Holyfield và bài học về sự tha thứ

(VoThuat.vn) – Từng bị Mike Tyson cắn lìa một vành tai, nhưng cựu vô địch quyền Anh thế giới Evander Holyfield coi đó là cơ hội để học cách tha thứ.

21 tuổi giành HC đồng Olympic, 23 tuổi vô địch thế giới hạng cruiserweight, nhưng phải tới 31 tuổi, khi lên đánh hạng nặng, Holyfield mới nổi tiếng. Đó là ông khi hạ Riddick Bowe để đoạt đai WBA và IBF. Nhưng quyền Anh thập niên 1990 chỉ chú ý tới Mike Tyson. Lối đánh tấn công hung bạo không những khiến “Mike thép” tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của giới quyền Anh, mà còn giúp ông luôn được đặt vị thế kèo trên với các đối thủ, ngay cả khi mới ra tù.

Holyfield (trái) trong trận đấu với Mike Tyson. Ảnh: Reuters.

Holyfield (trái) trong trận đấu với Mike Tyson. Ảnh: Reuters.

Holyfield, với thành tích 32 thắng, ba thua khi gặp Tyson, cũng không ngoại lệ. Ở tuổi 34, khi sự nghiệp đã bước qua bên kia sườn dốc, được đấu với Tyson là một ân huệ lớn với võ sĩ sinh tại Alabama, người trước đó bị chẩn đoán mắc bệnh tim và gặp vài rắc rối về tài chính. Võ sĩ có biệt danh “Chiến binh” rất cần tiền, vừa để trang trải cuộc sống, vừa giúp con cái học hành. Đó là lý do trong trận tái đấu với Tyson năm 1997, Holyfield kiên quyết không bỏ cuộc, dù bị Tyson cắn tai không chỉ một mà những hai lần. Ông trụ tới hết hiệp, trước khi được Mills Lane xử thắng cuộc, do Tyson bị truất quyền thi đấu.

“Lý do duy nhất ngăn tôi dừng cuộc chơi là con trai. Tôi không muốn ai chế nhạo nó, chỉ vì bố nó là một kẻ hèn nhát, dễ từ bỏ”, Holyfield mở lời trong buổi phỏng vấn với The Times.

Trước khi dính vào vụ cắn tai, Holyfield và Tyson thân thiết. Không chỉ cùng màu da, Holyfield còn đồng cảm với đồng nghiệp về tuổi thơ gian khó. Ông sống trong một căn nhà chật hẹp, nơi phải chia sẻ phòng ngủ cùng tám anh chị em. Khi trưởng thành, Holyfield bị cái chết của George Floyd, một người da màu tại Mỹ,  ám ảnh. “Mẹ của tôi nói, là mỗi màu da đều có mặt tốt và xấu. Dù thế nào, đè cả người lên cổ một người khác, tới mức làm hại họ là việc sai trái. Nhưng vào lúc tôi còn bé, ai cũng quen với việc lạm dụng ấy. Tất cả đều bàng quan như thể không nhìn thấy gì”.

Giữa Holyfield và Tyson còn có điểm chung nữa, là Tổng thống Donald Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng rất hâm mộ Tyson, và từng nhắn nhủ huyền thoại quyền Anh hạng nặng qua Twitter: “Hãy đấm tiếp đi Mike”. Nhưng vào năm 1997, khi mới manh nha dấn thân vào con đường chính trị, tỷ phú Trump đã đặt cược vào Holyfield và thắng 20 triệu USD nhờ võ sĩ này. “Sự thật là tôi đã phải trả giá rất nhiều đau buồn vì trận đấu ấy. Dù vậy, tôi thấy vui vì đó là cơ hội để nói cho mọi người biết về sự tha thứ. Giống như chuyện nhà bạn có trộm, khi xảy ra, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là làm cách nào để bạn có thể đột nhập như các tên tội phạm”, ông bày tỏ.

 https://www.youtube.com/watch?v=lUwsUDxQ47U

Giống Tyson, Holyfield kết hôn ba lần, và cũng nướng sạch toàn bộ sản nghiệp trị giá 200 triệu USD vào ba cuộc chia tay tốn kém, cũng như nuôi dạy 11 người con. Trong chương trình “Back in the Game” trên CNBC hồi năm ngoái, Holyfield tự nhận bản thân quản lý tài chính không tốt. Từ năm 1992, Holyfield bắt đầu bị hoài nghi và liên tục được hỏi, khi nào sẽ treo găng. Ấy là khi Holyfield nhận thất bại đầu tiên, trước Bowe. Và dù sau đó thắng chính tay đấm này để lần đầu tiên vô địch thế giới, ông cũng chẳng thể duy trì sự nghiệp đỉnh cao dài lâu. Mỗi khi giành một đai vô địch, Holyfield chưa bao giờ giữ được danh hiệu quá ba trận.

