Tuổi đã xấp xỉ thất thập cổ lai hy và sức khỏe giảm sút sau cơn tai biến, nhưng hàng ngày võ sư Hà Thanh Sơn vẫn đứng lớp, hướng dẫn cho gần trăm võ sinh tập luyện. Gần 50 năm gắn bó với lò võ Taekwondo mang tên vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, tại Sóc Trăng, là bấy nhiêu năm võ sư Hà Thanh Sơn tâm huyết giữ lửa tình yêu võ học.
Năm con khỉ gặp “độc cô cầu bại” tuổi Thân làng Taekwondo
Kịch tính trận giao chiến giữa Muay Thai và Taekwondo
Vẫn truyền nghề sau tai biến
Không còn đi lại nhanh nhẹn kể từ sau khi bị tai biến, nhưng võ sư Hà Thanh Sơn vẫn giữ được vẻ tinh anh. Chiều nào, ông cũng ra sân, trực tiếp xem, sửa động tác và thị phạm cho võ sinh. Quê Châu Đốc, An Giang, ông từng là võ sư trẻ nhất của lò võ Taekwondo Bảo Truyền một thời danh tiếng ở đất Sài Gòn vào giữa thập niên 1960. Năm 1968, võ sư Hà Thanh Sơn về Sóc Trăng sinh sống và mở võ đường Nguyễn Trung Trực- tiền thân CLB võ thuật Taekwondo Nguyễn Trung Trực ngày nay, thu hút đông đảo người yêu võ đến tập luyện. Suốt mấy chục năm qua, lúc nào lò võ Nguyễn Trung Trực cũng đông võ sinh- thời điểm đông nhất có gần 200 võ sinh, ít nhất cũng khoảng 70 người. CLB võ thuật Taekwondo Nguyễn Trung Trực không chỉ có võ sinh trẻ mà còn có cả những người đã ngoài 40. Những môn sinh lớn tuổi vốn là học trò lâu năm của võ sư Hà Thanh Sơn và hiện là huấn luyện viên của các CLB võ thuật ở các huyện của tỉnh Sóc Trăng. Họ thường xuyên đến gặp ông nhờ truyền thụ thêm kinh nghiệm huấn luyện.
Trước khi bị tai biến, võ sư Hà Thanh Sơn trực tiếp đứng lớp dưới sự hỗ trợ của con trai út là võ sĩ Hà Bảo Thắng. Hơn 2 năm qua, bệnh tật đã khiến sức khỏe của ông giảm sút, nên mọi hoạt động chủ yếu do anh Bảo Thắng phụ trách. Tuy vậy, võ sư Thanh Sơn vẫn giữ được phong thái nhà võ qua ánh mắt cương nghị, giọng nói hào sảng.
Điểm tựa rèn luyện thân thể
Sân tập của lò võ Nguyễn Trung Trực rộng rãi. Các võ sinh được trang bị đầy đủ dụng cụ tập luyện, từ giáp đấu, tay đấm đến bao cát, thảm tập,… Đối với học trò nghèo, võ sư Thanh Sơn không thu học phí; ông còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, hoạn nạn. Đó chính là những bài học ngoài sàn võ khiến học trò càng thêm yêu quý, kính trọng ông. Nhiều phụ huynh tin tưởng, gởi gắm con em đến lò võ Nguyễn Trung Trực, bởi ở đây, các em không chỉ học võ, rèn luyện sức khỏe mà còn thấm nhuần những bài học về nhân nghĩa, cách đối nhân xử thế.
Mặc dù trong những năm qua, phong trào tập luyện Taekwondo của Sóc Trăng phát triển mạnh, lan tỏa rộng khắp với hơn 20 CLB Taekwondo hoạt động ổn định ở các huyện, thành phố, nhưng Sóc Trăng vẫn chưa xây dựng được các tuyến vận động viên và cũng chưa từng tổ chức các giải Teakwondo. Đội tuyển Taekwondo Sóc Trăng đã giải tán từ năm 2006 đến nay. Điều đó cho thấy việc lò võ Nguyễn Trung Trực vẫn hoạt động ổn định, thu hút được lượng lớn võ sinh trong suốt gần 50 năm qua, quả là không đơn giản.
“Võ thuật chính là niềm đam mê từ thời trai trẻ của tôi. Hơn 50 năm theo nghiệp võ, hiện giờ sức khỏe không còn như xưa nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục tâm huyết của mình, giữ cho lò võ này hoạt động ổn định. Hàng ngày, xem học trò chuyên cần tập luyện và lò võ lúc nào cũng đông võ sinh là niềm vui lớn đối với người dạy võ”- võ sư Hà Thanh Sơn chia sẻ. Dáng thầy vẫn sừng sững, giọng nói vẫn uy nghiêm, đó là hình ảnh mà nhiều môn đệ khắc sâu để tôi luyện sức khỏe và cốt cách sống có ích cho đời.
Theo Phú Tân/SGGP