Nam là cách thở sâu,nói đầy đủ là thở sâu 2 “thì”. Nói theo thuật ngữ của một số chuyên gia dưỡng sinh thì đây là cách thở có tên “sổ tức 1 – 1”, tức là “hít vào phình bụng” và “thở ra thót bụng”, không ngưng hơi khi hít vào và khi thở ra như cách thở sâu 4 “thì”. Thời gian của “thì’ hít vào và “thì” thở ra đều bằng nhau. Hít vào và thở ra đều phải chậm, nhẹ, dài hơi và hơi hít vào đi sâu xuống bụng dưới.

Khi tập thở sâu, người tập phải giữ trạng thái tâm lý bình ổn, thả lỏng các cơ, có cảm giác khoan khoái; tuyệt đối không nén hơi, ép sức, căng thẳng. Lấy hơi thở ra làm chủ đạo, hơi hít vào là kết quả vận hành tự nhiên của khí khi khoang bụng cạn hơi sau “thì” thở ra. Hiểu điều này thì không dùng sức đẩy hơi xuống và nén khí ở bụng dưới. Các chuyên gia dưỡng sinh đều khuyên:Thót bụng thở ra hết mức, lúc hít vào cứ để bụng tự nhiên phình ra là đủ.

Khi “hít vào phình bụng”, cơ hoành (một cơ lớn chắn ngang giữa ngực và bụng, mặt trên tiếp giáp tim và phổi, mặt dưới với gan và khoang bụng) hạ xuống làm cho các cơ quan trong bụng bị đẩy xuống; khi “thở ra thót bụng”, cơ hoành nâng lên, các cơ quan được kéo lên. Hoạt động đó có tác dụng làm cho các cơ quan như tim, phổi trên cơ hoành và ruột, gan, dạ dày, lá lách, tử cung dưới cơ hoành được điều hòa, tự xoa bóp đều đặn, liên tục, khí huyết lưu thông mạnh mẽ, tránh được các rối loạn thần kinh (như stress, hưng phấn hoặc ức chế…). Nhịp độ thở chậm, sâu, dài cũng đưa oxy đến các tế bào trong cơ thể một cách đầy đủ.

Khi thở sâu, cần chú ý dẫn dắt hơi thở theo một lộ trình nhất định.

Các môn Yoga, khí công, thiền định… thường luyện thở trong tư thế tĩnh (nằm, ngồi yên vị) nên chọn lộ trình hơi hít vào mũi, ngược lên đỉnh đầu, ra sau gáy, dọc theo xương sống đi xuống… hoặc hơi hít vào mũi, đi xuống đan điền, xuống hội âm, dọc theo xương sống đi lên…theo hai kinh nhâm, đốc.

Võ dưỡng sinh Việt Nam luyện thở trong tư thế động, phối hợp với động tác võ cổ truyền nên chọn lộ trình thở đơn giản hơn: “Hơi thở ra từ bụng dưới theo đường trung tuyến đi lên (từ đan điền lên rốn, lên cự khuyết, lên cổ, lên mũi đi ra). Hơi hít vào mũi cũng theo đường trung tuyến đi xuống và ngược lại với lộ trình trên (từ mũi xuống cổ, xuống cự khuyết, xuống rốn, xuống đan điền)”.

Lộ trình hơi thở đơn giản và phép thở sâu 2 “thì” cũng đơn giản sẽ mang lại hiệu quả cường thân, trường thọ chắc chắn mà tránh được tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”.

Phép thở sâu 2 “thì” được thực hiện cụ thể như sau:

– Thì 1 (Thót bụng thở ra): Môi mím, hai hàm răng không chạm nhau, lưỡi thả lỏng, thót bụng và quán tưởng hơi thở từ huyệt đan điền theo đường trung tuyến đi lên rồi ra khỏi mũi.

– Thì 2 (Phình bụng hít vào): Hai hàm răng chạm nhẹ vào nhau, lưỡi ép sát lên vòm trên, chót lưỡi chạm vào bốn chiếc răng cửa, phình bụng và quán tưởng hơi thở từ mũi theo đường trung tuyến đi xuống huyệt đan điền.

Khi hít vào và thở ra, hơi thở đều phải chậm, nhẹ, dài hơi, sâu xuống bụng dưới, trạng thái tâm lý bình ổn, các cơ đều được thả lỏng, có cảm giác khoan khoái; tuyệt đối không nén hơi, ép sức, căng thẳng.

Cách thở sâu như trên chẳng những cung cấp thêm oxy mà còn luyện sự hưng phấn cho trung tâm hô hấp ở hành tủy, điều hòa hệ thần kinh thực vật, tăng cường tuần hoàn máu, điều hòa các nội tạng bị rối loạn và làm cho thần kinh ổn định.

Thở sâu đều đặn như trên không chỉ trong khi luyện quyền mà có thể thực hành bất cứ lúc nào trong ngày. Ngoài những tác dụng như đã kể trên, phép thở sâu này có khả năng chữa được các bệnh mất ngủ, cao huyết áp, suy nhược cơ thể, chóng mặt, ăn khó tiêu…

Võ sư Trần Xuân Mẫn