Hơn 80 năm là một quãng thời gian khá dài. Với chuỗi thời gian ngần ấy năm trên một kiếp người thì có biết bao thăng trầm, vui buồn, ngọt bùi, cay đắng!
Vovinam cũng vậy! Cũng có lúc tưởng như “vĩnh biệt”!
Nhưng rồi, phong ba, bão táp qua đi. Vovinam như cây tre sau bão tố lại đứng lên vươn mình thẳng thớm lớn mạnh và nhanh chóng lan rộng khắp nơi.
Ngày nay trong xã hội đã nhiều người biết đến Vovinam qua những phương tiện khác nhau. Người ta nói đến Vovinam nhiều hơn cùng với cái nhìn thiện cảm mang tính dân tộc.
Vovinam ngày càng thể hiện được sự trưởng thành thông qua các tổ chức Vovinam trong nước và thế giới được ra đời.
Hình ảnh của văn hóa Việt thông qua các hoạt động Vovinam mang đến sự thân thiện hơn, hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam đối với bè bạn Năm Châu. Vovinam truyền vào tâm hồn của người môn sinh cái hào khí ngất trời và niềm tự hào của dân tộc Việt.
Bên cạnh sự trưởng thành mạnh mẽ và rộng khắp đi vào mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, cũng đã bộc lộ nhiều nét bất cập, khiến chúng ta thấy đã đến lúc cần xem xét và nghiên cứu cho phù hợp trên mặt bằng chung của chương trình kỹ thuật và công tác huấn luyện.
Hay nói một cách khác là chuyên nghiệp hóa chương trình, nhằm đáp ứng một cách phù hợp với nhu cầu thực tiễn ngày càng cao, một cách khoa học, mang lại hiệu quả cho người tham gia luyện tập cũng như sự nhận xét và đánh giá của khách quan bên ngoài.
Lúc sanh tiền, Sáng Tổ Nguyễn Lộc cũng đã từng khuyên các học trò một cách chân tình rằng: “… Các chú phải thay đổi lề lối làm việc cho thích ứng với mọi hoàn cảnh, canh tân mọi tổ chức để môn phái sau này khoa học hơn, mới mẽ hơn. Nếu các chú thấy được điều anh làm chưa hoàn mỹ, thì có bổn phận sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Phương pháp anh áp dụng còn thiếu sót thì các chú phải thay đổi cho hoàn bị hơn…” (theo lời VS Lê Văn Phúc tập Vovinam trực tiếp từ Sáng Tổ năm 1951)
Sự nhìn xa trông rộng một cách phóng khoáng của Sáng Tổ, là nền tảng để chúng ta mạnh dạn đặt vấn đề cải tiến chương trình cho phù hợp với sự phát triển mang tính phổ cập hiện nay.
Cần nhìn nhận rằng thời kỳ Vovinam do Sáng Tổ Nguyễn Lộc mới khai sinh trong hoàn cảnh đất nước đang đương đầu với họa thực dân cai trị. Các tầng lớp thanh niên và sĩ phu yêu nước đang đứng lên chống lại sự thống trị của thực dân, mà võ thuật là một phương tiện. Vì vậy hầu hết đòn thế của Vovinam thời bấy giờ mang tính chiến đấu cao, tính sát thương lớn. Với mục đích là người môn sinh Vovinam khi bắt buộc phải ra đòn, thì quyết mang về chiến thắng vinh quang cho Tổ quốc.
Do vậy các đòn sinh tử được cô đọng và tinh luyện để đạt đến mục đích cao nhất là hạ gục đối thủ nhanh và hiệu quả tối đa.
Từ đó có thể nói Chương trình huấn luyện Vovinam trong giai đoạn đầu là nhằm phục vụ chiến đấu nhiều hơn (tức là võ quân sự), không mấy phù hợp với mục đích thể thao hiện nay.
Sau đó đến thời võ sư Chưởng môn Lê Sáng, võ sư Trần Huy Phong và các cộng sự, Vovinam được bổ sung nhiều đòn thế, quyền thảo phong phú hơn.
Song, chương trình đa dạng này kéo theo thời gian biểu cho người tập khá dài, dẫn đến người tham gia học Vovinam thì nhiều, nhưng số bỏ dở nữa chừng cũng không phải là ít! Vả lại đem áp dụng vào mô hình thi đấu thể thao thì chưa phù hợp lắm. Điều đó đã minh chứng qua các điều lệ, luật thi đấu của Vovinam.
