Pencak Silat: Môn võ tàn bạo đến từ Indonesia và Malaysia

(VoThuat.vn) – Ngày 27/8/2018, tin vui từ đấu trường ASIAD ở Indonesia liên tiếp gửi về. Đoàn Pencak Silat Việt Nam đã giành 3 HCB nội dung đối kháng (Nguyễn Ngọc Toàn, hạng 60-65kg); nội dung biểu diễn đồng đội (Lưu văn Nam, Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Thành); và nội dung biểu diễn đối luyện (đôi nam Lê Hồng Quân – Trần Đức Danh).

Nhân sự kiện này, mời các bạn khám phá cái nhìn đa chiều từ trang Blackbelt Magazine về môn võ này: Silat tàn bạo đến đâu? Và đâu là những đòn hiểm nhất?

Pencak silat là một môn võ xuất phát từ Philippines, Indonesia và Malaysia. Do môn võ này được dùng nhiều để huấn luyện cho binh lính nên còn được gọi là võ nhà binh. Võ thuật này được thiết kế để hạ gục đối phương một cách nhanh chóng.

Silat – Môn võ đa phong cách

Nói cách khác, silat có nghĩa là “kỹ năng chiến đấu”. Có hàng trăm kiểu silat khác nhau, phổ biến ở Indonesia, Malaysia, Singapore, miền nam Thái Lan và miền nam Philippines. Tất cả tựu trung lại ở một ý thức hệ chiến đấu và sử dụng vũ khí.

Ở Indonesia tồn tại hàng trăm trường phái pencak silat, cũng như nhiều hệ thống kuntao (một dạng đấm bốc Trung Hoa có nhiều điểm tương đồng với silat và phổ biến chủ yếu trong cộng đồng người Hoa ở Indonesia). Ngoài ra còn có nhiều pháp môn pha trộn pencak silat và kuntao. Theo nhà Biên sử học võ thuật Donn Draeger: “Chiến thuật chiến đấu của Trung Quốc có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển bộ môn pencak silat”.

Malaysia là cái nôi của một môn phái được gọi là bersilat, có thể được chia thành hai hình thức: putat – thể loại trình diễn công khai và buah – những màn thực đấu tuyệt đối bí mật. Cùng với 3 bộ môn silicat langkah, silicat kuntao và silat, môn bersilat cũng tìm thấy ở miền nam Philippines.

Kỹ thuật silat vô cùng linh hoạt, từ tư thế chiến đấu trên đất bằng của loài hổ Hắc Mai (harimau) đến những cú madi silat bay bổng người. Một màn triệt phá harimau điển hình là khi võ sĩ quật lại cú đấm của đối thủ, dùng chân mình gạt và bẻ chân đối phương ra ngoài rồi xuất chiêu hạ gục hoặc nắm chặt mặt trong đầu gối đối thủ và phá vỡ thế võ ban đầu. Một cú nhảy madi chuẩn xác đòi hỏi võ sĩ phải kiểm soát đầu của đối phương, nhảy qua không khí, và sử dụng trọng lượng cơ thể mình để vừa quật chân địch thủ bật khỏi sàn vừa dùng đầu gối đâm thẳng vào cột sống đối phương.

Dòng rikeson silat tập trung chủ yếu vào tấn công thần kinh. Trong khi đó, phần đông người theo học cipecut silat dùng khăn xa-rông để luyện khả năng ném và kiểm soát đối thủ. Một võ sinh rikeson có thể dùng ngón tay tấn công các dây thần kinh nằm giữa phần đùi trên và thân trên để hạ gục đối thủ. Nhưng võ sinh cipecut sẽ dùng xa-rông làm chệch hướng đòn tấn công, sau đó quấn nó quanh đầu của đối phương và cuối cùng tạo thế đòn bẩy quật mạnh kẻ thù xuống đất.

Môn silat của người Philippines càng thêm tàn độc. Võ sĩ kẹp chân của đối thủ giữa hai chân mình, ghìm chặt đầu và cánh tay của đối thủ rồi quay tròn. Cơ thể của đối thủ quay 360 độ, nhưng đầu gối và bàn chân vẫn giữ nguyên, gây thương tích nghiêm trọng.

