(VoThuat.vn) – Không đơn thuần là võ thuật, Võ cổ truyền Việt Nam còn mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Điều đó không sai khi nhìn vào màn biểu diễn binh khí của hai võ sinh khuyết tật tại Liên hoan Võ cổ truyền TP.HCM mở rộng 2018.
- Mãn nhãn xem môn sinh Võ cổ truyền ‘bay người kẹp cổ’ ấn tượng
- “Võ thuật cổ truyền Việt Nam rất giàu tính văn hóa”
Trong số gần 1000 tiết mục được trình diễn tại Liên hoan Võ cổ truyền TP.HCM mở rộng 2018, hai võ sinh khuyết tật Trần Văn Hùng và Nguyễn Văn Toàn khiến khán giả trong nước cũng như các đoàn quốc tế phải vỗ tay thán phục khi trình diễn đối luyện binh khí – binh khí.
Hùng (ngồi xe lăn) và Toàn (bị câm điếc) hiện đang là môn sinh của phái Việt Nam Võ Đạo – Tây Sơn Bình Định do chưởng môn Hà Trọng Khánh sáng lập.
Vốn dĩ với một người bình thượng, việc tập võ và có thể biểu diễn được những màn đối luyện phải mất thời gian nhất định. Còn với hai võ sinh nói trên, dù cơ thể có phần khiếm khuyết nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường cùng niềm đam mê đặc biệt với môn Võ cổ truyền, họ đã vượt qua tất cả để quyết tâm tập luyện.
Từng chia sẻ với VoThuat.vn, võ sư Hà Trọng Khánh nói: “Với trẻ em khuyết tật, nhiều em cũng có niềm đam mê võ thuật nhưng vì cảm thấy tự ti nên các cháu chưa dám mạnh dạng đăng ký theo học. Dạy võ cho các cháu là đem tất cả những tâm huyết với nghề để truyền đạt, mong các cháu tiếp nhận và trang bị thêm kỹ năng để trưởng thành hơn, tự tin hòa nhập với cộng đồng và xã hội”.
Hiện nay, võ sư Hà Trọng Khánh đang duy trì lớp võ thuật dành cho trẻ em khuyết tật được giảng dạy hoàn toàn miễn phí tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM (huyện Hóc Môn). Trong những chương trình liên hoan hay ngày hội võ thuật, các võ sinh khuyết tật của môn phái Tây Sơn Bình Định thường xuyên biểu diễn và nhận được sự ủng hộ của đa số khán giả.
Xem thêm:
Võ Đạt