Hơn nữa để tiện phổ cập cho mọi lứa tuối nhất là đưa vào huấn luyện trong các trường học, có nơi bắt đầu ngay từ cấp 1, cấp học mà võ sinh chỉ hướng tới mục đích là rèn luyện thể chất, chứ không tính chuyện chiến đấu. Thì còn nhiều chuyện để bàn.
Mặt khác, một số lại có nhu cầu học võ để tự vệ, một cách tự vệ hữu hiệu thiết thực, chứ không mang nặng lý thuyết theo chương trình hiện hành.
Từ đó chúng ta thử lược qua một vài điểm trên chương trình huấn luyện hiện nay để có cái nhìn mới hơn cho bước tiếp theo của việc điều chỉnh cần thiết này.
Sau đây là một vài ví dụ đơn cử:
1- Về Chương trình huấn luyện:
Chương trình mang tên Tự vệ (3 tháng):
Người học hết chương trình này chắc chắn chưa đủ khả năng tự vệ! bởi lẽ đòn thế vừa thừa mà lại vừa thiếu! Không thể thực hiện hiệu quả được đa số đòn nằm trong chương trình!
Ở chương trình này thiết nghĩ không cần thiết phải có chiến lược! vì trong 5 chiến lược đầu tiên từ 1 đến 5 đã có đến 3 chiến lược, mà với chừng ấy thời gian, võ sinh khó có thể thực hiện tốt 3 đòn này, cho dù đó là những “tuyệt kỹ” của Vovinam!
Đó là chiến lược số 2, 3 và 4.
Để thực hiện hiệu quả đòn chém quét trong chiến lược số 2 và số 3, người tập cần có thời gian ít nhất 2 năm trở lên (tương đương với trình độ Trung đẳng).
Vì vậy đưa 2 chiến lược chém quét bên trái và bên phải vào chương trình 3 tháng đầu của người tập võ là không khả thi, nhất là người học ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng!
Chiến lược số 4: Riêng cách đạp ngang cho đúng để mang lại hiệu quả tốt, khi thực hiện, cũng không dễ dàng gì với người học có thời gian dưới 1 năm!
Về khóa gỡ:
Cần lược bớt một vài đòn để đưa lên chương trình trên như khóa tay dắt 1, 2 chẳng hạn. Vì khóa tay dắt theo đúng nghĩa của nó là khóa tay và dắt đi, mà động tác này đã vượt qua giới hạn của sự tự vệ.
Về các đòn cơ bản:
Chúng ta thừa nhận các kỹ thuật căn bản là nền móng vững chắc cho người luyện tập võ thuật, nhưng cần xét lại đối tượng học võ ngắn hạn để tự vệ, hay dài hạn chuyên sâu? Từ đó lược bớt những thứ không cần thiết như chém 3, 4. Chỏ 3, 4. Đấm lao, bật ngược, thấp, phạt ngang, mà chỉ cần người học cách đấm thẳng, đấm móc thật tốt là đủ.
Các lối đá cũng chỉ cần đá thẳng và đá tạt cho tốt là đủ. Đồng thời không nhất thiết phải luyện đến 5 lối tấn như trong chương trình.
Bởi trên thực tế Tấn pháp không đáp ứng được gì với phương pháp tự vệ thời gian 3 tháng cả!
Nên bổ sung vào một số phản đòn trình độ 1 ngay từ chương trình này như phản đấm thẳng, phản đá thẳng sẽ phù hợp với thực tế hơn là các chiến lược.
Chương trình mang tên tự vệ cũng không cần phải đưa vào một bài quyền nào cả, chỉ cốt sao người học hết chương trình tự vệ sẽ đủ khả năng tự vệ trong một số trường hợp đơn giản một cách hữu hiệu mà thôi.
Tốt nhất là có 2 giáo án riêng biệt cho 2 lứa tuổi khác nhau. Bên cạnh đó cần lên một giáo trình huấn luyện mang tính đặc thù cho từng ngành chuyên môn, với thời gian huấn luyện phù hợp để khi tốt nghiệp người học được phiên ngang trình độ tương đương một cách chính đáng. Không nhất thiết phải theo chương trình một cách máy móc để rồi trình độ không tương xứng với chứng chỉ được cấp.
Một số đòn thế nặng và khó ở cấp thấp nên chuyển lên cấp trên, để mang lại kết quả thu hoạch cao hơn đồng thời không gây chán nản cho người tập.
Tiếp tục phân thế và hợp lý hóa một số đòn thế còn lại mà từ trước đến nay môn sinh chỉ được học mà chưa được phân thế.
