Tuy không phát triển rầm rộ trong nước, nhưng Thất Sơn thần quyền lại có một cuộc xuất ngoại đầy chông gai nhưng cũng đầy biến ảo và những cuộc tỉ thí quyền thuật kinh ngạc ở trời Tây…
Lý do Thất Sơn thần quyền bị gọi là “võ ma, dị giáo”
Đại chiến giang hồ lừng lẫy của Thất Sơn thần quyền
Kế sách “bế môn” và sự thật nghi án thất truyền
Trong khi trong nước “Thất Sơn thần quyền” vẫn phải tồn tại dưới màn sương tâm linh huyền bí và đủ các giai thoại khác nhau, thì bên trời Tây, Thất Sơn thần quyền đã và đang tạo được vị thế quan trọng trong lòng bè bạn quốc tế. Hành trình đưa một trong những võ phái bí ẩn nhất Việt Nam ra nước ngoài đó cũng là những hành trình đầy gian khó nhưng cũng đầy vinh quang…
Có lẽ sau thời kỳ suy thoái nhất định, Thất Sơn thần quyền đã lấy chân lý “tuyệt kỹ bế môn”, âm thầm khiêm tốn nơi thâm sơn cùng cốc nên tưởng chừng như đã thất truyền. Tuy nhiên, cùng với quá trình lao động và học tập ở nước ngoài, nhiều môn sinh của Thất Sơn thần quyền cũng đem tinh hoa võ phái của mình đi xứ người nên võ phái này vẫn âm thầm lan tỏa khắp thế giới.
“Cũng như các võ phái khác, Thất Sơn thần quyền ở nơi viễn xứ, như cầu nối gắn kết những con người không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc mà chỉ có một điểm chung nhất là tôn vinh tinh thần thượng võ. Tinh thần thượng võ, và các chiêu thức của Thất Sơn thần quyền đang được các võ sư của Thất Sơn thần quyền trên đất khách miệt mài truyền bá đến bạn bè quốc tế”, anh D. – chưởng môn tạm thời của Thất Sơn thần quyền tại Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi như vậy về sự có mặt của Thất Sơn thần quyền ở xứ người.
Dường như khi gặp các cao thủ của Thất Sơn thần quyền, chúng tôi đều nhận thấy niềm tự hào của các môn sinh, cao thủ của phái võ này khi nhắc đến những môn sinh có mặt tại nước ngoài. Cũng theo anh D., ông Lại Văn An, vợ chồng Trinh, Tuấn, hiện tại Thất Sơn thần quyền đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Khi tiếp xúc với chúng tôi, anh Đ. đã từng chia sẻ, hiện nay, Thất Sơn thần quyền đã có mặt và phát triển ở hàng chục quốc gia trên thế giới, tạo thành hàng trăm chi phái.
Sức sống mãnh liệt của võ Việt nói chung và Thất Sơn thần quyền nói riêng chính là sự quảng bá tốt nhất tinh hoa văn hóa Việt Nam. Khi đứng trước võ đường, tất cả các võ sư, các môn sinh dù quốc tịch nào, không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc… đều chung tinh thần thượng võ, hướng tới sự trung thực, quả cảm. Các cao thủ trong Thất Sơn thần quyền hiện nay đều có quyền tự hào khi Thất Sơn thần quyền đã cùng với võ cổ truyền Việt như một “ngôn ngữ” giúp người Việt hòa nhập được với cộng đồng nơi đất khách.
Việc phát triển mạnh nhất Thất Sơn thần quyền, vẫn là ở các nước như Nhật Bản, Ukraina, Nga, Đức… Mỗi đất nước, mỗi khu vực lại có những chi hệ phái khác nhau của Thất Sơn thần quyền, nhưng dù ở chi phái nào, Thất Sơn thần quyền vẫn đang được những môn sinh theo học nể phục. cũng theo anh D., tại Ukraina, Thất Sơn thần quyền được tôn vinh như một võ phái chính thống của người Việt. Tại đây, nhiều buổi liên hoan võ thuật đều mời Thất Sơn thần quyền đến tham gia thi đấu và biểu diễn dưới danh nghĩa Võ cổ truyền Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, nhiều cuộc biểu diễn võ thuật của nhiều môn sinh Thất Sơn thần quyền làm kinh ngạc ban tổ chức. Câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất có lẽ vẫn là màn biểu diễn của Chín Cụt (một cao thủ khá nổi tiếng mà chúng tôi đã nhắc đến ở các kỳ trước). Sau cuộc tỉ thí đó, Chín Cụt được tặng huy chương vàng (cũng cần phải nhắc thêm rằng, người Hàn Quốc rất tự hào với Taekwondo của họ).
