(VoThuat.vn) – Từ những lùm xùm xoay quanh nghi vấn việc nữ võ sĩ Boxing Đỗ Hồng Ngọc lại là nam giới, VoThuat.vn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tiến, Chủ tịch liên đoàn Boxing Việt Nam để làm rõ sự việc.
- 4 lý do tại sao boxing là môn thể thao hoàn hảo để giảm cân
- Tốc độ cú đấm không phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay?
Gần đây một bài viết nghi vấn từ một tài khoản facebook, với nội dung tay đấm nữ Đỗ Hồng Ngọc – Đương kim Á quân trẻ thế giới, HCV hạng 57 kg tại giải boxing trẻ vô địch châu Á 2018 nữ, “cây săn vàng” của tuyển Boxing Cần Thơ, hóa ra lại là nam đang gây rất nhiều xôn xao trong cộng đồng võ thuật.
Nội dung của bài viết như sau:
“Mình có anh bạn là huấn luyện viên quyền anh của một tỉnh nghèo. Anh hay dẫn đoàn đi đánh giải, đợt này, ảnh sẽ dẫn đoàn nữ của tỉnh tham dự đại hội thể thao toàn quốc. Hôm rồi gặp, ảnh buồn rầu than thở: Chỉ vì thành tích, người ta dẫm đạp không thương tiếc lên sự công bằng và tính cao thượng trong thi đấu thể thao.
Ở Cần thơ, có 1 nữ hảo thủ, 1 tay đấm đáng gờm, nỗi kinh dị của các tay đấm nữ toàn quốc, chị Đỗ Hồng Ngọc lừng danh.
Chị là đương kim á quân trẻ thế giới, vừa giành HCV ở hạng cân 57 kg Tại giải boxing trẻ vô địch châu Á 2018 nữ, khiếp chưa?
Nhưng hỗi ôi, chị bị vài liên đoàn boxing của vài nước thua cuộc kiện về giới tính, anh em AIBA (International Boxing Association) (Hiệp hội Quyền Anh quốc tế) liền thực hiện đủ loại test khoa học nhất bao gồm cả xét nghiệm gen và kết luận võ sĩ Hồng Ngọc lừng danh là đàn ông chính hiệu.
Thế là AIBA nó thu ráo hết cả huy chương lẫn danh hiệu và cấm chị thi đấu giải nữ.
Vấn đề lúc Hồng Ngọc chiến thắng thì báo chí tung hô ầm ỹ nhưng bị thu thì lại im thin thít. Thôi thì chuyện ko nói nữa, hay ho mẹ gì mà bebe lên.
Cơ mà sau khi có kết luận của AIBA, Cần Thơ vẫn cố tình mang chị ra đánh giải lần này, và gần chắc, chị sẽ đoạt huy chương vàng, các cô gái liễu yếu đào tơ đánh thế đ*o nào lại đc chị, người có đủ tố chất liền ông của một chàng trai lực điền cơ bắp cuồn cuộn, 2 tay giã như búa máy ?
Chị em boxer nữ tức lắm nhé, công bằng ở đâu? Trung thực ở đâu?
Thể thao Cần thơ hãy chơi bời cho lịch sự. Mang đàn ông đi đánh với đàn bà là hèn, quá hèn.
Nguồn Pín vs kền kền.”
Từ đó đã có rất nhiều bình luận bức xúc rằng vì bệnh thành tích mà Cần Thơ lại cử một nam VĐV đi đánh giải nữ tại Đại hội Thể thao toàn quốc, bên cạnh đó là những bình luận có lời lẽ không hay dành cho Đỗ Hồng Ngọc.
Trao đổi với PV VoThuat.vn, Chủ tịch liên đoàn Boxing Việt Nam, Ông Trần Minh Tiến khẳng định rằng: “Chuyện AIBA kiểm tra và xác nhận võ sĩ Đỗ Hồng Ngọc có giới tính nam là có thật. Phía liên đoàn Boxing Việt Nam cũng đã có trao đổi với phía Cần Thơ về vấn đề này và không hiểu tại sao võ sĩ Hồng Ngọc lại có mặt trong danh sách thi đấu Đại hội TDTT năm nay ở hạng cân nữ. Liên đoàn Quyền Anh thế giới (AIBA) ra đời vào năm 1920. Đến năm 1994, đã có 122 quốc gia gia nhập AIBA, cho đến nay theo thống kê trên trang web của AIBA đã có 194 quốc gia (trong đó có Việt Nam) trực thuộc tổ chức này, do đó chúng ta buộc phải tuân theo những điều luật của Liên đoàn. Việc tiếp tục cho Hồng Ngọc thi đấu ở hạng cân nữ là vi phạm luật của AIBA”.
