Cơ hội nào cho bộ môn Jiujitsu tại đấu trường Olympic

Thể thao hóa luôn là con đường ‘sống còn’ của các môn võ thuật trong thời đại mới, và Olympic là đích đến quan trọng nhất trên hành trình đó. Vật, Judo, Taekwondo, Boxing… những môn võ phổ biến nhất hành tinh đều có mặt tại đấu trường danh giá này.

5 ngôi sao Hollywood là cao thủ BJJ

Vì sao BJJ – Brazilian Jiujitsu được giới văn nghệ sĩ Âu – Mỹ yêu thích?

Với sự phát triển ở tốc độ chóng mặt, trong vòng không đầy một thế kỷ qua (tính từ thời điểm Brazilian Jiujitsu ra đời và chính thức “trình làng” với nhiều cuộc thách đấu đã đi vào lịch sử), Jiujitsu đang được kỳ vọng sẽ là môn võ tiếp theo bước chân vào đấu trường Olympic. Dẫu vậy, cần khẳng định rằng việc một bộ môn xuất hiện ở Olympic là vấn đề hết sức phức tạp, không phải tự nhiên mà cả những bộ môn có hàng trăm năm phát triển như Karate sau nhiều năm mòn mỏi với các cuộc vận động cuối cùng mới có thể xuất hiện tại Olympic 2020 (và đương nhiên là không thể quên công lao của chủ nhà… Nhật Bản, quê hương bộ môn Karate.

Hãy cùng VoThuat.VN điểm lại ccác yếu tố quan trọng trong việc đưa Jiujitsu vào đấu trường Olympic:

TÍNH “THỂ THAO” CAO

Olympic là đấu trường thể thao danh giá nhất hành tinh nên việc bỏ / chọn môn tham dự phụ thuộc phần lớn vào tính “thể thao” của môn đó. Nói một cách dễ hiểu, tính thể thao đại diện cho tầm quan trọng của thể chất và kỹ thuật đặc thù của một bộ môn vào chiến thắng của môn đó. Trong nhiều thập niên, Olympic đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của làng thể thao. Ngôi vị danh giá của Olympic đã làm nam châm động lực thu hút các bộ môn phát triển mạnh mẽ dựa trên nhiều lĩnh vực, từ kinh nghiệm rèn luyện thể chất con người cho đến tính khoa học của từng cử động đặc thù ở mỗi bộ môn. Nói cách khác, môi trường Olympic là cán cân hoàn toàn chuẩn xác về thứ hạng thể chất – kỹ thuật – chiến thuật ở các bộ môn, giảm tối thiểu mức độ “hên xui” của một trận thi đấu thể thao.

Fencing – một trong những bộ môn đậm tính thể thao đã có mặt tại nhiều mùa Olympic.

Jiujitsu là bộ môn đậm tính thể thao, vì chiến thắng của BJJ phụ thuộc gần như 100% vào các yếu tố thể thao như thể chất – kỹ thuật – chiến thuật. BJJ cũng là bộ môn hướng người tập luyện đến sự hoàn thiện về thể chất, xây dựng văn hóa thể thao lành mạnh, sự tôn trọng giữa những người chơi thể thao và các thế hệ VĐV… đúng với tiêu chí về sự tồn tại của Thế vận hội Olympic.

CÓ KỸ THUẬT ĐẶC THÙ, LUẬT ĐẤU THỐNG NHẤT Ở PHẠM VI QUỐC TẾ

Đây là điều quan trọng nhất làm nên tính chuyên nghiệp, chính xác và khoa học của một bộ môn, đặc biệt là khi bộ môn đó tranh tài ở sự kiện tầm cỡ như Olympic.

Dù có nguồn gốc từ Judo, kế thừa nhiều kỹ thuật của Judo (một bộ môn đã tranh tài tại nhiều mùa Olympic), Jiujitsu đã phát triển thành một môn thể thao đối kháng hoàn toàn khác biệt với các kỹ thuật đặc trưng, mục tiêu thể hiện kỹ thuật và nguyên lý đối kháng khác biệt hoàn toàn. Sự hình thành của nhiều tổ chức quốc tế như Liên đoàn Braziliiann Jiujitsu Federation (IBJJF) đã hình thành một khuôn khổ thống nhất về luật đấu của Jiujitsu trên phạm vi toàn cầu, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của BJJ như một môn thể thao chuyên nghiệp.

CÓ TỔ CHỨC HỖ TRỢ

Việc vận động và tổ chức thi đấu một môn ở Olympic đòi hỏi sự hỗ trợ rất to lớn về mặt kinh tế, chuyên môn. Taekwondo có một tổ chức quốc tế lớn mạnh và riêng một viện hàn lâm chuyên về các vấn đề khoa học để giữ vị trí của mình trong Olympic. Nhật Bản đã dùng mọi nguồn lực kinh tế và ngoại giao (thậm chí đợi dịp trở thành chủ nhà Olympic) để đưa Karate vào Thế vận hội.

Với sự vận động và hỗ trợ tích cực của Liên đoàn Abu Dhabi’s UAEJJ (Liên đoàn Jiujitsu các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, cũng là “chủ nhà” của ADCC – giải đấu được mệnh danh “Olympic của Jiujitsu), việc ASIAD (hay còn gọi là The Asian Games) chấp nhận đưa Jiujitsu vào thi đấu không phải là bước nhảy bất ngờ, mà là một phần của tiến trình chắc chắn tiến đến mục đích đưa Jiujitsu tranh tài tại Olympic.

Phạm Vũ