Giải vô địch Taekwondo các CLB Quốc tế năm 2015 vừa diễn ra tại Nhà thi đấu Tân Bình,TPHCM, danh hiệu nhất toàn đoàn thuộc về CLB TP.HCM cả nội dung quyền (13HCV, 4 HCB, 1HCĐ) lẫn đối kháng (21 HCV, 8 HCB, 15 HCĐ). Tuy nhiên, với những người “làm” Taekwondo của TP.HCM, thành công lớn nhất của họ chính là việc phát hiện, tìm kiếm và chọn lọc được những gương mặt mới, đào tạo và huấn luyện cho lớp vận động viên kế thừa trong tương lai, tiêu biểu là các võ sĩ tuổi 9-11 tham gia trong giải đấu này.
Cơ hội “vàng” cho các tài năng trẻ Taekwondo TP.HCM
Võ Rồng – Lạc Long Môn và những trận long tranh hổ đấu.
Và đây cũng là một câu chuyện dài về đội tuyển quyền TP.HCM
Sau khi nội dung quyền được LĐ Taekwondo thế giới đưa vào hệ thống thi đấu giải vô địch thế giới lần 1 (tháng 9 năm 2006 tại Hàn Quốc), Teakwondo TP.HCM lập tức xác định đây sẽ là một nội dung đầu tư trọng điểm, có thể “ăn ngay” cho đội tuyển trong giai đoạn lực lượng đối kháng đang gặp nhiều khó khăn trước sự đầu tư hiệu quả và bài bản của các đơn vị khác. Thế nhưng, suốt 2 năm liền, TP.HCM không gặt hái được một danh hiệu nào, trong khi Hà Nội và Bà Rịa Vũng Tàu thay nhau có HCV từ giải Vô địch thế giới quyền lần thứ 2 và 3 (năm 2007-2008). Trước tình hình đó, vào tháng 3 những nhà lãnh đạo của thể thao TP.HCM đã đưa ra một quyết định táo bạo: ông Nguyễn Thanh Huy được đề bạt phụ trách tuyển quyền TP.HCM.
Một vị lãnh đạo nhớ lại: “Khi đưa Huy giữ chức vụ này, tôi bị áp lực ghê gớm bởi đưa Huy lên, đồng nghĩa sẽ có một bộ phận các huấn luyện viên khác sẽ hiềm tị, cản trở. Nhưng tôi tin, không còn ai khác, ngoài Huy, mới có thể tạo được làn gió mới cho tuyển quyền TP.HCM”. Và niềm tin ấy đã đặt đúng chỗ.
Trong thời điểm đó, Nguyễn Thanh Huy là người duy nhất của Việt Nam có bằng HLV quyền quốc tế, và cũng là người Việt Nam đầu tiên có bằng trọng tài quyền quốc tế. Hiểu rõ những thay đổi về kỹ thuật, luật lệ; cách thức chấm điểm của từng vị trọng tài quốc tế; những ưu khuyết điểm của võ sĩ Việt, ông Huy đã quyết xóa bài làm lại với các VĐV TP.HCM, mà cho đến nay “… gian nan nhất vẫn là giai đoạn chuyển đổi cách thức thi triển quyền của trường phái ITF sang WTF cho các võ sĩ để phù hợp với quy chuẩn chấm thi của WTF”, ông Huy nhớ lại.
Chỉ 3 tháng trong cương vị mới, ông Huy đã đem về cho tuyển quyền TP.HCM 1 HCB và 3 HCĐ tại giải Taekwondo Đông Nam Á (6/2009). Tháng 12 năm 2009, TP.HCM đoạt 1 HCB tại giải quyền thế giới, 1 HCĐ tại SEA Games; Trong năm 2010, TP.HCM lần đầu tiên đoạt HCV tại giải quyền thế giới lần thứ 5 và đáng lưu ý nhất là thành tích: 3 HCV, 2 HCĐ lần đầu tiên vượt qua Hà Nội (3 HCV, 1 HCĐ) tại giải trẻ toàn quốc, một chi tiết minh chứng cho lực lượng trẻ kế thừa đầy hy vọng của quyền TP.HCM.
Những thành công đó đã giúp các nhà lãnh đạo thể thao TP.HCM quyết định đầu tư mạnh mẽ hơn vào đội tuyển quyền, không chỉ xác định TP.HCM phải là lá cờ đầu của cả nước, mà quan trọng hơn phải là đơn vị giữ nhiệm vụ gây dựng, phát triển phong trào cả cho các tỉnh thành khác trên cả nước, từ đó tìm ra lực lượng hùng hậu nhất cung cấp cho đội tuyển quốc gia, đưa tuyển quyền Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới. Và như mọi người cũng biết, nhiệm vụ này của đội tuyển quyền Taekwondo TP.HCM đã thành công rực rỡ. Liên tiếp trong các năm tiếp theo, TP.HCM luôn giữ vững danh hiệu số 1 quốc gia và với lực lượng nòng cốt kết hợp cùng những võ sĩ của An Giang, Bình Thuận, Quân Đội… tuyển quyền Việt Nam luôn nằm trong tốp 5 của thế giới với những tên tuổi: Tuyết Vân, Lệ Kim, Thu Ngân…
Những thành công đó đến từ những quyết định sáng suốt, nhanh nhạy của những nhà lãnh đạo thể thao TP.HCM; tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi, ứng dụng các phương pháp đào tạo khoa học thường xuyên được cập nhật của ban huấn luyện và cả sự đoàn kết của thầy trò trong đội tuyển quyền TP. HCM. Hằng đêm, Trung tâm TDTT Nguyễn Tri Phương, nơi tập trung của đội tuyển quyền TP.HCM, luôn sáng đèn, thu hút hàng trăm võ sĩ đến luyện tập.
Hàng trăm võ sĩ đến luyện tập ư? Thật sự là vậy. Đây là con số thống kê chính xác bởi có rất nhiều võ sĩ nhí, chẳng thuộc “biên chế” trong đội tuyển nào, cũng khăn gói cùng đàn anh, đàn chị đến tham gia. Các em đến vì niềm đam mê, vì mơ ước ngày nào đó cũng sẽ xứng danh như những Tuyết Vân, Lệ Kim, Thu Ngân, Thùy Linh… Nói cách khác, sân tập của đội tuyển quyền TP.HCM giống như một điểm tựa tinh thần cho thể thao phong trào, thể thao đỉnh cao phục vụ phong trào là vậy.
Và chính những đêm tập luyện đông đảo võ sĩ tham dự như thế, ban huấn luyện tuyển quyền TP.HCM đã tuyển chọn những lứa võ sĩ nhí từ 9-11 tuổi, làm rạng danh Việt Nam thông qua giải vô địch Taekwondo các CLB Quốc tế năm 2015 vừa rồi. Bởi thế chẳng mấy bất ngờ khi trên bục vinh quang được xướng tên có Châu Ngọc Tuyết Sang (em gái Châu Tuyết Vân) hay bé Nguyễn Thanh Hiền Linh, là con của HLV Nguyễn Thanh Huy. Ông Huy tự tin nhấn mạnh: “Thành công lớn nhất của giải chính là việc phát hiện, tìm kiếm và chọn lọc được những gương mặt mới, nhất là tuổi từ 9-11. Phải làm thật sớm, phải chuẩn bị thật kỹ để 10 năm nữa, những gương mặt này kế thừa đàn anh, đàn chị hiện nay!”.
Có thể bạn quan tâm: Video clip “Một buổi luyện tập cùng đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam”
[jwplayer player=”1″ mediaid=”64836″]
Hiếu Dân