(VoThuat.vn) – Chức vô địch quyền Anh thế giới của Jack Johnson không chỉ nhằm mục đích hướng tới cộng đồng mà trước hết là để đòi hỏi quyền lợi cá nhân. Ông là một hiện thân của cuộc đấu tranh đòi tự do, bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi.
Vào năm 1908, Jack Johnson đã trở thành người da đen đầu tiên vô địch quyền Anh thế giới. 5 năm sau đó, ông bị một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng kết tội môi giới tình dục phụ nữ da trắng và bị kết án một năm tù. Hơn 100 năm kể từ sự kiện đó, Jack Johnson vẫn là một nhân vật được nhắc tới rất nhiều trong việc đấu tranh quyền lợi cho các vận động viên da đen cũng như phong trào dân quyền ở Mỹ.
Jack Johnson sinh ngày 31/3/1878 ở Galveston, Texas (Mỹ) trong một gia đình mà cha mẹ đều là những nô lệ nghèo khó. Ở tuổi thiếu niên, Johnson đã được tạo điều kiện để theo học môn quyền Anh và ở tuổi 20, ông đã trở thành một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Tuy nhiên, đầu những năm 1900, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề ở Mỹ, Johnson đã phải chờ đợi lẫn đấu tranh tới 10 năm để có thể tranh danh hiệu hạng nặng thế giới.
Tới năm 1908, Jack Johnson đã làm nên lịch sử khi đánh bại nhà vô địch người Canada, Tommy Burns trong trận đấu quyết định diễn ra vào ngày Boxing Day tổ chức tại Sydney. Trận đấu kịch liệt tới mức cảnh sát đã phải nhảy vào can ngăn các võ sĩ, đặc biệt là làm dịu lại “cơn thịnh nộ” sau quãng thời gian chờ đợi của Jack Johnson.
Chiến thắng của Jack Johnson đã đập tan quan niệm rằng chỉ có người da trắng mới có đặc quyền thống trị môn quyền Anh, rằng người da đen luôn yếu thế về cả thể chất lẫn tinh thần. Sự xuất hiện của nhà vô địch hạng nặng Jack Johnson đã diễn ra trong bối cảnh cuộc bạo động sắc tộc tại quê hương của Springfield của Tổng thống Lincoln, mở đường cho sự hình thành của Tổ chức NAACP (Hiệp hội quốc gia thúc đẩy sự phát triển của người da màu – tôn vinh cá nhân và các tổ chức hỗ trợ thiết thực cho người da màu trong lĩnh vực hội họa và hoạt động giải trí), tổ chức dân quyền cho người da đen lâu đời nhất nước Mỹ. Bình minh của thế kỷ 20 đã chứng kiến sự trỗi dậy của nội lực người da đen, phá tan dần những định kiến khắt khe về màu da, chủng tộc.
Chiến thắng của Jack Johnson giống như một cú sốc kinh hoàng với các quan chức quyền Anh, cũng tạo sức ép đối với cựu vô địch hạng nặng Jim Jeffries, người đã luôn ca ngợi về đế chế Great White Hope của người da trắng về tương lai ẩn lui để nhường vị trí cho nhà vô địch mới. Trước đó, Jim Jeffries đã luôn ngông nghênh tuyên bố: “Tôi bước vào cuộc chiến này với một mục đích duy nhất là để chứng minh người da trắng ưu việt hơn người da đen”. Vào thời điểm đó, tờ The New York Times cũng vào cuộc, phát biểu: “Nếu một võ sĩ da đen chiến thắng, hàng ngàn người anh em mông muội của anh ta sẽ hiểu rằng đó là một tuyên bố chủ quyền hơn là giá trị bình đẳng với người da trắng”.
Trận quyền Anh ngày 4/7/1910, ở Reno, Nevada đã được quảng cáo là cuộc chiến của thế kỷ khi hai đối thủ Jack Johnson và Jim Jeffries bước lên võ đài. Kết quả là Jim Jeffries xin thua cuộc ở hiệp 15 sau hai lần bị Jack Johnson đánh gục. Trong cuốn tự truyện của mình, Jack Johnson nhớ lại thái độ thù địch của đám đông: “Chỉ có vài khán giả ủng họ tôi nhưng đó không làm chức vô địch của tôi bị đe dọa mà là một điều vinh dự, một danh dự của tôi. Những giấc mơ của người da trắng đã bị đổ vỡ”. Sau trận quyền Anh rúng động này, một cuộc bạo loạn sắc tộc đã diễn ra khắp nước Mỹ, gây ra cái chết của tổng cộng 20 người da đen và da trắng.
Điều khiến những người da trắng phẫn nộ trước sự lên ngôi của Jack Johnson là thái độ ngạo nghễ, bất tuân trên võ đài của võ sĩ người da đen này. Ông đã gián tiếp phá vỡ những những điều cấm kỵ của thời đại của mình bằng cách từ chối hành động phục tùng. Trong trận đấu, ông thích thú với việc làm nhục các đối thủ của mình bằng cách hạ gục, đẩy họ tới bước đường cùng. Trong cuộc sống hàng ngày, Johnson thích trang phục đắt tiền, thích lái xe bạt mạng, có lối sống buông thả, ưa các câu lạc bộ đêm, qua lại với hàng loạt phụ nữ da trắng.
