Hổ hình quyền hay Hổ quyền hay còn gọi dân dã là võ hổ là một bài quyền truyền thống của võ thuật Trung Hoa dựa trên các động tác mô phỏng theo loài hổ – chúa sơn lâm với những tính chất hung mãnh, cường bạo nhưng cũng rất uyển chuyển, linh hoạt.
Hổ hình quyền thuộc hệ thống Hình ý quyền (Ngũ hình quyền: gồm Long, Hổ, Hạc, Báo, Xà) của Thiếu Lâm tự và được Hồng Hy Quan (Nam quyền) phát triển sau này và đến thời Hoàng Phi Hồng,Lâm Thế Vinh đã tạo ra chiêu thức trứ danh Hổ Hạc song hình quyền. Hổ hình quyền cũng thể hiện và ảnh hưởng trong các phái võ khác như: Vịnh Xuân Quyền, Trung Ngoại Chu Gia Võ cổ truyền Việt Nam, Silat của Indonesia…. Động tác mô phỏng về loài hổ được ghi nhận sớm nhất từ thời Tam Quốc ở Trung Quốc với danh y Hoa Đà trong bài luyện tập ngũ cầm hý.
Những bài vận động mô phỏng về loài hổ xuất hiện sớm nhất có lẽ là bài tập dưỡng sinh “Ngũ Cầm Hí” của Hoa Đà. Trong mục “Nghệ Văn Chí” của sách “Hán Thư” phần “Phương Thuật liệt truyện” có ghi lời của Hoa Đà: “Con người vốn ham muốn vận động nhưng chớ quá sức…Nay ta có thuật Ngũ Cầm Hí gồm một là gấu, hai là hạc, ba là nai, bốn là hổ, năm là vượn. Bắt chước năm con này độ dẫn sẽ tiêu trừ mọi bệnh tật, và tay chân lại thêm linh hoạt”.
Đến thời kỳ võ học phát triển, tương truyền, bài hổ hình quyền xuất phát từ các nhà sư Thiếu Lâm Trung Quốc trong hệ thống Ngũ hình quyền. Ngũ Hình quyền thật ra có nguồn gốc ban đầu từ Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam vào thời nhà Nguyên do Thu Nguyệt thiền sư, là pháp danh của Bạch Ngọc Phong, sáng tác trên cơ sở phát triển của 173 chiêu thức của La Hán Thập Bát thủ (18 thế tay của phật A La Hán).
Trong quá trình họ quan sát hoạt động của loài hổ, các nhà sư Thiếu Lâm đã thấy được sức mạnh, sự dũng mãnh và uy lực của chúng và coi đó là một mẫu mực để noi theo rèn luyện võ thuật. Hổ Hình Quyền phản chiếu ảnh hưởng đặc trưng về hành vi của loài hổ. Hổ Hình Quyền khác biệt so với các hình quyền khác ở điểm chủ đạo là tạo một thể cốt mạnh mẽ vì hổ là con vật nhanh nhẹn và quyết liệt. Động tác tấn công của hổ được ví là là động tác ép tới tạo áp lực mạnh, sức của hổ là một loại ngoại lực cương mãnh hung bạo.
Ngoài môn phái Thiếu Lâm thì nhiều môn phái võ thuật khác trong nhiều chiêu thức, động tác cũng xuất hiện các thế của hổ hình, đến thời kỳ nhà Thanh, Hồng Hy Quan, đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm Nam quyền đã phát triển bài hổ hình quyền lên một bước và đến thời kỳ của Hoàng Phi Hồng, Lâm Thế Vinh đã phát triển hoàn thiện hơn. Bạch Mi quyền của Bạch Mi đạo nhân sau này cũng được sáng tác trên cơ sở Hổ hình quyền và Báo hình quyền của Ngũ Hình quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam.
Bên cạnh võ học của Trung Quốc thì nhiều môn võ cổ truyền của các dân tộc khác như Việt Nam, Indonesia… cũng có nhiều chiêu thức mô phỏng động tác của loài hổ và gọi chung là hổ quyền như bài võ Lão hổ thượng sơn, Penchat Silat. Trong hệ thống 10 bài quyền thuật Việt Nam được đưa vào hệ thống giảng dạy bắt buộc của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng có một bài võ với hình tượng con hổ, đó là bài Lão Hổ Thượng Sơn.
Còn tiếp…
Vothuat.info (sưu tầm)