Trông bề ngoài phong trần, phớt đời tưởng như lạnh lùng vô cảm, người đàn ông này vẫn còn đó bầu nhiệt huyết, sự say mê khi nói tới võ thuật. Với ông “Võ là đạo sống, là con đường tôi đi mãi đến suốt cuộc đời dù không đem đến tiền tài, danh vọng…”. Người ta gọi thầy Hoàng là “ông Đa Hệ”, vì đa đoan, lắm nghề. Từng là phóng viên, giảng viên, diễn viên, lương y đến giám đốc … nhưng chỉ mỗi nghề võ là không bỏ được …
Ngũ hổ 18 thôn vườn trầu.
Thời Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940), để kháng chiến lâu dài, người dân 18 thôn vườn trầu ra sức tập luyện võ nghệ. Trong số những thầy võ tham gia huấn luyện cho dân, có cha con võ sư Trần Văn Đầy và Trần Văn Chánh.
Võ sư Đầy có người bạn chí cốt, sống cùng mái nhà là võ sư Thuận Tường, người Minh Hương. Mê võ như Thuận Tường sư phụ quả có một không hai. Không màng chuyện vợ con, ông dành cả đời nghiên cứu, luyện công. Thành quả cống hiến cho võ học của ông: Khai sinh “Thiết Quyền Đạo”. Nói đến Thiếu Lâm, người ta vẫn nghe “Nam quyền, Bắc cước”. Bắc Thiếu Lâm sở trường đòn dài, cước pháp phóng túng, chủ công. Là môn đồ Bắc Thiêu Lâm, thầy Tường muốn gia tăng tính đa dạng, lợi hại của đòn tay. Thiết Quyền Đạo phát huy tý lực, thủ pháp mạnh mẽ, nặng tính sát thương. Tuyệt kỹ này để Bắc Thiếu Lâm như rồng thêm cánh, nguy hiểm cả thủ, cước pháp.
Võ sư Trần Văn Chánh – con trai thầy Đầy – từ nhỏ đã thủ đắc công phu Quyền An Thái lẫn Thiết Quyền Đạo. Thầy Chánh có 5 con trai đều được ông truyền thụ võ công từ sớm. Trưởng nam ông Trần Hữu Hoàng – mới 15 tuổi đã là phụ tá đắc lực của cha. Càng lớn chàng trai này càng chứng tỏ là niềm hy vọng của ông. Lỳ đòn, kỹ thuật toàn diện, áp đảo dữ dội, dứt điểm chớp nhoáng, anh thường dành phần thắng trong mọi cuộc đối đầu. Năm 1960, được thân sinh ủy thác, anh áp dụng tinh hoa hai dòng võ, hình thành “Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo”. Năm 1970, Trần Hữu Hoàng được Tổng cục quyền thuật Việt Namcấp bằng võ sư. Chấp chính chưởng môn phái, võ sư Hoàng đưa Hắc Hổ trở thành một trong những trung tâm đào tạo võ sĩ đánh đài chuyên nghiệp. Cả 4 em trai ông, Trần Văn Xuân, Trần Văn Hiệp, Trần Thuận Hòa, Trần Thanh Quang đều là võ sư. Trước 1975, nói đến dòng võ Hắc Hổ hay đại danh Hóc Môn, ai cũng nghe danh “ngũ hổ” của 18 thôn vườn trầu.
Con người “action”.
Là mẫu người “hành động”, người ta thấy thầy Hoàng mọi nơi với đủ vai trò. Ở chùa Kỳ Quang (Gò Vấp) trong chiếc áo trắng lương y, ông khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ở trường huấn luyện viên trưởng kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng võ thuật thuộc MC Corporation. Có lúc gặp ông ở trường Cao đẳng Điện ảnh sân khấu với chức danh giảng viên. Ở xí nghiệp phim Tp.Hồ Chí Minh, ông là chủ nhiệm CLB cascadeur II. Ngoài vai trò chỉ đạo võ thuật kiêm người đóng thế những pha nguy hiểm, ông còn tham gia diễn xuất. Trong những năm 90, ông chỉ đạo võ thuật và xuất hiện trong phim Vết thù năm tháng, Tây Sơn hiệp khách, Hẹn gặp ở Sài Gòn … Người ta không biết ông lấy đâu ra nhiều thời giờ đến thế. Có điều, dù “tham lam” mỗi sân chơi chỉ dành quỹ thời gian nhất định, thể nghiệm mình. Với võ học, là người đứng đầu môn phái, ông có sứ mệnh phải ra sức bảo tồn và phát huy hơn nữa dòng võ gia truyền của ông cha.
Gần nửa thế kỷ ra đời, tính đến nay Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo có 15 võ sư, 120 huấn luyện viên và hơn 4.000 võ sinh. Trước 1975, võ đường Hắc Hổ từng cho “ra lò” nhiều võ sĩ thành danh. Nổi bật trong số này là Nguyễn Thanh Long vô địch năm 1965 (hạng cân 60kg), Lê Hắc Hải vô địch 1966 (57kg). Hiện nay ở Tp.Hồ Chí Minh, Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo có hai điểm dạy tại Nhà văn hóa phường Tân Thới Hiệp, quận 12 và phường 17, quận Gò Vấp. (Võ sư Trương Văn Tư)
Năm 1989, võ sư Trần Hữu Hoàng là thành viên Hội võ cổ truyền TP.HCM. Quá trình cống hiến cho võ học nước nhà của ông được ghi nhận với huân chương “Vì sự nghiệp TDTT” của Ủy ban TDTT quốc gia. Ông còn nhận được nhiều bằng khen của Sở TDTT TP.HCM, Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn võ thuật TP.HCM, Hội Võ cổ truyền TP.HCM.
Anh Ngọc