(VoThuat.vn) – Khoảnh khắc võ sĩ Nguyễn Văn Đương giơ cao cánh tay chiến thắng sau khi chỉ cần hơn 30 giây để hạ đo ván kỹ thuật nhà vô địch SEA Games 2019 người Thái Lan, trong trận tứ kết Vòng loại Olympic Tokyo 2020 – cũng chính là thời khắc mà quyền Anh Việt Nam đã hiên ngang mở toang cánh cổng của “Thánh đường Olympic” danh giá mà người mộ điệu bộ môn này mòn mỏi chờ đợi sau nhiều thập kỷ. Thành công này càng tô sáng hơn bởi xuất phát điểm của quyền Anh Việt Nam thực sự có quá nhiều chông gai và chếnh choáng…
Từ những tấm huy chương đồng hiếm hoi của vài tay đấm mạnh nhất của Việt Nam như Đặng Hiếu Hiền, Huỳnh Viết Khánh… ở đấu trường SEA Games hồi Thể thao Việt Nam mới hội nhập những năm cuối và đầu thập niên 90, tưởng chừng sau đó quyền Anh Việt Nam sẽ có bước tiến dài trên võ đài quốc tế sau những cú hích cụ thể như thế. Nhưng không, cuối năm 1994, nhiều sự cố trong khâu tổ chức giải ở một vài giải đấu cấp thành phố và quốc gia khiến ngành TTVN phải ra quyết định khó khăn, là dừng công tác luyện tập và thi đấu bộ môn thể thao Olympic này trên phạm vi toàn quốc.
Nhớ lại ngày ấy, đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn với những ai yêu mến, luyện tập và thi đấu quyền Anh. Đơn cử như tay đấm Huỳnh Viết Khánh – người từng giành HCĐ SEA Games 1991 và nhiều lần vô địch quốc gia, đã đau đáu và trăn trở không biết ngày nào mới được thượng đài trở lại. 8 năm dài đằng đẳng trôi qua tưởng chừng như an phận với công việc HLV đội tuyển Võ thuật cổ truyền Quân đội, thế nhưng Khánh đã vội quên đi tuổi tác để thượng đài trở lại tại giải Cúp CLB toàn quốc đầu tiên được tổ chức trở lại tại Cung TDTT Quần Ngựa (Hà Nội) vào tháng 12.2002.
Tấm HCV danh giá của anh sau khi vô cùng khó khăn để vượt qua từng trận đấu một với sức ì của tuổi tác – đã trở thành một biểu tượng mới của quyền Anh Việt Nam ngày trở lại. Hình ảnh gượng từng bước nhảy đờ – tang trên ring đài để thăng hoa trên ngôi vô địch của Huỳnh Viết Khánh phảng phất cách trở lại của quyền Anh Việt Nam trên võ đài quốc tế: Không có gì là chậm trễ, và không có gì không làm được nếu có đam mê, sự quyết tâm và một định hướng tốt.
Nam đi trước, nữ đi sau. Chính các tay đấm nữ lại là những người mang về những tấm huy chương lịch sử đầu tiên cho quyền Anh Việt Nam trên võ đài quốc tế, ở những giải đấu danh giá như ASIA Indoor Games, SEA Games và Cúp thế giới. Điều này cũng thể hiện quyết sách đúng đắn của ngành thể thao nói chung và bộ môn quyền Anh Việt Nam để từng bước gầy dựng hình ảnh và đẳng cấp của mình trên võ đãi quốc tế.
Với kế sách này đã tạo sự tự tin hơn cho các tay đấm nam lần lượt chinh phục thành tích cao trên võ đài khu vực Đông Nam Á, như tấm HCV SEA Games 2017 của Trương Đình Hoàng. Điều chúng ta cần phải hiểu rõ là, dù SEA Games được xem là “vũng trũng” của thể thao thế giới, hay cách nói khác là “ao làng” với một vài môn thể thao khác, nhưng với môn quyền Anh, đó lại là đấu trường Olympic thu nhỏ – bởi Thái Lan và Philippines vẫn luôn là hai “ông kẹ” tại các kỳ Olympic. Thế nên trận thắng đo ván kỹ thuật của Nguyễn Văn Đương trước tay đấm từng vô địch SEA Games của Thái Lan là một chiến thắng hiển hách, giúp quyền Anh Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở đấu trường danh giá nhất hành tinh: Thế vận hội mùa hè Olympic.
Thành công quá rực rỡ của Văn Đương ngày hôm qua cộng với những chiếc đai vô địch bán và chuyên nghiệp của các tay đấm Việt Nam trong thời gian gần đây đã tô nhiều nét sáng rực cho quyền Anh Việt Nam một năm mới 2020 và mở ra một trang sử mới cho môn thể thao này của Việt Nam.
VoThuat.vn