Khí của con người chứa ở bụng, tụ lại đan điền. Thần của con người chứa ở linh căn, phát ra ở mắt, cho nên ánh mắt là tối quan trọng. Trong “Nhạc phi diễn nghĩa”, khi Ngưu Cao – em kết nghĩa của Nhạc Phi – nghe tin Phi bị triều đình hãm hại bèn nộ khí xung thiên, hét một tiếng, trợn ngược đôi mắt lên mạnh đến nổi mí mắt rách ra, máu chảy ròng ròng. Hình ảnh đó thể hiện khí phách của một bậc anh hùng hảo hán. Hay như Trương Phi bên cầu Tràng Bản, trợn đôi mắt ốc hét lớn 3 tiếng mà đẩy lui hàng vạn quân Tào…
Nguyên nhân gây đau cơ khớp trong tập luyện võ thuật
Tập luyện võ thuật, thể dục vào buổi sáng – tại sao không?
Mục đích tập luyện đầu tiên của người học võ là làm cho “nhãn minh thủ khóa” (lanh tay lẹ mắt). Các bậc cao thủ chỉ cần một cái liếc mắt đã phân định được trình độ võ công của đối thủ và chỉ cần lơ là trong một chơp mắt – ý khí không hợp nhất – là bị hạ độc thủ ngay. Ngày trước, Kỷ Xương học bắn tên với thầy là Phi Vệ và được thầy dặn: “Ngươi phải luyện nhãn lực, trước tiên là học biết cách không chớp mắt.” Kỷ Xương về nằm ngửa mặt dưới khung cửi dệt vải của vợ, 2 mắt nhìn trừng trừng vào 2 bàn đạp. Qua hai năm như vậy, dù cho lấy dùi chọc vào tròng mắt cũng không thể làm cho con ngươi động đậy. Kỷ Xương đến trình thầy và được dạy tiếp: “Chưa được, ngươi phải nhìn một vật nhỏ thành lớn, một vật bé thành rõ ràng, chừng nào đạt được vậy thì đến gặp ta…”. Về nhà, Kỷ Xương dùng một sợi lông bò, cột một con chấy treo lên cửa sổ rồi tập nhìn. Dần dần thấy cho chấy to hơn. Qua 3 năm nhìn thấy con chấy to như cái bánh xe, nhìn các vật khác đều thấy lớn dị thường, bèn lấy cung tên bắn vào giữa bụng con chấy mà sợi lông bò không bị đứt. Đến lúc đó Kỷ Xương mới được thầy khen: “Ngươi đã đạt đến chỗ diệu kỳ của việc bắn tên”.
Cũng có lúc mắt làm loạn tâm khiến cho con người không tập trung tư tưởng phân tán, ý chí không hòa. Thời Chiến Quốc, Sư Khoáng học âm luật (nhạc). Học mãi không thành bèn xông thuốc cho mù hai mắt để tập trung học. Về sau, tiếng nhạc của Sư Khoáng có thể gọi được chim loan, chim phượng, thần linh, mưa gió. Một đại sư Thiếu Lâm Tự cũng xông thuốc cho mù mắt để luyện ngạnh công, khi công phu thành đạt ông đánh vỡ cả kim cang thạch bích.
Phép luyện nhãn pháp ngày xưa là dùng đàn hương đốt trong bóng đêm. Người luyện lúc đầu ngồi cách 3 mét, tập trung ý vào đốm lửa rồi càng ngày càng để ra xa, lại vận động cả mũi để cảm nhận mùi hương. Qua một năm nhãn lực và khứu giác tăng lên gấp bội.
Mắt tàng thần và cũng là nơi thể hiện tâm tính sức khỏe con người. Các bậc danh sư chọn môn đồ thường chú trọng xem mắt bởi trong lòng suy nghĩ gì cũng khó giấu trong mắt. Người tôn quý thì mắt phượng; người dũng mạnh thì mắt hổ; người hiền từ nhưng gan góc thì mắt voi; người hung bạo thì mắt sói, người giảo hoạt thì mắt cáo, mắt chuột; người lừa thầy phản bạn thì mắt lươn, mắt lợn…
Xét về âm dương thì người mắt 2 mí thường thiên về âm tính, hiền hòa, dễ tha thứ. Người mắt 1 mí thường thiên về dương tính, nóng và cộc cằn hơn.
Người mắt nhỏ cũng thuộc về dương tính, tự tin và cả quyết. Nhưng nếu quá nhỏ (mắt lươn) thì lại cực đoan và phản trắc. Người mắt lớn thuộc âm tính, tế nhị và dễ bị tình cảm chi phối. Nhưng mắt quá lớn thì đa cảm, thiếu tự tin. Do đó, phái nam nên có mắt nhỏ, phái nữ nên có mắt lớn và vừa phải.
Người xưa chia “thần” trong mắt ra làm các loại:
Thần hòa: nhãn quang tĩnh lặng, thanh thản, không mưu toan hại người, ít khi gặp nguy hiểm.
Thần uy: nhãn quang có uy lực khiến người khác phải kiêng dè, có thể làm nên sự nghiệp lớn.
Thần tàng: nhãn quang phảng phất như không có, dễ thành đạt và rất hiếm.
Thần lộ: nhãn quang sáng rỡ lộ liễu nhưng thần mau kiệt nên không trường thọ, nhãn tướng học thường nói “bạo phát bạo tàn” (phát nhanh tàn nhanh).
Thần hôn: nhãn quang mờ đục, tính thiển cận ươn hèn, đam mê nhục dục.
Thần cấp: nhãn quang trừng trừng, gấp gáp, tính nóng nảy, hồ đồ.
Các nhà khoa học cho rằng nháy mắt cũng biểu hiện tình trạng thể chất. Người nào nháy lia lịa thường suy kém về thể lực và tinh thần. Người khỏe mạnh thì mỗi phút nháy 3 cái, nháy nhiều hơn là sức khỏe đang suy yếu. Trong giao đấu võ thuật cũng vậy, kẻ nháy nhiều hơn thường thua cuộc. Người xưa nói rằng: “Tâm vật tạp dục tắc hữu dư linh, mục vật tạp kiến tắc hữu dư minh” (lòng đừng muốn tạp nham, nghĩ bậy thì linh tính thường dư, mắt đừng trông bậy thì nhãn lực lúc nào cũng sáng suốt.)
Đó cũng là lời dạy cho những người học võ.
Tác Giả: Nguyễn Tường