(VoThuat.vn) – Câu chuyện của ông San Kim Sean, được kể vào một ngày tháng 9 nóng như đổ lửa ở trại huấn luyện của chính mình, bén rễ từ sự khai sinh khoảng 800 năm trước của môn võ Bokator.
- Từ Hiểu Đông và cú lừa “thế kỷ”: “Móc túi” 2 triệu người 60 tỷ đồng
- “Vua tán thủ” Trung Quốc ra đòn độc: Cao thủ Muay Thái Lan “chết não”
Được các võ sinh gọi là “Đại sư”, người đàn ông 73 tuổi lật nhanh các trang sách, trong đó có minh họa rất nhiều đòn thế trong môn võ này. Có thể thấy được hình vẽ đen trắng của một người đàn ông cường tráng đang thực hiện đòn móc bằng khuỷu tay: Giữ khuỷu tay thẳng từ trên xuống, với các ngón tay nắm vào và đẩy khuỷu tay theo chiều đi xuống với lực mạnh.
Ông Sean nói: “Một số kỹ thuật còn được khắc lên tường ở đền Angkor Wat. Nước Mỹ hùng mạnh với vũ khí hay quân đội tốt, thời đó đế chế Khmer cũng như vậy”.
Có lẽ không có nhiều người nghe tới Bokator. Trong một thời đại của One, UFC hay nhiều giải đấu quốc tế dẫn tới sự phổ biến của MMA, Sean muốn thế giới nghĩ về bokator khi nói đến Campuchia. Quan trọng nhất, ông muốn mọi người dân trên đất nước mình nghĩ vậy. Người thành lập Liên đoàn Bokator tự đổ lỗi cho mình vì đã dạy võ thuật của nước khác hàng thập kỷ mà bỏ quên lịch sử của chính dân tộc mình.
Đại sư Sean từng mơ ước trở thành ngôi sao võ thuật. Cho tới một ngày, ông bị chuyển tới tỉnh Phù Khẹt, phải ăn cỏ với bò để sống sót, sau khi lực lượng Khmer Đỏ nắm quyền năm 1975. Ông cho rằng, bè lũ diệt chủng này nhằm cả vào các võ sĩ do họ có thể tự vệ được. Chúng cũng cấm đoán các truyền thống dân tộc và gắn mác tư sản, vì vậy, ông Sean buộc phải gác lại lịch sử và cầm cự sống qua ngày.
Sau sự sụp đổ của Khmer Đỏ, ông đi về phía Thái Lan và cố tránh các tàn dư của quân đội diệt chủng này. May thay, đại sư Sean được tài trợ vé đi Houston từ Hội Thanh niên Cơ đốc vào năm 1980.
Tại Mỹ, ông tham gia xây dựng nên Hapkido, một môn võ cổ truyền Hàn Quốc. Dù rất muốn dạy Bokator, Sean không thể làm được vì thiếu giấy phép chuyên môn. Là một người sống sót hiếm hoi biết môn võ này, có vẻ như lấy chứng chỉ hành nghề là điều bất khả thi.
Đến những năm 2000, ông quay lại quê hương với nhiệm vụ tìm ra những người còn biết tới môn võ này. Đại sư phần lớn đi bộ khắp cả nước, tìm khoảng 20 người già có chuyên môn về nó. Ông thậm chí còn nói nếu họ không truyền bá Bokator, cả đời sẽ bị nguyền rủa. Ông ra lệnh cho những người này dạy ít nhất năm người ở làng mình. “Hãy nói rằng đây là Bokator, chứ không phải một cái tên khác”.
Bokator và Kickboxing có một số nét tương đồng. Tuy nhiên, Kickboxing là một môn thể thao chiến đấu, còn Bokator được sử dụng nhiều trên chiến trường. Nó sử dụng sức mạnh của khuỷu tay và đầu gối, đá cẳng chân và chiến đấu trên mặt đất là chủ yếu.
Mặc dù sử dụng đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, cẳng chân và đầu là chính nhưng ngay cả vai, hông, xương hàm và các ngón tay cũng có thể sử dụng để thu phục đối thủ thậm chí là gây tử vong cho đối phương.
Là một môn võ vừa có thể đánh tay không vừa có thể dùng vũ khí. Nếu có dùng vũ khí thì thường sử dụng tre và gậy ngắn. Khi chiến đấu các chiến binh Bokator vẫn còn mặc đồng phục của quân đội Khmer cổ đại, gồm một chiếc krama (khăn) được quấn quanh eo, sợi dây lụa màu xanh và màu đỏ được buộc quanh đầu và bắp tay của các chiến binh. Trong quá khứ, người ta quan niệm rằng những sợi dây này đã được ếm bùa để làm tăng sức mạnh, mặc dù trong thời đại ngày nay nó chỉ còn được xem như là một nghi lễ.
Bokator gồm có 6 bậc đai. Đầu tiên là đai trắng, tiếp đến là đai xanh lá cây, xanh dương, đỏ, nâu và cuối cùng là đai đen. Sau khi hoàn thành những bước sơ cấp, các chiến binh mặc Krama đen ít nhất là 10 năm. Để đạt Krama vàng, người đó phải là một võ sư thực thụ và có cống hiến cho Bokator.
Dù có một môn võ phổ biến hơn gọi là Kun Khmer, người tập hai môn này có vẻ không được hòa thuận. Kwuok Leung, đồng sáng lập tại Kingdom Fight Gym, đưa ra ý kiến: “Không có ý khiếm nhã, nhưng tôi cho rằng dù có nhiều nét tương đồng, Kun Khmer tập trung hơn vào khả năng thực chiến, trong khi Bokator chỉ để biểu diễn”.
Tuy vậy, đại sư Sean cho biết giờ đây môn võ phát triển mạnh, với 200 võ sư giảng dạy. Ông cũng nộp đơn yêu cầu UNESCO xem xét Bokator như một Di sản Văn hóa Thế giới.
Lucas Rosa, đến từ Mỹ, đang thực hiện nghiên cứu “MMA: Một quan điểm mang tính triết học”. Anh cho rằng, Bokator bao gồm cả ba mặt trong võ thuật: gồm hạ, vật và tấn công. Nhưng Rosa cảm thấy ấn tượng nhất với các kỹ thuật tấn công, chúng rất bất ngờ. Ban đầu, Rosa còn tỏ ý hoài nghi khi đại sư Sean tung ra đòn đấm Bokator. Tuy nhiên, cú đấm mạnh đến nỗi tấm đích bị bay ra khỏi tay, còn anh nằm sóng soài trên sàn.
Phúc Lương