Những cuộc tỉ thí quyền thuật gây kinh ngạc ở trời Tây
Việc truyền bá ra nước ngoài của Thất Sơn thần quyền ban đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi không dễ để có thể lưu truyền một môn phái mà không có nhiều tiếng tăm trong giới võ học được công nhận. Bên cạnh đó, để đạt được chỗ đứng và có dấu ấn trong lòng các bạn bè quốc tế không hề dễ dàng bởi một trong những đặc thù của các môn sinh phương Tây là khi họ tiếp nhận môn võ mới, chắc chắn họ phải chứng kiến môn võ đó bách thắng ra sao. Nếu họ muốn nhận ai đó làm sư phụ thì chắc chắn người đó phải đánh thắng họ.
Cũng theo chia sẻ của anh D,. nhiều người Tây muốn học Thất Sơn thần quyền bởi phái võ này có nhiều tôn chỉ hướng đến chân, thiện, mỹ, phù hợp truyền thống văn hóa của con người Việt Nam, chỉ đánh trả và tự vệ khi bị ép đến đường cùng chứ không bao giờ dùng để tấn công người khác.
Cuộc tỉ thí đầu tiên mà anh D. kể với chúng tôi khi anh sang Ukraina truyền bá võ học. Buổi truyền bá đó có rất nhiều võ sinh Tây, họ toàn những người cao to trên 1m80 và rất khỏe. Với anh D., vốn là người có thể hình không được cao lớn lắm (trên 1m65) lại mỏng cơm. Bước vào sàn đấu, nhiều người chứng kiến đều lắc đầu lè lưỡi khi nhìn thấy cuộc đấu hoàn toàn chênh lệch giữa một võ sỹ Tây cao lớn và một người Việt mỏng cơm.
Tuy nhiên, sau vài đường quyền, người môn sinh nọ không sao đánh trúng vào người anh D. được và chỉ sau một đòn thế đơn giản của Thất Sơn thần quyền, người võ sỹ Đông Âu này đã hoàn toàn bị hạ gục. Từ đó, người môn sinh này đã nhận Thất Sơn thần quyền làm môn phái mình theo học và tu luyện. Và hiện giờ anh này cũng rất tích cực tham gia phong trào truyền bá Thất Sơn thần quyền tại Ukraina (vì một số lý do nên chúng tôi xin phép được giấu tên).
Một trong những cao thủ nổi tiếng bậc nhất của Thất Sơn thần quyền góp phần truyền bá Thất Sơn thần quyền đi trời Tây được các cao thủ nhắc nhiều đến chính là võ sư Thành “vuông” (Nguyễn Văn Thành, từng sống ở khu vực Ô Chợ Dừa (Hà Nội)). Hiện tại ông cũng đang sinh sống, lập nghiệp và truyền bá võ công này tại Nga.
Một trong những sư phụ đang đặt dấu ấn trên xứ người hiện nay rất có uy tín trong võ học Thất Sơn hiện nay là Shuilong Phan. Võ sư này đã có trên 40 năm học võ và tu luyện Thất Sơn thần quyền, các học trò của ông đều mang những tôn giáo khác nhau như Công Giáo, Tin Lành & Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo,… vẫn học được tự nhiên.
Các thế võ mà Thất Sơn thần quyền đặt dấu ấn và làm kinh ngạc thế giới người Tây phải kể đến các thế võ như Hóa Mã, Thần quyền lục pháp và những tuyệt kỹ đao thương bất nhập. Việc đạt đến đỉnh cao của Võ học Thất Sơn không phải chuyện dễ dàng, nhưng với nhiều môn sinh người Tây, sự quyết tâm của họ rất cao nên võ học Thất Sơn cũng đã trở thành một đích lớn để họ chinh phục.
Hơn 30.000 võ sinh theo học võ Việt
“Theo bước chân của người Việt đến khắp thế giới, rất nhiều kỹ thuật võ Việt Nam đã đến với nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây như Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Canada. Có đến 22 môn phái võ thuật có cội nguồn từ Võ thuật Việt Nam tại Pháp, và có đến 30.000 võ sinh theo học. Hiện Thất Sơn thần quyền có mặt ở hàng chục quốc gia khác nhau và cũng đã và đang thu hút rất lớn các môn sinh là người nước ngoài, góp phần truyền bá tinh hoa võ học Việt Nam.”
Theo Người đưa tin