Ngày nay, Boxing đã là một bộ môn cực kì phát triển tại Việt Nam, có mặt tại hầu hết các tỉnh thành chứ không riêng gì 2 “kinh đô” võ thuật là Hà Nội và Tp.HCM. Rất dễ dàng để bạn có thể tìm thấy mọi thứ liên quan đến Boxing: các cơ sở tập luyện, các bài viết đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật, và thậm chí… phim ảnh.
Lời khuyên – tự vệ, đừng bao giờ “chơi lầy” với đối thủ
Lời khuyên – sau Tết, người luyện võ nên làm gì?
Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn tập Boxing, hãy điểm qua 5 điều sau đây – 5 điều có thể khiến bạn thực sự phải nghiêm túc suy nghĩ lại về quyết định của mình.
1: Boxing “có thể” sẽ là một bộ môn nhàm chán.
Dùng từ “có thể” ở đây là vì Boxing không phải là bộ môn thích hợp dành cho những người thiếu đam mê. Có thể người này thấy Boxing là bộ môn hay, nhưng có người sẽ thấy chán. Đây là điều hết sức thành thật và nghiêm túc mà bài viết này muốn nhắn nhủ đến các bạn.
Trong nhiều ngày trời, bạn có thể sẽ phải tập đi tập lại một kỹ thuật duy nhất. Trong nhiều tháng trời, bạn có thể sẽ chỉ quẩn quanh với vài kỹ – chiến thuật. Và trong nhiều năm trời, có thể bạn vẫn loay hoay chưa tìm cách áp dụng được những cú đòn ảo diệu mà bạn thấy được từ các video clip thi đấu của những huyền thoại thế giới.
Boxing là bộ môn của sự tinh tế, đơn giản nhưng hiệu quả. Nếu bạn không thấy được nét đẹp trong những yếu tố đó, không thấy được từng cú đấm là sự kết tinh tuyệt vời của nhiều yếu tố như tốc độ, kỹ thuật, sức mạnh… những yếu tố mà bạn phải kỳ công tập luyện, chắc chắn bạn sẽ thấy bộ môn này rất nhàm chán. Nếu bạn không có đam mê với từng buổi tập của Boxing, bạn sẽ không thể đeo đuổi bộ môn này lâu dài được.
2: Học phí Boxing tương đối cao hơn các CLB phong trào ở bộ môn khác.
Khi đã có trình độ, bạn có thể “dợt” với bạn tập ở bất cứ đâu, có khi là vỉa hè hay chỉ là hơn chục ô gạch trước sân nhà. Bạn cũng có thể chấp nhận hi sinh rủi ro rằng đôi bàn tay của bạn có thể sẽ bị tổn thương theo năm tháng vì không thể đầu tư cho những đôi găng Boxing chất lượng (mà giá của nó có thể lên đến 1 -2 triệu VNĐ).
Thế nhưng, nếu HLV tâm huyết mở lớp tập, người ấy chắc chắn sẽ phải đầu tư những cơ sở vật chất tối thiểu cho bộ môn này, từ vài loại bao cát chuyên dụng, mũ bảo hộ, thậm chí là găng cho học viên mượn nữa. Nhiều hơn nữa là một vài tấm gương, một thùng nước đá… Tóm lại, rất khó để tạo nên một “CLB Boxing” với một người thầy, vài chục học viên, một khoảng sân trống và…hết.
Các CLB Karate, Taekwondo phong trào có thể duy trì như thế, nhưng Boxing thì không. Và một CLB Boxing “bình dân” nhất vẫn có thể yêu cầu bạn mức học phí cao gấp đôi các CLB phong trào Taekwondo. Lý do thì chúng ta đã nói ở trên rồi đấy!
3: Boxing là bộ môn của va chạm
Thực ra, bạn vẫn có thể trình bày với HLV của bạn về nguyện vọng tập Boxing vì sức khỏe, bạn không sẵn sàng cho việc đối kháng võ thuật. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định đi theo bộ môn Boxing trên lộ trình bình thường như những người bạn tập khác thì hãy sẵn sàng để va chạm.
Boxing là bộ môn khá đơn giản: đấm, và tránh bị đấm. Từng kỹ thuật bạn học – từ đơn giản đến phức tạp đều chỉ phục vụ 2 điều đó. Sau thời gian tập luyện kỹ thuật và các yếu tố thể chất, bạn sẽ phải đối mặt với bạn tập của mình. Va chạm là yếu tố tất yếu để rèn giã bản lĩnh của một Boxer, bạn không thể cả đời làm bạn với những chiếc bao cát được.
Tuy nhiên, một điều may mắn rằng nếu tập luyện dưới sự chỉ đạo của một HLV có hiểu biết thì bạn sẽ được chuẩn bị đầy đủ “vũ khí” để bước vào những cuộc so găng. Hãy yên tâm.
4: Bạn sẽ bị những bộ môn khác so sánh
Những người không hiểu về Boxing sẽ nói rằng Boxing không thực chiến, đơn giản là vì Boxing không có đòn đá, không có gối chỏ, không có vật…
Đó là sự thật. Sự thật rằng Boxing thiếu rất nhiều đòn thế nếu so sánh với những môn khác. Mỗi bộ môn có một con đường riêng, và Boxing chọn con đường tập trung vào những cú đấm. Sự thật rằng ngay từ buổi sơ khai (600 năm trước Công Nguyên), Boxing đã là một bộ môn thể thao. Thể thao thì có luật, và bạn phải tôn trọng điều đó. Bạn đi theo Boxing, bạn phải tôn trọng con đường của Boxing. Nhưng cũng đừng bao giờ quên rằng kỹ thuật đấm của Boxing đang là “kim chỉ nam” cho đòn tay của rất nhiều bộ môn khác như Muay Thái, Kickboxing…
Còn về vấn đề thực chiến, bạn có thể xem thêm bài viết: Môn võ nào đứng đầu danh sách những môn thực chiến nhất?
5: Bản lĩnh là thứ làm nên giá trị và đẳng cấp của bạn.
Trong nhiều bộ môn khác, chiếc đai là thứ làm nên đẳng cấp. Chỉ cần nhìn vào đó, người khác sẽ phần nào đánh giá được con người bạn.
Boxing không có chiếc đai đó. Bạn cũng không thể dùng thời gian tập luyện của mình để “khè” người khác, vì đó không phải thước đo duy nhất chỉ ra rằng bạn tài giỏi đến mức nào.
Vâng, bạn phải xỏ găng, phải đối đầu với người khác để chứng minh bản lĩnh của mình. Dĩ nhiên, phòng tập cũng là nhà, là nơi để xả stress, để thỏa đam mê chứ không phải là nơi để ganh đua đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, nếu như bạn thực sự muốn người khác hiểu rằng bạn có bản lĩnh, hay ít nhất là bạn đã không hoang phí những tháng ngày tập luyện của mình, Boxing chỉ có duy nhất 1 cách để bạn chứng minh mọi thứ: đối đầu.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”96712″]
Y.N