Bao gồm võ cổ truyền, cờ tướng và cả một chút nghệ thuật diễn xuất, cờ người võ thuật mau chóng chinh phục thị hiếu người xem nhờ kết hợp được tính quyết liệt của những trận thượng đài đẳng cấp với các nét văn hóa đặc biệt của dân tộc.
3 môn võ cổ xưa nhất nền văn hóa Á Đông
Muay Thái và những giá trị văn hóa – con người Thái Lan
Võ đài của cờ tướng
Dù xuất hiện và phổ biến trên hầu khắp các tỉnh làng miền Bắc từ thời xa xưa, cờ người chỉ thực sự trở nên bắt mắt, đi vào lòng người dân như một môn thể thao biểu diễn ngoạn mục vào đầu những năm 90, khi loại hình cờ người – đấu võ được khai sinh bởi hội võ cổ truyền ở miền Nam. Năm 1989, với mong muốn cải tiến cờ người trở nên một môn thể thao thực thụ cũng như quảng bá cho võ cổ truyền của dân tộc, hai võ sư Hồ Tường và Lê Văn Vân đã phối hợp với chủ tịch Hội Cờ tướng TPHCM bấy giờ là ông Quách Anh Tú để thành lập nên hội cờ người đầu tiên ở miền Nam. Kể từ đó, một trong những loại hình thể thao biểu diễn đặc sắc bậc nhất thế giới, cờ người võ thuật đã được khai sinh tại hội võ cổ truyền ở Nhà Văn hóa Thanh niên.
Khác hẳn loại hình ở miền Bắc, nơi người diễn chỉ đơn thuần đóng vai trò thay thế cho các quân cờ trên một bàn cờ rộng lớn, cờ người võ thuật đòi hỏi người tham gia phải là những võ sinh có đẳng cấp thực thụ. Một bàn cờ người thường rộng hơn 100 m2, với phần “sông” ở giữa chính là nơi giao đấu của các quân cờ mỗi khi ăn quân. Với cả thảy 32 quân cờ, một ván cờ người thường có khoảng 20 trận giao đấu, được khiển bởi các kỳ thủ hoặc diễn lại những ván cờ nổi tiếng. Một trận cờ người có thể đấu võ bằng tay không hoặc đủ cả thập bát ban binh khí tùy theo yêu cầu của khán giả.
Niềm đam mê của các võ sinh
Không chỉ tạo nên sự lôi cuốn cho người xem, điểm giá trị của cờ người võ thuật nằm ở sự hứng khởi của chính những người trong cuộc. Bất kỳ ai học võ ắt cũng đều khao khát tìm thấy niềm vui trong những trận giao đấu. Trận đấu càng quyết liệt, càng thu hút nhiều khán giả tất nhiên càng tốt, nhưng làm sao vẫn giữ được cái tinh thần hòa hiếu giữa các bạn đồng môn mới thật sự là khó. Cờ người chính là nơi để thỏa mãn điều này. Không ít các bạn trẻ tìm đến với những lò võ cổ truyền vì khao khát được mặc lên người những bộ trang phục mô phỏng theo nghĩa quân Tây Sơn, tham gia vào các trận quyết đấu dưới sự cổ vũ hò reo vang dội trong một ván cờ người.
Theo võ sư Hồ Tường, bên cạnh việc giải trí, cờ người còn thực sự rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cho các võ sinh trong lò võ của ông. Việc phải thi đấu biểu diễn khiến các võ sinh vừa có thể trau chuốt thêm nhiều kỹ năng khó, vừa rèn luyện yếu tố tâm lý vững vàng khi thi đấu dưới ánh mắt quần chúng. Việc sử dụng cả binh khí đôi lúc gây nên những thương tích khá nặng, nhưng chính điều này cũng khiến các võ sinh học cách tiết chế bản thân cũng như trau dồi thêm bản lãnh thi đấu. Võ sư Hồ Tường cho biết để đủ trình độ đóng vai một quân “chốt” trong bàn cờ, các võ sinh phải mất tối thiểu là 6 tháng tập luyện, trình độ càng cao thì càng được “thăng cấp” những quân cờ mạnh hơn.
Lôi cuốn vì tính diễn xuất
Ngay từ khi vừa xuất hiện, cờ người võ thuật đã lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân. Bên cạnh lối đánh dữ dội và rất thật, việc pha trộn với kỹ năng diễn xuất đã tạo nên những nét riêng biệt độc đáo cho các thế võ trong cờ người. Chẳng hạn, để triệt hạ đối thủ, quân “Pháo” luôn phải thực hiện đòn thế nhảy bật qua đầu đối thủ, một trong những động tác rất khó nhưng cũng đầy ngoạn mục. Chính yếu tố đậm chất “điện ảnh” này khiến những buổi diễn cờ người đôi lúc thu hút cả các nhà làm phim lẫn các chuyên gia võ thuật từ nước ngoài. Ngoài ra, những yếu tố như phục trang, cờ lọng, người bình cờ… cũng góp phần khiến cờ người trở thành một loại hình văn hóa đặc biệt.
Những năm 90, từ thành công của đội cờ người ở Nhà Văn hóa Thanh niên, không ít đội cờ người khác đã được dựng nên và còn tồn tại đến bây giờ là đội cờ người Q.4 của võ sư Phan Văn Trung. Võ sư Hồ Tường cho biết cách đây nhiều năm, đội cờ người của ông luôn kín lịch diễn vào các dịp lễ hội, thường xuyên được mời đi lưu diễn ở các tỉnh thành khác. Thời gian gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn nên các đội cờ người trong thành phố cũng không còn đắt “show” như trước. Dù vậy, các võ đường cờ người của hai võ sư Hồ Tường và Phan Văn Trung hiện vẫn có khá đông đảo các học viên, chủ yếu là các học sinh, sinh viên tìm đến theo học như một thú vui giải trí bên cạnh việc rèn luyện thân thể.
Video clip: Một buổi diễn cờ người võ thuật
[jwplayer player=”1″ mediaid=”66631″]
Khám phá võ thuật