Johnson không phải là một nhà hoạt động tích cực cho các quyền dân sự theo khuôn mẫu của Martin Luther King, nhưng sự táo bạo của ông đã đánh thức cuộc đấu tranh cho bình đẳng của người da đen. Sự trỗi dậy của Jack Johnson không chỉ nhằm mục đích hướng tới cộng đồng mà trước hết là để đòi hỏi quyền lợi cá nhân. Ông là một hiện thân của cuộc đấu tranh người Mỹ gốc Phi được hưởng sự tự do thực sự.
Các công tố viên liên bang lo sợ sự nổi loạn của những người da đen trẻ tuổi như Jack Johnson có thể phá vỡ cán cân quyền lực ở Mỹ đã mưu toan một màn kịch để tiêu diệt nhà vô đich quyền Anh mới đăng quang. Cơ hội đến vào năm 1913, khi theo Đạo Luật Mann nhằm bảo vệ phụ nữ chống lại nạn mại dâm, Jack Johnson đã bị kết tội “buôn bán phụ nữ da trắng với mục đích tình dục”. Mặc dù sự việc chưa có kết luận sáng rõ và các cáo buộc chống lại Johnson là sự thúc đẩy của quan điểm phân biệt chủng tộc, Jack Johnson vẫn bị tống giam.
Sau khi bị kết án, thay vì trải qua một năm ngồi nhà đá, Jack Johnson trốn khỏi đất nước và trải qua bảy năm tiếp theo sống ở châu Âu, Mexico, và Nam Mỹ. Năm 1915, ông trở thành cựu vô địch quyền Anh thế giới khi tân vô địch Jess Willard xác lập đế chế mới tại Havana (Cuba) vào ngày 5/4/1915.
Trở lại nước Mỹ vào năm 1920, Jack Johnson buộc phải thực thi bản án dang dở và kể từ đó ánh hào quang danh tiếng của ông gần như tắt lịm. Ông qua đời vì một tai nạn xe hơi vào ngày 10/6/1946 tại North Carolina khi lái xe như điên sau khi bị một quán ăn từ chối phục vụ. Đồng hồ tốc độ khi đó vượt qua vạch 110 km/h khi chiếc xe thể thao của Johnson lướt như bay trên xa lộ số 1 ở Bắc Carolina. Ông chưa bao giờ bỏ được thói quen phóng hết tốc độ khi có điều gì giận dữ, mà để giận dữ thì người da đen ngày ấy có quá nhiều lý do. Chiều ngày 10/6/1946 ông trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Ở Kenntucky hôm ấy có một cậu bé da đen tên là Cassius Marcellus Clay Jr. chưa nói sõi, nhưng rồi sẽ nối nghiệp Jack Johnson, với cái tên khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục: Muhammad Ali.
Mặc dù không thể duy trì sự nghiệp lâu dài sau khi trở thành nhà vô địch quyền Anh thế giới, Jack Johnson đã trở thành người Mỹ gốc Phi nổi tiếng nhất trong thời đại của ông khi liên tục trở thành nhân vật được nhắc tới nhiều trên báo chí. Jack Johnson cũng đã mở đường cho nhà vô địch hạng nặng người Mỹ gốc Phi như Joe Louis và Mike Tyson, là nguồn cảm hứng để Muhammad Ali, cựu vận động viên quyền anh người Mỹ, người từng 3 lần giành chức vô địch hạng nặng và một lần dành huy chương vàng Olympic hạng vừa tiếp tục tô điểm lịch sử huy hoàng cho người Mỹ gốc Phi. Muhammad Ali từng bị đi tù vì không chịu nhập ngũ tham gia chiến tranh tại Việt Nam, người thường gọi Jack Johnson một cách rất yêu mến là “Papa Jack”.
Hơn 100 năm trôi qua kể từ thời điểm Jack Johnson giành vòng nguyệt quế quyền Anh cho người Mỹ gốc Phi, ông đã được công nhận là một nạn nhân của bộ luật phân biệt chủng tộc Jim Crow tồn tại ở Mỹ từ 1876 đến 1965. Năm 2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết đề xuất ân xá cho Jack Johnson. Đầu năm 2013, Linda Haywood, cháu gái của cựu vô địch quyền Anh người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử cũng tán đồng nghị quyết này: “Một người đàn ông tuyệt vời như chú tôi, người được biết đến trên toàn thế giới, đã bị tống vào tù chỉ vì ông đã yêu một người không có cùng màu da như mình – đã làm cho tất cả mọi người cảm thấy xấu hổ. Với tôi, điều tối quan trọng trong hành động ân xá cho chú tôi là muốn các con tôi tiến vè tương lai và có chung niềm tự hào về ông giống như tôi”.
Tổng hợp