Sau khi có thông tin này, Ban tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII đã có công văn gửi Sở VHTT&DL TP Cần Thơ để thông báo VĐV Boxing Đỗ Hồng Ngọc không đủ điều kiện tham dự thi đấu môn boxing nữ tại Đại hội.
Ngay sau đó, Sở này đã có công văn cùng các giấy tờ liên quan đến nhân thân của Đỗ Hồng Ngọc. Theo đó, căn cứ vào hồ sơ hộ khẩu, giấy khai sinh, hộ chiếu, giấy chứng nhận sức khỏe, học bạ,… xác định giới tính nữ của VĐV Đỗ Hồng Ngọc và đến nay Ngọc không hề bị thu hồi huy chương.
Vì vậy, trong công văn, Sở VH-TT&DL kiến nghị Bộ cùng Tổng cục xem xét giải quyết cho vận động viên Đỗ Hồng Ngọc được tham dự thi đấu môn boxing nữ tại Đại hội.
Vấn đề VĐV nữ bị xác nhận là nam giới thực sự không hiếm trong thể thao. Điển hình như VĐV Dutee Chand bị cáo buộc có lượng hormone nam cao quá mức cho phép. Thậm chí, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) còn kết luận Dutee là nam. Tuy nhiên Dutee đã gửi đơn kiện lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS). Cô nói rằng mình không đáng bị trừng phạt vì những yếu tố sinh học vốn từ lúc sinh ra đã vậy. Tháng 7/2015, CAS xử Dutee thắng kiện, đây là chiến thắng lịch sử đối với một vụ việc về giới tính trong thể thao.
Sự việc của Đỗ Hồng Ngọc cũng có thể là trường hợp tương tự. Bản thân Ngọc có thể chưa bao giờ nghĩ mình là nam. Tuy nhiên việc tiếp tục cho Hồng Ngọc thi đấu ở hạng cân nữ trong Đại hội TDTT năm nay là hoàn toàn sai và trách nhiệm chính thuộc về những người cấp quản lý.
Là một võ sĩ, dành tất cả thanh xuân của mình cho nghiệp võ ai lại không khát khao được bước lên sàn thi đấu. Đó không chỉ là vinh quang của riêng bản thân người võ sĩ mà đó còn là vinh quang của đơn vị, của địa phương và của quốc gia. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều những bình luận ác ý từ cộng đồng mạng xoay quanh vấn đề giới tính của Đỗ Hồng Ngọc.
Theo sự phát triển bình thường của con người, giai đoạn độ tuổi từ 13-18 có thể nói là một trong những giai đoạn có nhiều biến động nhất, lý do là có nhiều sự biến động về tâm sinh lý. Ở tuổi 18, độ tuổi mà con người đang trong giai đoạn hoàn thiện tâm sinh lý thì liệu rằng Ngọc có chịu nổi cú sốc này hay không? Tại sao lại phải để em gánh chịu những hậu quả, những lời nói ác ý mà lỗi hoàn toàn lại không phải là của em?
Đại hội TDTT toàn quốc nếu không so trong khu vực thì đây là một sự kiện thể thao lớn cấp quốc gia của Việt Nam 4 năm mới tổ chức một lần, một tấm huy chương tại Đại hội sẽ là vinh quang của cả một tỉnh, thành phố. Thế nhưng để có được tấm huy chương ấy lại phải đánh đổi bằng thanh xuân và cả cuộc đời của một VĐV thì liệu rằng tấm huy chương ấy có còn xứng đáng và vẻ vang hay không?
Thiết nghĩ đây cũng là một bài học cho thể thao trong nước. Trường hợp như Đỗ Hồng Ngọc cũng không phải là hiếm trong thể thao nên cần phải có những bài kiểm tra, xét nghiệm chuẩn xác nhất từ lúc tuyển chọn VĐV, đến lúc huấn luyện và thi đấu nhằm đảm bảo tính chặt chẽ và công bằng trong thể thao.
Anh Thư – Quang Lữ