Cú đấm móc được xem là một trong những đòn hiệu quả nhất trong boxing. Trong đó cú đấm móc bằng tay trước là cú đấm mạnh mẽ nhất bởi quãng đường từ điểm xuất phát đến mục tiêu là ngắn nhất. Do tính hiệu quả của nó nên các võ sĩ boxing thường xuyên sử dụng đòn đấm móc nhưng không phải ai cũng luôn thực hiện đúng, kể cả những võ sĩ chuyên nghiệp. Dưới đây là 5 sai lầm thường gặp khi sử dụng đòn này.
1. Không chuyển trọng tâm đúng cách
Sai lầm phổ biến nhất mà mọi người mắc phải khi tung ra cú đấm móc là chuyển trọng tâm không chính xác. Điều này là dễ hiểu bởi vì đấm móc là một trong những kỹ thuật khó trong boxing. Tuy nhiên, khi bạn đã thuần thục thì sẽ không bao giờ quên nó.
Hãy nhớ rằng sức mạnh trong cú đấm của bạn xuất phát từ thân dưới và di chuyển lên đến tay.
Khi đấm móc, bạn phải đặt trọng lượng của bạn lên cú đấm để có sức mạnh tối đa. Nhiều võ sĩ tung ra liên tục các cú đấm móc nhưng không hiệu quả bởi không đủ mạnh.
Chuyển trọng tâm đúng cách và bạn sẽ trở nên rất nguy hiểm với cú đấm móc và khi đó các đối thủ sẽ phải rất dè chừng bạn.
2. Khoảng cách sai
Thứ hai, rất nhiều người mới bắt đầu có khuynh hướng tung ra cú đấm móc từ khoảng cách quá xa, khiến cú đấm trở nên cực kỳ dễ đoán. Khi bạn tung ra cú đấm từ khoảng cách quá xa, đối thủ của bạn sẽ có nhiều thời gian để phản ứng và phòng thủ, thậm chí là tung ra đòn phản công.
Hãy nhớ rằng cú đấm móc có đặc điểm chính là một cú đấm ngắn, nhanh, gọn và uy lực. Tất nhiên là sẽ có những cú đấm vòng cung với khoảng cách di chuyển dài nhưng đa phần những cú đấm này ít mang lại hiệu quả và làm bạn khá khó khăn để phòng thủ.
Một cách để tạo khoảng cách đúng là di chuyển vào cùng lúc tung ra cú đấm. Bằng cách này bạn có thể giảm cự li với đối thủ một cách nhanh chóng và dễ dàng, đồng thời tăng sức mạnh cho cú đấm của bạn.
3. Lấy đà quá nhiều
Một sai lầm phổ biến khi nói đến đấm móc trong boxing là một số võ sĩ có xu hướng rơi tập trung vào sức mạnh của cú đấm nên lấy đà quá nhiều. Tất nhiên, đây không phải là cách đúng đắn.
Khi đặt nhiều sức mạnh vào cú đấm hơn mức cần thiết, thông thường bạn sẽ phải hi sinh một cái gì đó. Trong trường hợp này là yếu tố bất ngờ. Bằng lấy đà quá nhiều, cú đấm của bạn sẽ đầy sức mạnh nhưng không còn tính bất ngờ nên đối thủ của bạn sẽ đối phó một cách dễ dàng.
Thay vào đó, hãy cố gắng tung ra một cú đấm gọn gàng, không cần lấy đà. Sử dụng trọng lượng của bạn để tạo sức mạnh cho cú đấm thay vì lấy đà. Hãy nhớ, giữ cho cú đấm gọn nhất có thể, tập trung vào kỹ thuật thay vì cố gắng ghi điểm knockout ngay lập tức. Cơ hội để bạn tung ra cú đấm KO sẽ xuất hiện sớm thôi.
4. Buông lỏng phòng thủ
Đừng bao giờ quên phòng thủ. Phòng thủ là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của boxing. Boxing trên thực tế là môn thể thao mà các võ sĩ luôn cố gắng đánh và không bị đánh.
Hầu hết các võ sĩ ít kinh nghiệm đều mắc lỗi cơ bản là quên phòng thủ khi tung ra cú đấm móc. Khi tung ra cú đấm, cánh tay còn lại của bạn luôn ở gần mặt bạn để bảo vệ khuôn mặt và quai hàm mọi lúc. Tuy nhiên, nhiều võ sĩ quên điều này và buông tay.
Điều này tất nhiên để lại một lỗ hổng lớn đểđối thủ của bạn có cơ hội phản công. Hãy luôn luôn đảm bảo rằng khi bạn tung ra cú đấm móc móc, tay còn lại của bạn sẽ rụt về để bảo vệ mặt của bạn. Cả hai tay phải luôn luôn ở vị trí phòng thủ mọi lúc để đảm bảo bạn luôn chủ động trong phòng ngự. Đừng quên cú đấm móc là kỹ thuật vừa tấn công nhưng cũng có thể phòng ngự.
5.Tung cú móc quá rộng
Có nhiều biến thể của một cú đấm móc, trong đó có những cú đấm móc có phạm vi rộng nhưng đừng bao giờ tung ra những cú đấm quá rộng bởi điều đó sẽ mang lại hậu quả rất lớn.
Trước hết, sẽ dễ bị phản công khi lộ ra khoảng trống lớn bên hông. Đối thủ có thể tận dụng để tấn công ngay lúc bạn ra đòn. Một cú đấm có phạm vi quá rộng sẽ là một sai lầm lớn và bạn phải tránh bằng mọi giá.
Tập tung ra cú đấm móc của bạn càng gọn càng tốt. Giữ cho nó ngắn và uy lực. Nếu đối thủ của bạn đứng quá xa, hãy tiến gần lại thay vì đấm quá xa. Bằng cách bước về phía trước khi bạn tung cú đấm, bạn sẽ tăng thêm tốc độ cho cú đấm và giảm khoảng cách.
Cảnh Phúc