Sự nghiệp của võ sĩ sinh năm 1962 đi theo vòng luẩn quẩn: giành đai vô địch, để mất, rồi lại cố gắng kiếm kèo đấu để đòi lại danh hiệu. Thế nên, đến tận lúc giải nghệ, trong khi Tyson được yêu mến bởi lối đánh dũng mãnh cùng kỷ lục vô địch thế giới trẻ nhất, Holyfield hầu như được nhớ đến nhờ đúng… hai màn so găng Tyson. So với các đối thủ cùng thời, Holyfield thuộc nhóm hàng đầu, nhưng chưa bao giờ là ông hoàng phòng vé, hay kiếm được món tiền thưởng khổng lồ.

Đến mức năm 48 tuổi – 2011, khi Tyson, Lennox Lewis đã treo găng, còn Vitali Klitschko – đàn em trẻ hơn chín tuổi – rục rịch nghỉ hưu, Holyfield vẫn thượng đài để đấu những hậu bối kém tiếng tăm. “Mọi người không nên bó buộc hay tự đặt ra những rào cản về thời gian cho bản thân”, Holyfield nói. “Miễn là bạn cảm thấy mình còn đủ sức thi đấu vào bước lên võ đài, hãy cứ làm theo điều mình muốn”.

Chín năm từ ngày hạ Brian Nielsen ở trận cuối cùng, Holyfield sắp xỏ găng trở lại. Một vài cái tên được nhắm đến, nhưng rồi, thế giới quyền Anh đều phải thừa nhận, rằng vẫn muốn xem Holyfield đánh thêm một trận đấu cuộc đời với Tyson. “Mike Thép” đã xuống dốc không phanh từ sau trận thua tai tiếng ở MGM Grand năm 1997, rồi kết thúc sự nghiệp ở tuổi mà Holyfield vẫn cố giành quyền tham dự trận tranh đai WBA.

“Mọi người biết về Mike Tyson ít hơn nhiều so với họ nghĩ. Thực tế, ông ta không hề điên như chúng ta tưởng, và Tyson đang là một doanh nhân thành đạt”, Holyfield bộc bạch. “Mỗi người có một cuộc sống và suy nghĩ khác nhau, cả lúc trưởng thành lẫn về già. Nhưng tôi tin chắc tham vọng của Tyson không chỉ dừng ở quyền Anh đơn thuần khi quyết định trở lại sàn đấu. Tại sao ư? Bởi nếu là Tyson, không đời nào tôi thượng đài khi mình phát tướng”.

Holyfield (trái) và Mike Tyson hiện vẫn gặp nhau ở các sự kiện quyền Anh lớn. Cả hai tỏ ra vui vẻ và trò chuyện thân mật. Ảnh: AP.

Holyfield (trái) và Mike Tyson hiện vẫn gặp nhau ở các sự kiện quyền Anh lớn. Cả hai tỏ ra vui vẻ và trò chuyện thân mật. Ảnh: AP.

Holyfield không hề nói ngoa, bởi 10 năm trước, ông bầu cũ Kathy Duva đã chỉ rõ: “Điểm mạnh nhất cũng chính là điểm yếu nhất của Holyfield”. Trong trận đấu, Holyfield có thể dùng nhiều tiểu xảo, tiêu biểu là việc húc đầu vào Mike Tyson, khiến “Mike Thép” nổi khùng và cắn tai trả đũa. Ông gan lì tới mức thẳng thắn thừa nhận: “Tôi luôn biết cách tự vệ, và thấy ổn với những cú húc đầu. Nếu bị đối phương làm vậy, tôi sẽ tìm cách trả đũa bằng một cú đau hơn”.

“Vậy còn trận đấu biểu diễn với Mike Tyson?”, phóng viên Times hỏi.

“Nghe này. Đây là một trận đấu kéo dài ba hiệp. Không phải 10 hay 15 hiệp, mà chỉ ba thôi. Mục đích của tôi khi vào võ đài không còn là cố cho đối thủ knock-out nữa, mà chỉ cố tung ra những cú đấm thật tốt”, Holyfield trả lời. “Sự thật là tôi chưa hoàn toàn sẵn sàng. Chắc chắn tôi sẽ không nhận lời thượng đài để làm lợi cho những võ sĩ trẻ đang gây dựng tên tuổi. Mọi người muốn tôi đánh với Bowe, Tyson hoặc Lewis. Nghe thật tuyệt. Tôi sẵn sàng đấu với bất cứ ai, với động lực là tiền cho quỹ từ thiện của mình”.

Trận đấu với Tyson từng là cơ hội cho Holyfield kiếm được một món hời, cũng là bệ phóng để ông giành lại đai WBA, nhưng sau trận đó, ông bị đứt lìa một vành tai, đồng thời bị những người yêu mến Mike Tyson lên án vì lối đánh tiểu xảo. Cuộc đời có vay có trả, và mong muốn lớn nhất của Holyfield khi tập luyện những ngày này, là so găng lần thứ ba với Lennox Lewis, võ sĩ được cựu vô địch thế giới xếp vào hạng khó nhằn nhất sự nghiệp.

Theo Thắng Nguyễn (VnExpress)