Dựa trên những thế võ cơ bản, môn silat cho phép võ sinh biến tấu đa dạng, bùng nổ tự do và thỏa sức thể hiện chất riêng. Bằng cách nghiên cứu các môn phái silat, bạn có thể thêm gia tài đồ sộ các thế võ vào kho vũ khí chiến đấu của mình.

Vũ khí tối thượng trong silat Indonesia

Hầu hết các trường phái silat đều nhấn mạnh đào tạo vũ khí. Ở những vùng khởi sinh môn silat, những thế hệ nam sinh mình luôn mang theo vũ khí, đặc biệt loại có trang bị cánh, và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Võ sinh silat rất thành thạo sử dụng dao, gậy, kiếm, giáo, dây thừng, dây xích, roi, vật phóng hoặc kết hợp các vũ khí lại.

Một trong những vũ khí phổ biến nhất ở Indonesia và Malaysia là thanh kiếm kris với lưỡi gợn sóng. Một vũ khí độc ác khác ở Indonesia là karambit (móng vuốt của hổ) với lưỡi dao ngắn, cong được dùng để móc vào tử huyệt của đối phương, giật xéo lên trên và xé toạc ruột của nạn nhân.

Hầu hết các bộ môn silat đều nhấn mạnh vào cú đá thấp, nhanh, chủ yếu để bảo vệ võ sĩ trước đòn tấn công từ các vũ khí có lắp cánh. Điều cấm kị là không bao giờ thử đá vào một đối thủ đang cầm dao, trừ khi cú đá được tung ra ở cự ly gần và được sử dụng như một kỹ thuật hỗ trợ.

Điều gì làm nên một thế võ silat hoàn hảo?

Sau đây là bí kíp để khai triển thế võ đỉnh cao:

Bí kíp 1: Có chiến thuật tiếp cận hiệu quả. Hãy chọn cho mình kỹ thuật giúp bạn di chuyển nhanh và hiệu quả vào phạm vi gần đối thủ. Sau đó rèn luyện kỹ thuật này đến khi thành thục, nắm bắt đúng thời cơ và ra đòn chuẩn xác.

Bí kíp 2: Có chiến thuật đeo bám hiệu quả. Đẩy mạnh các cú đấm và đá, trau dồi các đòn hiểm như tàn đầu, va đập đầu gối và đòn đánh khuỷu tay. Khi đã kiểm soát hoàn toàn đối thủ phải nhanh chóng tung đòn chốt hạ.

Bí kíp 3: Hóa giải các đòn chốt hạ. Sau khi thâm nhập ở cự ly gần và trấn áp được đối thủ, bước tiếp theo bạn hãy tung đòn chốt hạ như ném, quét, quật ngã, khóa chặt hoặc kẹp nghẹt thở, để kết thúc trận đấu. Các động tác khóa sẽ khóa hoặc bẻ gãy khớp của đối thủ. Kỹ thuật kẹp nghẹt thở sẽ khiến hắn bất tỉnh. Và động tác quật ngã, ném hoặc quét sẽ đẩy văng đối thủ xuống đất hoặc va vào các chướng ngại vật, đủ sức thủ phục đối phương.

Bí kíp 4: Huấn luyện thực địa với vũ khí. Đa phần các môn silat đều nhấn mạnh tập luyện với vũ khí. Qua các khóa thực hành, học viên được trực tiếp tiếp xúc với vũ khí hơn là chỉ học lý thuyết suông, nhờ đó khả năng phản xạ, tính chuẩn xác về thời gian, độ chính xác trong từng động tác, nhịp điệu và khả năng phản đòn đều được cải thiện. Thật tuyệt vời khi đối mặt với một khí cụ đang bay vút tới với tốc độ cao, trình độ võ sinh bật lên hẳn.

Do đó, để chinh phục bộ môn Silat, rất đơn giản, bạn chỉ cần: Áp sát đối thủ, dùng kỹ thuật trấn áp và sau đó ‘hạ đo ván’ bằng đòn hạng nặng như khóa chặt, quét, kẹp nghẹt thở hoặc ném ngã đối phương.

Hương Giang