“Vovinam dựa trên căn bản võ và vật cổ truyền dân tộc”, vì vậy thiết nghĩ: Nếu đòn chân tấn công là nét đặc trưng của Vovinam được đưa vào áp dụng trong các giải đấu đối kháng, thì vật cũng nên nghiên cứu để đưa vào trong đối kháng nhằm đa dạng hóa hình thức này, đồng thời tạo sự khác biệt về hình thức với môn quyền tự do của võ cổ truyền Việt Nam.
Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, thì đòn thế trong chương trình thừa mà thiếu.
Về đối kháng, thì từ cấp nhập môn đã áp dụng, nhưng lại không thấy phương pháp huấn luyện kỹ thuật đối kháng nằm ở đâu trong suốt chương trình huấn luyện!
Có ý kiến cho rằng, cứ tập đòn căn bản và chiến lược thì ắc sẽ biết đối kháng!
Suy nghĩ này hết sức khôi hài! Chả trách người xem các trận đối kháng của Vovinam đều thốt lên “đánh thế này thì không cần học võ cũng đấu được”!
2- Phương pháp giảng dạy:
Chuyên nghiệp hóa phương pháp giảng dạy:
Bất kỳ ở chương trình cấp nào và đơn vị huấn luyện nào cũng cần áp dụng triệt để giáo án giảng dạy.
Giáo án sẽ giúp các huấn luyện viên bám sát chương trình một cách khoa học, tránh dạy theo kiểu ngẫu hứng. Đồng thời có giáo án sẽ dễ dàng hơn cho bộ phận quản lý và người dạy thay khi huấn luyện viên có việc nghỉ đột xuất. Từ đó bắt buộc các huấn luyện viên phải thường xuyên sinh hoạt và cập nhật chương trình, tránh được tình trạng HLV cả một thời gian dài không tham gia tập huấn nên ôm mãi cái cũ đã thay đổi hàng chục năm rồi để dạy, dẫn tới việc môn sinh thi cùng một cấp chung với các đơn vị khác, lại thực hiện đòn thế bài bản không giống nhau, vừa khó khăn cho giám khảo vừa gây phản cảm đối với khách quan!
Tổ chức các buổi dự giờ: Nhằm học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời đánh giá được những ưu khuyết điểm của từng đơn vị, cá nhân để kịp thời nhân rộng ưu điểm hoặc chỉnh đốn khuyết điểm.
Qua đó cũng sẽ kịp thời điều chỉnh chương trình cho phù hợp theo từng giai đoạn, từng ngành học.
Tổ chức định kỳ các buổi tập huấn cho các HLV đang trực tiếp giảng dạy, chú trọng đến phần phân tích bằng lý thuyết khi hướng dẫn đòn. Như vậy đòi hỏi người HLV không ngừng nổ lực nhằm nâng cao, không chỉ trình độ kỹ thuật mà còn là kỹ năng sư phạm và kỹ năng giao tiếp.
Từ đó vị trí người HLV trong mắt mọi người sẽ ngày càng được tôn vinh.
Từ hoạt động này sẽ làm cơ sở để xét cho việc thi thăng cấp của các võ sư, huấn luyện viên chứ không phải chỉ đủ điều kiện về niên hạn và thuộc bài là được thi thăng cấp như xưa nay chúng ta vẫn làm.
3- Về công tác quản lý:
Sắp xếp hệ thống quản lý và phân cấp rõ ràng, tránh sự chồng chéo dẫn tới một số câu lạc bộ, điểm tập hoạt động kiểu tự phát, tự quản không theo một quy chế quản lý nào.
Đâu đó đã xảy ra trường hợp, một khi HLV là đối tượng mắc sai phạm không được cấp quản lý nắm bắt để chỉnh đốn kịp thời dẫn đến hành vi tự tung tự tác! Chỉ cần quen biết với một vài địa phương, cơ quan, trường học là có thể mở lớp tràn lan. Dùng hoạt động của Vovinam để làm phương tiện trục lợi cho cá nhân.
Để quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, cần căn cứ vào sinh hoạt liên tục hay không của các HLV, và đã được đào tạo qua lớp đào tạo HLV chưa, mà cấp chứng nhận công nhận là HLV, nếu sau một thời gian nào đó xét thấy cá nhân ấy không còn sinh hoạt theo mức ấn định tối thiểu, thì sẽ ngưng cấp hoặc không gia hạn giấy chứng nhận HLV.
Cần tổ chức các cuộc Hội thảo chuyên đề, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các VS, HLV, cũng như khai thác thêm một số mặt về võ thuật và võ đạo của bản môn.
Qua đó sẽ thu thập nhiều ý kiến nhằm góp phần hoàn chỉnh hơn trong tình hình phát triển hiện nay của môn phái.
Châu Minh Hay