Từ chân truyền đến bí truyền, tinh hoa võ học cổ truyền Việt Nam có nguy cơ mai một.
Hành hiệp y thuật cứu người và mang tinh hoa võ Việt ra thế giới
Võ Bình Định – một tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam
Hiếm có sư phụ võ nghệ nào truyền thụ hết mọi ngón đòn của mình cho các đệ tử. Họ viện lẽ: Giữ lại đòn hiểm để phòng thân, sợ trò phản, tìm không được đệ tử chân truyền… Những chuyện truyền khẩu sau đây phần nào nói lên thực trạng đó.
Từ giai thoại “đòn hiểm hại con”…
Chuyện kể rằng vị võ sư nọ tuổi đã già nhưng vẫn chưa truyền hết ngón nghề độc cho con trai mình. Người con thay vì lo khổ luyện những bài đã học lại nằng nặc đòi cha dạy nốt thế võ ấy. Phần thấy bản tính của con còn bộp chộp, phần nghĩ thế võ hiểm ác ấy vẫn chưa tìm được đòn thế và phương thuốc hóa giải nên ông cứ mãi chần chừ. Do nôn nóng, người con bày trò để xem cha mình tung đòn ra sao…
Nửa đêm, người con lẻn ra chuồng bò, cố tình tạo tiếng động để cha nghe. Quả nhiên sau tích tắc, người cha xuất hiện để bảo vệ bò – tài sản giá trị nhất của đời sống nông gia. Ông xuất chiêu đánh kẻ trộm. Lạ thay, hễ ông dùng chiêu nào ra thì kẻ trộm cũng đều có cách hóa giải. Hơn nữa, “kẻ trộm” còn trẻ, sức lực dồi dào nên ra đòn tấn công như vũ bão. Quần thảo hồi lâu, người cha thấy sức mình có phần yếu thế, không khéo bị trộm quật chết như chơi. Ông quyết định tung đòn hiểm, vốn dĩ chỉ sử dụng phòng thân trong tình huống khốn cùng. “Kẻ trộm” dính đòn, phi thân qua hàng rào tẩu thoát…
Sáng hôm sau, bên tách trà sớm để chuẩn bị ra đồng, người cha kể lại chuyện đêm trước cho con nghe. Ông bảo tội nghiệp tên trộm, vì bất đắc dĩ nên mình phải dùng thế độc. Đòn đánh này phong tỏa kinh mạch, nội trong ba tháng lục phủ ngũ tạng kẻ dính đòn sẽ xuất huyết mà chết. Ông nói: Tiếc là đòn bí truyền này không có cách hóa giải. Người con nghe xong òa khóc, thú nhận mình đã trả giá bằng mạng sống chỉ vì muốn tận mắt nhìn thấy và nôn nóng muốn học thế võ bí truyền của cha…
Đến ngón độc trừ trò phản
Chuyện trên có nhiều dị bản, song người ta tin rằng nội dung chính của nó xuất phát từ thôn Thuận Truyền, xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Người Bình Định có câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Trong đó, “roi Thuận Truyền” chính là nói đến khả năng sử dụng những bài roi kỳ ảo “roi Thuận Truyền di hữu chủ” (chỉ truyền một chủ) của cố võ sư Hồ Ngạnh. Sinh thời, ông có duy nhất một người con trai nhưng anh này bị bạo bệnh, mất một cách đột ngột, để lại cũng duy nhất một con trai tên là Hồ Sừng (sau này cũng là võ sư danh tiếng). Việc con trai ông Hồ Ngạnh mất đột ngột khiến cho dân gian gán cho câu chuyện như đã kể ở trên. Nhưng câu chuyện sau đây còn ly kỳ, hấp dẫn hơn.
Lại nói theo dân gian, sau khi người con trai độc nhất mất mạng vì ngón đòn bí truyền hiểm hóc của mình, lão võ sư Hồ Ngạnh vô cùng ăn năn, hối hận. Để tránh chuyện các đệ tử mình sau này oan mạng chỉ vì nôn nóng, lão võ sư mới chủ trương dạy hết một lèo cho các đệ tử ruột. Thế nhưng có một tên học trò ngông cuồng, vẫn nghĩ sư phụ mình còn giấu lại độc chiêu. Bữa nọ, y cầm cây đao bén ngót đứng chặn thầy giữa đường, ép phải truyền dạy ngón đòn hiểm cuối cùng, nếu không, muốn về nhà thì “Thầy phải bước qua cây đao hoặc xác chết của con!”.
