Con người là tiểu vũ trụ hòa đồng vào đại vũ trụ cùng thiên nhiên, tạo vật chung quanh. Cho nên người xưa thường mô phỏng “thần, hình” các loại động vật mà sáng lập ra các hệ thống quyền pháp riêng biệt cho môn phái mình.
Theo truyền thuyết thì vào thời Kim, Nguyên có hòa thượng Giác Viễn (có tài liệu gọi là Giác Nguyên) đi sang phía tây tìm thầy học. Đến Lan Châu và Lạc Dương, ông gặp Lý Tẩu và Bạch Ngọc Phong và mời về chùa Thiếu Lâm. Võ công nguyên thủy của Thiếu Lâm gồm 18 thế trong La Hán Thập Bát Thủ, được thành Thất Thập Nhị Huyền Môn (72 công phu) làm cơ sở nền tảng cho Thiếu Lâm quyền về sau. Từ 72 thế quyền sau đó được phát triển lên đến 108, rồi 170 thế … Về sau, các thế quyền này kết hợp với các bài tập khí công Ngũ Cầm Hí của Thần Y Hoa Đà thời Tam Quốc và Bát Đoạn Cẩm mà khai triển thành ngũ hình quyền gồm long, xà, hổ, báo, hạc.
Theo Bạch Ngọc Phong mọi người đều phải phát triển theo 5 phương diện sức mạnh theo cách thế phát triển toàn thân để hoàn thiện toàn thân. Năm phương diện đó là lực, cốt, tinh, khí và thần. Thiếu Lâm ngũ hình quyền được sáng tạo để giúp phát triển cả 5 phương diện sức mạnh kể trên. Trong đó long quyền luyện thần, hổ quyền luyện cốt, Báo quyền luyện lực, xà quyền luyện khí, hạc quyền luyện tinh.
Võ công Thiếu Lâm phát nguyên từ Phật giáo nên rồng trở thành một ứng viên hoàn hảo biểu thị những nét đặc sắc của ngũ hình quyền. Do mang tên của con vật thần bí này, Thiếu lâm long hình quyền đã vượt quá thế giới thực tế dễ nhận biết của các công phu rèn ngoại lực và xâm nhập thế giới tinh thần của các năng lực nội tại, nhưng dù biểu thị cho nội lực, rồng vẫn đóng góp hữu ích cho việc rèn ngoại lực. Rồng vốn không có mặt trong thực tế nên nhiều kỹ thuật của rồng chỉ là biến dị những đặc trưng thuộc kỹ thuật của các con vật khác. Chẳng hạn, động tác long hình quyền thường mềm mại và uốn vòng tương tự cử động của loài rắn, dù không hoàn toàn giống.
Tuy nhiên, không hề có sự lẫn lộn giữa long hình quyền và xà hình quyền trong võ công Thiếu lâm. Dù cả hai giống loài rắn mối, nhưng rắn không có chân còn vuốt rồng tạo thành một yếu tố quan trọng trong cách thế chiến đấu của rồng. Trong khi xà hình quyền gồm nhiều động tác mềm mại uốn khúc và tấn công bằng đầu ngón tay thì long hình quyền được biểu hiện bởi các động tác mềm mại xoay vòng và kết thúc bằng một đòn cương mãnh đột ngột. Rắn chỉ vận dụng riêng nhu lực còn rồng vận dụng một sức mạnh phối hợp cả cương lẫn nhu. Do con rồng có móng vuốt, gọi là trảo, nên long hình quyền có một kỹ thuật trảo thủ đôi khi có thể lẫn với cách sử dụng móng vuốt của hổ. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt long trảo với hổ trảo qua các đặc trưng là long trảo chủ về vồ chụp trong khi hổ trảo chủ về cào xé. Kỹ thuật long trảo không đánh từ trên xuống để xé toạc đối thủ mà mềm mại hơn, nhắm trước hết tới việc khóa hoặc lôi giựt.
Còn tiếp…
Phan Thanh Đà Hải