Tuổi già sức yếu, bao nhiêu công phu đã truyền hết cho học trò, lão võ sư biết mình khó thể chống cự với đứa học trò phản nghịch này. Thoáng do dự, ông lấy lại bình tĩnh, đứng đối diện đứa học trò, bảo chỉ những ai đủ công lực chém đứt cây tầm vông trong tay thầy thì mới đủ khả năng lĩnh hội hết ngón đòn độc ấy. Nói rồi, lão sư cầm cây tầm vông chống xuống đất. Tên học trò lẹ làng cầm đao dùng hết sức chém phặp xuống. Chỉ chờ có thế, nhanh như chớp lão võ sư đưa ngọn tầm vông còn lại trên tay vào tử huyệt người đối diện, kết thúc ham muốn ngông cuồng của đứa học trò phản trắc…
Lẽ dĩ nhiên chuyện này chỉ truyền miệng, không một chứng tích đáng tin. Người viết từng hỏi võ sư Đinh Văn Tuấn – người từng nhiều năm gắn bó với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định và là bạn đồng môn của võ sư Hồ Sừng, tức cháu đích tôn của cố võ sư Hồ Ngạnh. Võ sư Đinh Văn Tuấn cười: “Hơi đâu tin vào lời đồn đại dân gian!”.
Và nguy cơ thất truyền
Nhưng những chuyện kể trên phản ánh một điều: Xưa nay người võ học chỉ cố tâm lựa chọn một trò vừa giỏi giang, vừa có tâm, có đức để truyền thụ tất cả những bí kíp, tuyệt kỹ của môn phái mà họ cố công nghiên cứu một đời. Nếu không có người nào hội đủ hai điều kiện ấy, xem như mọi công phu khổ luyện cả đời có nguy cơ theo họ xuống mồ. Đó là chưa nói tâm lý sợ trò phản trắc, sợ trò hơn hẳn rồi qua mặt mình, hoặc giả đơn thuần đó chỉ là tính ích kỷ, người thầy thường không truyền thụ hết những tinh hoa cả đời của mình cho thế hệ sau.
Người Bình Định khi nhắc đến bài võ hay nào thường kèm với tên tuổi của người đang sở hữu chúng. Đó vừa thể hiện sự kính trọng đối với người khổ tâm luyện tập để đạt đến trình độ võ học uyên thâm nhưng cũng vừa phản ánh suy nghĩ rằng môn võ này, bài thảo nọ chỉ có võ sư kia mới biết. Người ngoài khó thể nào học được những tuyệt kỹ công phu hay những bài võ bí truyền của môn phái, của lò võ đó. Chuyện bài thảo Chiêu hồn thương hiện giờ chỉ có ba người biết, bài Miêu tẩy diện chỉ có võ sư Lý Xuân Hỷ sở trường là một minh chứng. Tương tự, bài quyền Lâm gia của gia đình võ sư Lâm Ngọc Phú ở làng An Thái (An Nhơn) khiến dân gian từng truyền tụng câu “Quyền An Thái ngã vô song” (không có bài thứ hai) cũng có nguy cơ thất truyền. Hay như bài roi kỳ ảo của cố lão võ sư Hồ Ngạnh “roi Thuận Tuyền duy hữu chủ” đến nay hầu như không còn ai biết nữa…
Gần đây, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã cất công sưu tầm và chính thức đưa vào danh sách 18 bài võ hay để tập luyện, thi đấu và quảng bá (phần lớn những bài này xuất phát từ cái nôi võ cổ truyền Bình Định). Con số đó quả là quá ít ỏi, khiêm tốn so với hàng ngàn bài võ hay còn lẩn khuất trong dân gian. Đó có thể do chưa có ai bỏ công sưu tầm, hệ thống hóa một cách đầy đủ, khoa học. Nhưng cũng không loại trừ một nguyên nhân khác, đó là tâm lý của một nền võ học chân truyền, khép kín, không muốn quảng bá, truyền thụ ra ngoài những tinh hoa do cha ông để lại.
Thời xưa, khi vũ khí chính là những binh khí như đao, kiếm, thương… thì võ thuật đóng vai trò quan trọng để quân đội chiến thắng kẻ thù. Việc giữ gìn những bài võ hay, hạn chế truyền dạy ra ngoài để khỏi lọt vào tay kẻ thù là điều dễ hiểu. Ngày nay, mục đích chính của việc học võ chủ yếu là để rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe, học hỏi kinh nghiệm và giao lưu văn hóa. Vì vậy, nếu người biết võ chỉ khư khư ôm giữ những báu vật của cha ông để làm của riêng mình, hoặc truyền thụ theo kiểu bí truyền, chân truyền là điều không còn hợp lý, dễ làm mai một những tinh hoa của nền võ học nước nhà.
Theo Khám phá võ thuật